•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Điều kiện kinh doanh – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

10/10/2018
Ngày 28/9/2018, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Đề tài cơ sở do ThS. Nguyễn Thu Dung là chủ nhiệm có chủ đề “Điều kiện kinh doanh – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học.

Đề tài gồm có 3 phần:

  • Những vấn đề lý luận về điều kiện kinh doanh;
  • Thực trạng pháp luật điều kiện kinh doanh ở Việt Nam hiện nay;
  • Định hướng giải pháp hoàn thiện điều kiện kinh doanh.

Phần 3 của đề tài sẽ được các thành viên hoàn thành sau buổi tọa đàm hôm nay. Về mặt khái niệm, ThS. Nguyễn Thu Dung cho rằng, điều kiện kinh doanh được nhận diện ở nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, tuy nhiên, mặc dù hình thức biểu hiện của điều kiện kinh doanh có thể đa dạng nhưng về bản chất chúng đều giống nhau ở một điểm đó là thể hiện sự cho phép của Nhà nước khi một chủ thể tiến hành một hoạt động kinh doanh nào đó.

 

Với tính chất là một hình thức can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh, đề tài nhận diện và tiếp cận điều kiện kinh doanh qua ba góc độ: bảo đảm quyền tự do kinh doanh, công cụ quản lý của Nhà nước và lịch sử lập pháp Việt Nam.

 

Từ trái sang: ThS. Chu Thị Thanh An, ThS. Nguyễn Thu Dung, ThS. Cao Thị Lê Thương

 

Trong đó, khi tiếp cận từ góc độ công cụ quản lý của Nhà nước, các điều kiện kinh doanh được hiểu là bất kỳ công cụ quản lý nào thể hiện sự xin phép hoặc sự cho phép một chủ thể thực hiện một hoạt động kinh doanh cụ thể nào đó. Hoặc nó là cách gọi chung của các quy định ảnh hưởng đến một ngành nghề kinh doanh nào đó hoặc một công việc nào đó trong quá trình doanh nghiệp, cá nhân gia nhập thị trường cũng như hoạt động trên thị trường. Đây là cách tiếp cận “điều kiện kinh doanh” theo nghĩa rộng, theo đó, điều kiện kinh doanh mà hình thức biểu hiện của nó có thể là bất kỳ công cụ, hình thức quản lý nào thể hiện sự xin phép hoặc cho phép doanh nghiệp thực hiện một hoạt động kinh doanh.

 

Với cách tiếp cận này, các điều kiện kinh doanh không chỉ hướng tới chủ thể có giấy phép được quyền thực hiện một hoạt động nào đó mà nó còn hướng tới đối tượng quản lý cụ thể hơn, đó là quản lý hàng hóa, dịch vụ nào đó được phép phân phối, quản lý thể nhân – đối tượng con người cụ thể khi người này thực hiện việc cung ứng một dịch vụ nào đó, quản lý địa điểm – nơi gắn với hoạt động kinh doanh của chủ thể đó.

 

Tiếp theo, ThS. Cao Thị Lê Thương giới thiệu và phân tích quá trình hình thành điều kiện kinh doanh từ góc độ lịch sử lập pháp. Quy định về điều kiện kinh doanh gắn liền với quá trình chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường và gắn liền với sự ra đời của khu vực kinh tế tư nhân, bắt đầu từ Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1990. Thời kỳ này, để công ty chính thức đi vào hoạt động phải mất 6 tháng và hoàn thành 20 thủ tục. Luật Doanh nghiệp 2005 đã đưa ra giải thích về điều kiện kinh doanh tại Khoản 2 Điều 7: “Điều kiện kinh doanh là yêu cầu mà doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành, nghề cụ thể, được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác”. Tuy nhiên, cách giải thích về điều kiện kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp 2005 mới chỉ trên cơ sở liệt kê các hình thức pháp lý của điều kiện kinh doanh mà chưa nêu được bản chất của điều kiện kinh doanh.

 

 

Sau đó, Luật Doanh nghiệp 2014 ra đời với nhiều quy định mới. Một trong số đó là toàn bộ chế định pháp lý điều chỉnh về điều kiện kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được chuyển sang phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư 2014 và thuật ngữ “điều kiện kinh doanh” được thay thế bằng thuật ngữ “điều kiện đầu tư kinh doanh” và thuật ngữ “ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” được thay thế bằng thuật ngữ “ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

 

Có thể thấy, mặc dù Luật Đầu tư 2014 không trực tiếp đưa ra cách giải thích về điều kiện đầu tư kinh doanh nhưng bằng các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cách thức xây dựng và ban hành một điều kiện đầu tư kinh doanh, các quy định đã cho thấy một khái niệm chung nhất về “điều kiện đầu tư kinh doanh”, theo đó, có thể hiểu đó là các yêu cầu mà Nhà nước đặt ra vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư và kinh doanh của mình. Các quy định này đã phần nào làm rõ được mục tiêu cũng như các yêu cầu cần có của quá trình xây dựng và ban hành một điều kiện đầu tư kinh doanh.

 

Tọa đàm cũng đã lắng nghe ThS. Chu Thị Thanh An trình bày về việc tiếp cận điều kiện kinh doanh dưới góc độ bảo vệ quyền tự do kinh doanh. Từ những phân tích của mình, tác giả cho rằng, các điều kiện kinh doanh dù được ban hành dưới bất kỳ hình thức nào thì vẫn cần phải tiếp cận ở góc độ giới hạn quyền tự do kinh doanh đề xác định liệu trong các trường hợp nào thì Nhà nước được phép can thiệp vào hoạt động kinh doanh của người dân và từ đó đưa ra biện pháp can thiệp, mức độ can thiệp tương xứng.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương

 

Bình luận về đề tài, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng, khi nói đến điều kiện kinh doanh thì đề tài cũng cần đề cập đến quy chuẩn kỹ thuật và chỉ ra mối liên quan cũng như có sự so sánh giữa 2 khái niệm này. Đề tài cũng cần phân tích cơ sở của điều kiện kinh doanh và liệu điều kiện kinh doanh có cản trở đến quyền tự do kinh doanh hay không?

 

Theo TS. Bùi Đức Hiển, trong phần lý luận, đề tài cần làm rõ khái niệm “điều kiện kinh doanh” với “ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”. Các tác giả cũng nên đưa ra tiêu chí đánh giá thực trạng quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh. ThS. Phạm Thị Hiền cho rằng, từ việc phân tích các quy định và thực trạng thực hiện pháp luật qua từng thời kỳ, các tác giả nên chỉ ra mặt tích cực, hạn chế cũng như giải thích vì sao lại cắt giảm hay tăng thêm các điều kiện kinh doanh qua từng giai đoạn từ năm 1990 đến nay.

 

Trước đó, ngày 26/9/2018, đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học của đề tài cơ sở “Bảo hộ ngư dân Việt Nam ở Biển Đông”. Đề tài này do TS. Nguyễn Thu Hương là chủ nhiệm. Các thành viên là ThS. Nguyễn Tiến Đức và ThS. Phạm Hồng Nhật.

Các tin cùng chuyên mục: