•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Hoàn thiện pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay”

14/09/2018
Ngày 7/9/2018, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức buổi báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài cơ sở “Hoàn thiện pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Hoàng Kim Khuyên, phòng Quyền con người và Luật về các vấn đề xã hội là chủ nhiệm. Thành viên của đề tài là NCV. Trần Tuấn Minh.

Đây là đề tài mang tính tiếp nối của Đề tài cơ sở đã thực hiện trong năm 2017 “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về pháp luật bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay”.

 

Đề tài bao gồm 4 phần:

  • Tiêu chí đánh giá thực trạng pháp luật về bảo trợ xã hội;
  • Thực trạng pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam;
  • Quan điểm, yêu cầu hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay;
  • Giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay.

ThS. Hoàng Kim Khuyên (trái) và NCV. Trần Tuấn Minh

 

Theo ThS. Hoàng Kim Khuyên, có ba tiêu chí chính để đánh giá thực trạng pháp luật về BTXH. Thứ nhất, pháp luật về BTXH không được trái với Hiến pháp. Xét về mặt nội dung, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý tối cao trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Tất cả các văn bản quy phạm pháp luật về BTXH không được trái với Hiến pháp mà phải phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp, được ban hành trên cơ sở quy định của Hiến pháp và để thi hành Hiến pháp. Thứ hai, chú trọng đánh giá sự tác động của pháp luật về BTXH đối với các đối tượng BTXH. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá về tính hiệu quả của pháp luật về BTXH trên thực tế. Thông qua tiêu chí này để nhận biết: có những đối tượng nào trong xã hội là đối tượng BTXH (tránh bỏ lọt đối tượng BTXH); mức độ thụ hưởng, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng BTXH;… Ngược lại, qua tiêu chí này để nhận thấy pháp luật về BTXH đã phát huy được hiệu quả trên thực tế hay chưa, còn những hạn chế, bất cập gì… Thứ ba, pháp luật về BTXH phải đảm bảo tính hiệu lực. BTXH là lĩnh vực rộng, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh khác nhau dưới dạng văn bản luật và văn bản dưới luật. Theo đó, phải nghiên cứu và đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực về không gian, thời gian, đối tượng áp dụng nhằm mục đích tìm ra các ưu điểm, hạn chế để đề ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật về BTXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

Hiện nay, pháp luật về BTXH ở Việt Nam đã thu nhận được những thành công và những hạn chế sau đây:

Về thành công: Một là, pháp luật về BTXH ra đời giúp thay đổi những hạn chế trong nhận thức về vị trí, vai trò của BTXH đối với đời sống xã hội. Hai là, pháp luật về BTXH đã khẳng định vai trò bảo vệ đối với các thành viên trong xã hội thông qua nhiều hình thức nhằm giúp cho các đối tượng yếu thế khắc phục được những khó khăn về kinh tế và hòa nhập xã hội. Ba là, pháp luật về BTXH đã thể hiện nhất quán chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về an sinh xã hội ở nước ta

 

Về hạn chế: Một là, tiêu chí để xác định đối tượng BTXH không thống nhất, chưa bao phủ hết các đối tượng yếu thế trong xã hội. Hai là, sự điều chỉnh của pháp luật còn chậm chưa phản ánh đúng thực trạng của đối tượng BTXH, nhất là mức trợ cấp còn thấp và chậm được điều chỉnh chưa tạo được sự an toàn thực chất cho các đối tượng BTXH. Ba là, công tác quản lý nhà nước trong hoạt động BTXH còn hạn chế. Bốn là, xã hội hóa hoạt động BTXH nhưng lại chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả, nhất là quá trình thành lập, hoạt động của các cơ sở BTXH ngoài công lập.

 

 

Từ những phân tích nêu trên, đề tài đã chỉ ra 03 quan điểm, 07 yêu cầu và đề xuất 02 nhóm giải pháp. Cụ thể là:

Về quan điểm: Một là, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các đối tượng yếu thế trong xã hội nói riêng và của mọi người dân có hoàn cảnh khó khăn nói chung. Hai là, xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện, đa dạng để giảm nghèo đói và bất bình đẳng trong xã hội. Ba là, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và các nhân để đảm bảo tính bền vững và công bằng trong công tác bảo trợ xã hội.

 

Về yêu cầu: Một là, phải thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Hai là, phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ và tủy thuộc vào mức độ yếu thế của từng đối tượng để được bảo trợ. Ba là, dựa trên sự phù hợp giữa pháp luật về bảo trợ xã hội với Hiến pháp và sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bốn là, bảo đảm tính tương thích giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế về bảo trợ xã hội. Năm là, đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn nhằm đánh giá chính xác thực trạng pháp luật về bảo trợ xã hội hiện hành, từ đó xác định được những mục tiêu, nhiệm vụ điều chỉnh pháp luật về bảo trợ xã hội trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Sáu là, pháp luật về BTXH phải tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng BTXH vượt qua các rào cản, khó khăn trong cuộc sống. Bảy là, bảo đảm xã hội hóa các hoạt động bảo trợ xã hội.

           

Về các nhóm giải pháp, đề tài chia ra làm hai nhóm giải pháp chính.

Nhóm giải pháp 1: Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay

Một là, xây dựng pháp luật về giảm nghèo: cần phải có hệ thống pháp luật về xóa đói giảm nghèo thống nhất; chính sách, pháp luật về giảm nghèo phải chỉ ra những biểu hiện của nghèo đói, là cơ sở, căn cứ để xây dựng các biện pháp để giảm nghèo; pháp luật giảm nghèo phải xác định các nguyên tắc điều chỉnh, đối tượng và phạm vi tác động; phải thiết lập bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo và hòa nhập xã hội đồng thời tổ chức quản lý nhà nước về giảm nghèo có hiệu quả trên thực tế.

 

Hai là, bổ sung một số quy định của pháp luật trợ giúp xã hội: bổ sung các tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền lấy làm cơ sở và căn cứ xác định đối tượng trợ giúp xã hội; bổ sung, mở rộng đối tượng hưởng trợ giúp xã hội; bổ sung quy định của pháp luật về điều kiện xét hưởng trợ cấp của các đối tượng bảo trợ xã hội; tăng mức trợ cấp hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội; quy định hỗ trợ về việc làm, dạy nghề cho đối tượng bảo trợ xã hội phải hướng đến tạo điều kiện để nâng cao năng lực thực sự cho các đối tượng bảo trợ xã hội; cần phải rà soát, đánh giá, phân loại và lập danh sách các đối tượng trợ giúp khẩn cấp, đột xuất để tổ chức thực hiện có hiệu quả và chất lượng.

 

Ba là, sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức và hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội: bổ sung quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội; quy định mở rộng về đối tượng (trong diện được bảo trợ xã hội) được “phục vụ” vào cơ sở bảo trợ xã hội; cần mở rộng chức năng, tăng nhiệm vụ quyền hạn hoạt động của các cơ sở bảo trợ xã hội để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở đáp ứng nhu cầu của con người trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta và xu hướng phát triển an sinh xã hội của quốc tế; đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các trung tâm bảo trợ xã hội.

 

Bốn là, sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật về quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động bảo trợ xã hội: quy định thống nhất về cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các trung tâm bảo trợ xã hội; quy định về các biện pháp phối hợp trong công tác quản lý, giám sát đối với tổ chức và hoạt động của các cơ sở  bảo trợ xã hội nhằm tránh thất thoát ngân sách nhà nước và nhiều vi phạm pháp luật trên thực tế; xây dựng cơ chế xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội dựa trên quyền của các nhóm đối tượng yếu thế; cần tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc tiếp nhận, phân bổ tiền hàng cứu trợ tại các địa phương, cơ sở không để xảy ra sai sót, thất thoát, tiêu cực.

 

 

Nhóm giải pháp 2: Các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về mục đích, vai trò của bảo trợ xã hội trong đời sống xã hội. Từ chỗ nhận thức bảo trợ xã hội như là hoạt động từ thiện, mang tính nhân đạo, tương thân, tương ái, giúp đớ lẫn nhau của con người (thuần túy là hoạt động hỗ trợ tài chính, hiện vật)… và đến nay là một trong những hoạt động tích cực, quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, là quyền cơ bản của con người trong xã hội.

 

Thứ hai, đổi mới tổ chức quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội. Để hệ thống BTXH được phát triển, bên cạnh việc xây dựng, thực thi nhiều nội dung liên quan đến đối tượng, chế độ bảo trợ xã hội thì giải pháp đổi mới tổ chức quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội là một trong những nội dung quan trọng. Để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong hoạt động BTXH tại các địa phương từ phía các cấp các ngành thì cần phải đề ra giải pháp đổi mới quản lý nhà nước trong công tác BTXH. Nội dung bao gồm các đổi mới về phương thức, hình thức quản lý nhà nước. Về hình thức quản lý nhà nước trong hoạt động BTXH, cần nghiên cứu ban hành Luật bảo trợ xã hội hoặc Luật an sinh xã hội, Luật công tác xã hội trong đó có chế định về bảo trợ xã hội như một công cụ quản lý quan trọng nhằm hoạch định các chiến lược, mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện nay, hoạt động BTXH được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, trong đó có quy định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhưng không làm rõ được nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của “chính quyền mỗi cấp” trong vai trò quản lý nhà nước.

 

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo trợ xã hội. Hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về BTXH từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là nhằm nắm bắt, tháo gỡ, giải quyết các vấn đề phát sinh tránh việc vi phạm pháp luật; đề ra các giải pháp thích hợp, thiết thực chăm lo, cải thiện và nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho các đối tượng BTXH nói riêng và người dân nói chung. Tiếp theo, hoạt động kiểm giám sát việc thực hiện pháp luật về BTXH còn được tiến hành từ phía cộng đồng nhằm giúp người dân hình thành thói quen tham gia vào quản lý xã hội trong đó có lĩnh vực bảo trợ xã hội. Nhất là trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí thì sự tham gia của cộng đồng trong  việc giám sát các hoạt động của đời sống xã hội cần được tăng cường hơn cả.

 

Thứ tư, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về bảo trợ xã hội. Mục đích của hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật BTXH là nhằm xây dựng ý thức pháp luật, làm cho cộng đồng có lòng tin vào pháp luật, có thói quen và động cơ tích cực trong việc thực hiện pháp luật về BTXH. Hay nói cách khác, hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về BTXH là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BTXH đến với các tầng lớp nhân dân nói chung, đối tượng BTXH nói riêng.

 

Thứ năm, tăng cường nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho hoạt động bảo trợ xã hội. Trong bối cảnh nhu cầu BTXH ngày một lớn, nguồn lực của ngân sách còn hạn chế, việc tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và hỗ trợ cho hoạt động BTXH là hết sức cần thiết, đòi hỏi phải chú trọng những giải pháp thiết thực trong quá trình huy động để thực hiện và bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các đối tượng. Một mặt thể hiện vai trò của nhà nước và trách nhiệm xã hội của các chủ thể trong hoạt động BTXH tất cả là vì con người. Có thể tập trung vào giải pháp là tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực tài chính để huy động các nguồn lực tài chính do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tài trợ; nghiên cứu cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ trực tiếp cho các vụ việc, đối tượng được BTXH cụ thể; tiếp tục thực hiện lồng ghép hoạt động BTXH với các Chương trình mục tiêu quốc gia… Việc làm này sẽ khuyến khích ngày càng nhiều hơn các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc xây dựng và cung cấp các hoạt động dịch vụ cho các đối tượng cần sự trợ giúp, giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách Nhà nước, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ cho các đối tượng được thụ hưởng bởi họ sẽ được lựa chọn dịch vụ công hay tư.

 

Trao đổi tại tọa đàm, ThS. Nguyễn Tiến Đức đưa ra gợi ý đề tài nên tìm hiểu đặc trưng của từng đối tượng để có thể đưa ra biện pháp bảo trợ phù hợp. Về giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi, TS. Đức cho rằng, cần phải có biện pháp hiệu quả để tránh thất thoát tiền BTXH trong quản lý nhà nước về BTXH.

 

Bình luận về đề tài, NCV. Lê Quang Thưởng cho rằng, khi nhìn nhận pháp luật về BTXH theo góc độ quyền con người thì đề tài cần xác định trách nhiệm của Nhà nước. Vai trò của Nhà nước trong hoạt động BTXH như thế nào? Cơ chế do Nhà nước tạo ra phải hiệu quả để thực hiện BTXH cũng như bảo đảm quyền cho người yếu thế.

 

Đề tài cũng nhận được những bình luận của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, ThS. Nguyễn Thu Dung và một số nhà khoa học khác.

Các tin cùng chuyên mục: