•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Bảo đảm quyền kinh tế ở Việt Nam hiện nay”

07/08/2018
Ngày 3/8/2018, tại Hội trường, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức tọa đàm của Đề tài cơ sở “Bảo đảm quyền kinh tế ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Bùi Thị Hường, phòng Quyền con người và Luật về các vấn đề xã hội, là Chủ nhiệm. Thành viên còn lại của Đề tài là NCV. Trần Thị Loan.

Cơ cấu của đề tài gồm 3 chuyên đề:

  • Những vấn đề cơ bản về cơ chế bảo đảm quyền kinh tế ở Việt Nam;
  • Thực trạng bảo đảm quyền kinh tế ở Việt Nam hiện nay;
  • Kiến nghị.

ThS. Bùi Thị Hường (trái) và NCV. Trần Thị Loan

 

Trong chuyên đề đầu tiên, ThS. Bùi Thị Hường đã phân tích khái niệm quyền kinh tế dưới hai góc độ. Nếu xuất phát từ khái niệm kinh tế, quyền này khá rộng bao gồm: quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu, tự do lao động... Nếu dựa trên công ước và các văn bản chính trị, pháp lý quốc tế thì quyền kinh tế bao gồm: quyền lao động, việc làm; quyền hưởng mức sống thích đáng (qua việc nghiên cứu các nội dung trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước quốc tế về những quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 cũng như từ những công trình nghiên cứu khoa học).

 

Trong đề tài, nhóm tác giả tiếp cận quyền này theo nghĩa rộng xuất phát từ tính chất kinh tế của quyền. Do đó, quyền kinh tế bao gồm 3 quyền chính: quyền tự do kinh doanh; quyền sở hữu; quyền lao động và việc làm. Bàn về đặc điểm của quyền kinh tế, theo ThS. Bùi Thị Hường, quyền này cũng như các quyền khác, mang tính lịch sử - xã hội và pháp luật là phương tiện chính để thực hiện.

 

Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh, sự phân chia quyền kinh tế, văn hóa, xã hội chỉ là sự phân chia mang tính tương đối vì các quyền con người phụ thuộc lẫn nhau và tương quan với nhau. Vì trong nhóm quyền kinh tế cũng có sự gắn kết với các quyền văn hóa, xã hội, ví dụ như quyền làm việc là tiền đề của quyền sống.

 

Theo luật quốc tế về quyền con người (cũng như trong việc áp dụng luật quốc tế về quyền con người ở các quốc gia), các quyền dân sự, chính trị thường nhận được sự quan tâm nhiều hơn so với các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa biểu hiện trên nhiều khía cạnh như việc xây dựng các văn bản, việc trích dẫn cũng như trong nhận thức của công chúng. Điều đó đã dẫn tới những quan điểm sai lầm rằng, chỉ có các quyền dân sự, chính trị (như quyền được xét xử công bằng, quyền được đối xử một cách bình đẳng, quyền được sống, quyền bầu cử,...) mới có thể bị vi phạm và cần thiết phải có những biện pháp bảo đảm quốc tế. Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa thường bị xem là “các quyền loại hai” - không thể áp dụng trên thực tế, không thể giám sát việc thực hiện và chỉ được bảo đảm một cách đầy đủ “một cách dần dần” theo thời gian. Đây là một trong những đặc điểm chỉ ra sự khác nhau giữa quyền kinh tế với các quyền dân sự, chính trị.

 

 

Tiếp theo, ThS. Bùi Thị Hường giới thiệu cơ chế bảo đảm quyền kinh tế gồm: cơ chế quốc tế, khu vực, quốc gia và những yếu tố ảnh hưởng như chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa,…

 

Sau đó, NCV. Trần Thị Loan nêu lên thực trạng bảo đảm quyền kinh tế ở Việt Nam hiện nay với những phân tích cụ thể ở quyền lao động – việc làm và quyền sở hữu. Chuyên đề nêu ra những vấn đề còn nhiều bất cập, chẳng hạn như: phân biệt đối xử trong công việc; bình đẳng trong trả lương; phân biệt giới tính; hoạt động công đoàn;…

 

Sau khi nghe các thành viên đề tài trình bày, các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến đề tài. Nhìn nhận về chủ đề, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, so với nhóm quyền dân sự - chính trị thì những vi phạm trong nhóm quyền kinh tế - xã hội – văn hóa khó đánh giá hơn. Vì thế, cơ chế bảo đảm quyền kinh tế cũng khác với quyền dân sự - chính trị. Về nội dung, đề tài đã đánh giá thực trạng dựa trên các quy định của pháp luật nhưng chưa dựa trên các nội dung liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền, do đó, cần có những đánh giá phù hợp. Bên cạnh đó, đề tài có thể tham khảo những nội dung báo cáo tình hình thực hiện các quyền kinh tế văn hóa, xã hội trong thời giai đoạn chuẩn bị Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) của các tổ chức, các cơ quan bộ ngành để tiền hành phiên UPR lần 3 của Việt Nam vào tháng 1 năm 2019.

 

Nhận định về quyền việc làm, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, đề tài cần nhìn nhận trách nhiệm của Nhà nước chứ không chỉ là trách nhiệm của người sử dụng lao động.

Ngoài ra, đề tài còn đón nhận những ý kiến, góp ý của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, ThS. Hoàng Kim Khuyên và NCV. Lê Quang Thưởng.


Các tin cùng chuyên mục: