•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Lý luận pháp luật về quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay”

31/08/2018
Ngày 23/8/2018, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Đề tài cơ sở do ThS. Phạm Thị Hương Giang là chủ nhiệm có chủ đề “Lý luận pháp luật về quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học.

Đề tài gồm 2 chuyên đề:

  • Lao động nước ngoài và quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam;
  • Pháp luật về quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.

Mở đầu chuyên đề thứ nhất, đề tài đã tìm hiểu khái niệm về lao động nước ngoài, còn gọi là lao động di trú theo quy định của các văn bản quốc tế. Ở Việt Nam, khái niệm này. không quy định cụ thể trong quan hệ hợp đồng lao động, mà theo đó khái niệm người lao động nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam với mọi hình thức trong đó có hợp đồng lao động.

 

Chuyên đề đã đưa ra các tiêu chí để phân loại lao động nước ngoài dựa trên: hình thức lao động; trình độ của người lao động; quốc tịch; người sử dụng lao động; tính hợp pháp.

 

Về khái niệm quản lý lao động nước ngoài, ThS. Phạm Thị Hương Giang cho biết, theo Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), quản lý lao động nước ngoài là một quá trình tác động của chủ thể quản lý vào quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động và một bên là người lao động không phải là công dân nước sở tại (nơi tiến hành hoạt động quản lý) làm việc tại nước sở tại có hoặc không hưởng lương trong một khoảng thời gian nhất định.

 

Đề tài tiếp tục chỉ ra 02 đặc điểm của việc quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam là: (i) quản lý lao động nước ngoài là một quá trình gắn bó chặt chẽ với việc bảo vệ quyền con người và có tính quốc tế sâu sắc; (ii) quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là một quá trình liên quan tới nhiều ngành, tất cả các địa phương và nhiều quan hệ lao động.

 

Đồng thời đề tài cũng chỉ ra những mục tiêu của quản lý lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài một cách hợp lý và gắn việc sử dụng lao động nước ngoài của từng người sử dụng lao động với lợi ích chung của toàn xã hội.

 

Trong chuyên đề thứ hai, tác giả đã trình bày những kết quả nghiên cứu cho đến thời điểm này bao gồm: khái niệm, nguyên tắc điều chỉnh pháp luật quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam. ThS. Phạm Thị Hương Giang cho rằng, pháp luật về quản lý lao động nước ngoài là tổng thể các quy tắc xử sự do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong việc Nhà nước tác động vào đối tượng quản lý là những người nước ngoài nhập cư vào nước sở tại để làm ăn, sinh sống một mình hoặc cùng với gia đình của họ với các nguyên tắc cơ bản là tôn trọng quyền con người, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ việc làm cho người lao động bản xứ, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của lao động nước ngoài nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài một cách hợp lý và gắn việc sử dụng lao động nước ngoài của từng người sử dụng lao động với lợi ích chung của toàn xã hội.

 

Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, chủ đề của đề tài mang tính lý luận cao vì thế tác giả phải làm rõ hơn nữa khái niệm, đặc điểm của lao động nước ngoài, từ đó chỉ ra khái niệm quản lý lao động nước ngoài: ai quản lý, quản lý bằng công cụ gì, nguyên tắc gì? Ngoài ra, đề tài cần nêu ra được mô hình quản lý lao động nước ngoài, trên cơ sở đó chỉ ra mô hình pháp luật quản lý lao động nước ngoài.

 

Theo TS. Trương Vĩnh Khang, đề tài cần cập nhật số liệu thống kê từ nhiều nguồn để từ đó nhận diện về tình hình lao động nước ngoài ở Việt Nam hiện nay qua nhiều khía cạnh. TS. Nguyễn Linh Giang góp ý, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên đề tài cần tìm hiểu các quy định về lao động nước ngoài của WTO. Cụ thể, đề tài cần bổ sung những quy định của WTO về thương mại hàng hóa và dịch vụ và nhận định về việc đáp ứng ở Việt Nam như thế nào.

 

Ngoài ra, đề tài cũng thu nhận những ý kiến của TS. Bùi Đức Hiển, ThS. Nguyễn Thanh Tùng về các vấn đề: yếu tố ảnh hưởng của lao động nước ngoài tác động đến thị trường lao động ở Việt Nam, công nhận tương đương, chủ quyền quốc gia, xung đột văn hóa,…

Các tin cùng chuyên mục: