•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Chi đoàn “Một số bất cập trong pháp luật về đất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay”

09/06/2017
Ngày 6/6/2017, tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề “Một số bất cập trong pháp luật về đất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay”. Báo cáo viên là TS. Bùi Đức Hiển, nghiên cứu viên Phòng Pháp luật Môi trường. Đông đảo các đồng chí đoàn viên đã tham gia vào buổi sinh hoạt này.

TS. Bùi Đức Hiển (giữa)

 

TS. Bùi Đức Hiển cho biết, theo thống kê năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp (ĐNN) của Việt Nam là 262.805 km2 (chiếm tới 79,4% tổng diện tích đất trong cả nước) và đến năm 2016 vẫn có tới 60,64 triệu người chiếm 65,4% dân số tập trung ở nông thôn và làm nông nghiệp. Mặc dù vậy, tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa nhiều, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam tăng trưởng không cao, năng suất lao động xã hội trong nông nghiệp rất thấp, mặc dù là nước xuất khẩu lúa gạo thứ hai thế giới, nhưng đời sống của người nông dân Việt Nam chưa được cải thiện, đa số người nông dân không thể hoặc khó làm giàu được trên mảnh đất của mình, dẫn tới người nông dân bỏ ruộng, bỏ ĐNN. Có thể thấy, những bất cập này ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam mà nguyên nhân phần nhiều là do bất cập trong xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, đặc biệt là chế độ pháp lý đối với đất nông nghiệp.

 

Thứ nhất, về quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ), trong đó có ĐNN. Căn cứ lập QHSDĐ phải dựa trên chiến lược phát triển KT-XH, nhưng hiện nay nước ta chưa có chiến lược phát triển KT-XH dài hạn mà chỉ có tầm nhìn đến 10 năm, dẫn tới tư duy nhiệm kỳ trong lập và thực hiện các quy hoạch, trong đó có QHSDĐ. Có những nội dung quy hoạch nằm trong nhiều loại quy hoạch khác nhau dẫn tới những khó khăn trong tổ chức thực hiện.    

 

Thứ hai, về quy định giao đất, cho thuê ĐNN. Thẩm quyền giao, cho thuê ĐNN có thể thuộc về UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện, nhưng việc thiếu cơ chế thanh tra, giám sát, xử lý hoạt động của các cơ quan này dẫn đến những vi phạm các quy định về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ). Về người SDĐ được giao ĐNN, Luật Đất đai năm 2013 có sự phân biệt giữa cá nhân, hộ gia đình trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài trong giao ĐNN. Quy định này mâu thuẫn với chính sách mà Đảng ta đặt ra là coi người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, hiểu thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài cũng cần phải làm rõ hơn. Pháp luật hiện hành dựa vào yếu tố sinh sống lâu dài tại nước ngoài để xác định nhưng chưa quy định rõ bao nhiêu năm thì được coi là sinh sống lâu dài tại nước ngoài. 

 

Thứ ba, về thời hạn giao đất, cho thuê ĐNN. Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng thời hạn giao, cho thuê đất nông nghiệp từ 20 năm lên 50 năm, trong một số trường hợp đặc biệt có thể giao, cho thuê đất nông nghiệp đến 70 năm. Tuy nhiên, việc ghi nhận SDĐ có thời hạn dẫn đến tâm lý người được giao, thuê đất không muốn đầu tư hết mình hoặc có những trường hợp đầu tư hết mình để phát triển kinh tế nhưng lại gặp rủi ro khi Nhà nước thu hồi gây nên những tiêu cực xã hội.

 

Thứ tư, về hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng ĐNN. Việc quy định hạn mức giao ĐNN có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và hội nhập bởi thực tiễn cho thấy, không phải cá nhân, hộ gia đình nào ở nông thôn cũng trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không phải cá nhân, hộ gia đình nào trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng mặn mà, gắn bó, mong muốn phát triển hết mình trên diện tích ĐNN mình được giao. Bên cạnh đó, quy định về nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp cũng bị hạn chế. Sở dĩ, Luật quy định về hạn mức giao, nhận chuyển nhượng ĐNN nhằm tạo quỹ đất để đa số người dân được tham gia vào quan hệ SDĐ nông nghiệp. Tuy nhiên, việc quy định hạn mức này cản trở sự phát triển của đất nước cũng như không đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Do vậy, không nên giao đất nông nghiệp theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà cần dựa trên năng lực, hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp của các chủ thể để quyết định giao, cho nhận chuyển nhượng ĐNN góp phần thúc đẩy hội nhập và phát triển kinh tế bền vững. 

 

Một trong những bất cập nổi cộm về thu hồi ĐNN trong thời gian qua được báo cáo viên chỉ ra và nhận được sự đồng tình từ các bạn đoàn viên là sự mâu thuẫn giữa quy định về thu hồi đất trong Luật Đất đai với quy định về chuyển giao QSDĐ trên cơ sở bình đẳng, thỏa thuận trong Bộ luật Dân sự. Về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, trong đó có quy định thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới cũng được coi là vì lợi ích quốc gia. Vấn đề này cần phải được xác định rõ hơn. Một trong những ví dụ điển hình là tranh chấp liên quan đến thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên. 

 

Ngoài những bất cập nêu trên, TS. Bùi Đức Hiển còn phân tích một số quy định pháp luật chưa hợp lý khác như: chuyển đổi quyền SDĐ nông nghiệp; chuyển mục đích SDĐ nông nghiệp; chuyển quyền SDĐ; ly nông, ly hương trong điều chỉnh pháp luật về ĐNN.

 

Sau đó, các nhà nghiên cứu trẻ trong Viện đã thảo luận và đặt những câu hỏi liên quan đến các vấn đề như: cơ chế giám sát hoạt động quản lý của UBND các cấp; giá đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất; trưng mua, thu hồi đất công ích;…  

 

Qua những trao đổi tại buổi sinh hoạt này, có thể thấy thực trạng chế độ pháp lý đối với ĐNN ở nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập, mâu thuẫn ảnh hưởng đến hiệu quả SDĐ nông nghiệp cũng như quá trình phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, ngoài việc khắc phục, sửa chữa những bất cập, hạn chế trên, cần hoàn thiện các quy định về cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đồng thời với quá trình này là nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật về đất đai, trong đó có ĐNN. Hơn nữa, Nhà nước cần xác định và quyết tâm thực hiện phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững làm cơ sở, động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Các tin cùng chuyên mục: