•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Nhà nước kiến tạo phát triển ở một số quốc gia trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam hiện nay”

02/10/2019
Ngày 27/9/2019, Đề tài cơ sở do ThS. Nguyễn Thị Hưng làm chủ nhiệm có chủ đề “Nhà nước kiến tạo phát triển ở một số quốc gia trên thế giới và khả năng áp dụng ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học. Các thành viên của đề tài là PGS.TS. Nguyễn Như Phát và ThS. Nguyễn Đình Sơn.

Kết cấu của đề tài gồm 3 chương:

  • Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước kiến tạo phát triển;
  • Nhà nước kiến tạo phát triển ở một số quốc gia trên thế giới;
  • Khả năng áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam hiện nay.

ThS. Nguyễn Đình Sơn trình bày tóm tắt nội dung Chương 1 của đề tài

 

ThS. Nguyễn Đình Sơn trình bày nội dung Chương 1 của đề tài. Tác giả đã nêu lịch sử hình thành của nhà nước kiến tạo phát triển và khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam. Bản chất của nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình quản lý trong đó, nhà nước không làm thay người dân mà thực hiện nhiệm vụ đề ra các chính sách mang tính định hướng phát triển và tạo môi trường, điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy được tiềm năng và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Nhà nước kiến tạo không trực tiếp sản xuất, kinh doanh và coi đó là công việc của xã hội, công dân. Đương nhiên, điều đó cũng sẽ là yếu tố quy định cung cách quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Có nhiều định nghĩa khác nhau về mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, phần lớn các định nghĩa đều được xây dựng bằng cách nêu ra các thành tố của mô hình này. Một cách tổng quát nhất, học giả Chalmers Ashby Johnson cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước hội đủ các điều kiện sau đây:

- Tồn tại các quy tắc ổn định và vững chắc do giới tinh hoa chính trị - quan liêu thiết lập nên, tương đối độc lập trước các sức ép chính trị có thể gây tổn hại tới tăng trưởng kinh tế;

- Có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư. Sự hợp tác được thể chế hóa này do một cơ quan kế hoạch hóa mang tính chiến lược giám sát; 

- Có sự đầu tư mạnh mẽ và liên tục cho giáo dục, kết hợp với một số chính sách nhằm bảo đảm phân chia công bằng của cải;

- Có một Chính phủ nắm rõ và tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường. Chính quyền này phải mạnh thậm chí là chuyên chế.

 

Ngoài ra, UNDP trong Báo cáo năm 2012 cho rằng, nhà nước kiến tạo phát triển là một nhà nước đóng vai trò mạnh mẽ trong nền kinh tế quốc gia với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp đầu tiên sau khi nhậm chức phát biểu trước Quốc hội và cử tri cả nước đã xác định rõ mục tiêu xây dựng Chính phủ mới là Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân. Nội hàm của Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển, Nhà nước không làm thay thị trường. Kiến tạo cũng có nghĩa là Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Cuối cùng là phúc lợi xã hội phải tốt và  quan trọng hơn cả, Chính phủ  kiến tạo là nói phải đi đôi với làm.

 

ThS. Nguyễn Đình Sơn cũng nêu ra những đặc điểm cơ bản và những yếu tố của nhà nước kiến tạo phát triển. Nhìn chung, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển có một số đặc trưng: (i) Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Hệ thống bộ máy quản lý nhà nước được tổ chức tinh gọn với đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, mẫn cán và trong sạch; (iii) Xử lý hợp lý quan hệ nhà nước – thị trường – doanh nghiệp; (iv) Thiết lập và phát triển nền hành chính công phục vụ quá trình phát triển.

 

Chủ nhiệm đề tài, ThS. Nguyễn Thị Hưng

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Hưng trình bày nội dung thứ hai, “Nhà nước kiến tạo phát triển ở một số quốc gia trên thế giới”. Tác giả đã phân chia các mô hình nhà nước kiến tạo phát triển cơ bản trên thế giới dựa trên mấy tiêu chí: mức độ can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế; lãnh thổ, quốc gia, khu vực; thể chế chính trị; mức độ thành công hay thất bại.

 

Theo tiêu chí mức độ can thiệp của nhà nước đối với nền kinh tế, có 3 mô hình chính là mô hình can thiệp sâu rộng, tương đối và hạn chế. Trong đó, mô hình nhà nước can thiệp sâu rộng được coi là mô hình truyền thống, được hình thành ở một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Những nhà nước này can thiệp vào kinh tế một cách trực tiếp, sâu rộng thông qua các biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp mới. Đây được coi là phiên bản mạnh của nhà nước kiến tạo phát triển. Mô hình nhà nước can thiệp tương đối và hạn chế hình thành khi xảy ra Cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997 làm xuất hiện nhiều vấn đề mới nảy sinh và có nhu cầu phải xem xét lại vai trò can thiệp của nhà nước như: thất bại của thị trường, vai trò xây dựng các chiến lược phát triển, sáng kiến phát triển nền kinh tế,…

 

ThS. Nguyễn Thị Hưng cũng phân tích kinh nghiệm xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở một số quốc gia. Trong đó, giới thiệu về Nhật Bản, tác giả cho biết, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nổi lên đầu tiên ở quốc gia này. Lúc này, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, các tập đoàn kinh tế bị giải thể. Về tổ chức bộ máy, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, cơ cấu được thu gọn từ 24 bộ xuống còn 12 bộ. Chiến lược và chính sách phát triển công nghiệp theo phương thức rút ngắn hướng đến xuất khẩu, gắn với đẩy mạnh áp dụng những kỹ thuật mới từ Châu Âu, Bắc Mỹ, phát triển những ngành công nghiệp mới, đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức mẫn cán, chuyên nghiệp, ý thức trách nhiệm rất cao; đội ngũ chuyên gia trình độ cao mang tinh thần “võ sỹ đạo” trong xây dựng đất nước.

 

Kết quả là, từ năm 1952 đến 1973, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân thực tế của Nhật Bản ở ức cao nhất trong các nước tư bản. Giá trị tổng sản phẩm trong nước năm 1973 tăng gấp 20 lần so với năm 1950, từ 20 tỷ USD lên 402 tỷ USD, vượt qua Anh, Pháp và Đức.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát (giữa) cùng PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (trái) và PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương

 

Nhìn nhận về khả năng áp dụng mô hình nhà nước kiến tạo ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, nước ta đang có một số tiền đề ban đầu để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, nhà nước kiến tạo cũng đặt ra nhiều yêu cầu, nguyên tắc và phương pháp tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước để đáp ứng khả năng áp dụng mô hình này tại Việt Nam. Một trong số đó là nhà nước kiến tạo phát triển phải là nhà nước tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc nhà nước và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Đây đang là một trong những nút thắt trong xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam hiện nay.

 

Tham gia thảo luận, TS. Phan Thanh Hà cho rằng, dường như đề tài đã chỉ ra bản chất của nhà nước kiến tạo thông qua việc phân tích chức năng, nhiệm vụ của nhà nước cũng như nhấn mạnh đến vai trò điều tiết của nhà nước trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Về mặt lý luận, đề tài cần đưa ra được khái niệm nhà nước kiến tạo phát triển là gì để từ đó phân biệt giữa nhà nước kiến tạo phát triển với các loại nhà nước khác.

 

NCV. Lê Quang Thưởng nhìn nhận, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển không thể duy trì trong một thời gian dài, nó chỉ tồn tại và phát triển trong một giai đoạn nhất định. Trường hợp cụ thể là mô hình nhà nước kiến tạo ở Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển đến khi xảy ra Cuộc khủng hoảng kinh Châu Á năm 1997 thì bắt đầu có những sự thay đổi cơ bản. Ông cho rằng, mô hình nhà nước này nếu tồn tại quá lâu sẽ xuất hiện lợi ích nhóm.

 

PGS.TS. Vũ Thư trao đổi về đề tài

 

Chia sẻ về đề tài, theo PGS.TS. Vũ Thư, nhà nước kiến tạo phát triển là nhà nước gắn với sự đột phá về kinh tế. Mức độ can thiệp của nhà nước thể hiện ở việc định ra quy tắc, định hướng cho sự phát triển kinh tế. Nhìn chung, mô hình nhà nước này mang hơi hướng “độc tài” và có khả năng áp đặt vào xã

hội.

 

Xem xét trong bối cảnh hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, mô hình nhà nước kiến tạo phát triển dường như đang thích hợp để áp dụng cho Việt Nam vào lúc này bởi lẽ Việt Nam cần có sự đột phá về kinh tế. Vì thế, muốn thực hiện được việc này, Việt Nam cần cải tổ để tạo ra bộ máy thật sự dân chủ, có năng lực, đưa ra được quyết sách đúng đắn. Nhà nước can thiệp vào nền kinh tế ở mức vừa phải và đúng quy luật thì xã hội sẽ ổn định.

 

Ngoài ra, đề tài còn nhận được những trao đổi, góp ý sôi nổi, thiết thực của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, ThS. Nguyễn Thanh Tùng, ThS. Nguyễn Tiến Đức, NCV. Vũ Hoàng Dương và các nhà nghiên cứu khác.

 

Các tin cùng chuyên mục: