•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền đối với bất động sản liền kề ở Việt Nam hiện nay”

26/09/2019
Tọa đàm diễn ra ngày 20/9/2019 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật. Đề tài do ThS. Nguyễn Thị Hường là chủ nhiệm.

Mở đầu, tác giả đã khái quát về quyền đối với bất động sản liền kề và thực trạng pháp luật về quyền đối với bất động sản liền kề ở Việt Nam hiện nay. Về mặt khái niệm, đề tài cho rằng, quyền đối với bất động sản liền kề là quyền của chủ sở hữu bất động sản trong những điều kiện do pháp luật quy định, được sử dụng bất động sản của người khác trong phạm vi xác định để thỏa mãn việc khai thác, sử dụng một cách hợp lý bất động sản thuộc sở hữu của mình.

 

ThS. Nguyễn Thị Hường (ngồi giữa)

 

ThS. Nguyễn Thị Hường đã phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về quyền đối với bất động sản liền kề, cụ thể là: sử dụng lối đi qua; cấp thoát nước; mắc đường dây tải điện, thông tin, liên lạc;…Tác giả cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập của điều chỉnh pháp luật về giới hạn quyền đối với bất động sản liền kề như: ô nhiễm tiếng ồn;xây dựng; trổ cửa; thiết lập lỗ thông khí, khe sáng;…

 

Tiếp theo, tác giả trình bày định hướng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền đối với bất động sản liền kề ở nước ta. Về định hướng, tác giả cho rằng, cần cân bằng lợi ích của chủ sở hữu bất động sản với người có quyền đối với bất động sản liền kề; đảm bảo sự tương thích với các nguyên tắc của nền dân chủ, trong đó chú trọng nguyên tắc thỏa thuận trong điều chỉnh các quan hệ phát sinh từ thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề; khắc phục hạn chế, thiếu sót của pháp luật về lĩnh vực này; bảo đảm quyền con người, quyền của công dân về sở hữu, về sử dụng tài sản; bảo đảm hội nhập và tương thích với pháp luật quốc tế.

 

Từ đó, ThS. Nguyễn Thị Hường đề xuất một số giải pháp, trong đó có:

- Quy định rõ thế nào là lối đi không đủ;

- Xem xét, bổ sung quy định về quyền yêu cầu lối đi cho chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc phải bảo đảm cả các nhu cầu sản xuất, kinh doanh;

- Bổ sung thêm các loại quyền đối với bất động sản liền kề để bảo đảm các nhu cầu cần thiết khác;

- Hướng dẫn cụ thể về đăng ký quyền đối với bất động sản liền kề;

- Cần có các quy định về chế tài đối với người láng giềng khi sử dụng quyền đối với bất động sản liền kề mà gây thiệt hại cho chủ bất động sản liền kề. Pháp luật Việt Nam chưa dự liệu các biện pháp kiềm chế khai thác, sử dụng bất động sản mà gây ảnh hưởng tới các chủ sở hữu bất động sản ở chung quanh, vì khi sống trong không gian chung không thể tránh khỏi những “phiền toái” (ví dụ: việc gây tiếng ồn, xả nước thải, xả mùi…).

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, trong cuộc sống ngày nay, vấn đề này ngày càng trở nên phức tạp. Theo ông, do đây là vấn đề mới và phức tạp nên việc tiếp cận dưới góc độ quyền chỉ là một phần. Ngoài ra, đề tài cần phải tiếp cận dưới góc độ nghĩa vụ theo nghĩa  của các chủ thể cần kiềm chế không thực hiện những hành vi ảnh hưởng đến người khác. Tác giả cũng cần nghiên cứu không chỉ quy định của Bộ luật Dân sự mà còn cần tìm hiểu các quy định của các đạo luật chuyên ngành khác (Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản…), cũng như tập quán thể hiện trong hương ước, luật tục.

 

Theo TS. Trần Văn Biên, chế định giới hạn quyền đã có quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 liên quan đến các vấn đề như nhà vệ sinh gây mùi khó chịu, bật nhạc gây tiếng ồn,… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều vụ việc không được xử lý theo pháp luật. TS. Biên đồng ý với  PGS.TS. Phạm Hữu Nghị về quan điểm, trong điều kiện Việt Nam, ngoài các quy định của luật thì cũng cần áp dụng các nguyên tắc sống thân thiện và hòa hảo với nhau.

 

TS. Trần Văn Biên

 

Góp ý tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nêu ra một số vụ việc trên thực tế và cho rằng đề tài cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn về hoàn thiện pháp luật và bảo đảm thực hiện pháp luật  về quyền đối với bất động sản liền kề.

 

Kết thúc tọa đàm, ThS. Nguyễn Thị Hường cám ơn và giải trình việc tiếp thu ý kiến của những nhà khoa học. Nội dung đề tài này là một phần nằm trong luận án tiến sĩ do tác giả đang thực hiện.

Các tin cùng chuyên mục: