•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về hình phạt theo Bộ luật Hình sự Việt Nam”

28/08/2020
Tọa đàm diễn ra ngày 24/8/2020 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật. Đề tài do ThS. Lê Thị Hồng Xuân là chủ nhiệm.

ThS. Lê Thị Hồng Xuân (bìa phải) và NCV. Trần Tuấn Minh (giữa)

 

Mở đầu, ThS. Lê Thị Hồng Xuân dẫn giải khái niệm về hình phạt được quy định trong Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015 từ đó rút ra một số đặc trưng cơ bản về hình phạt. Theo đó, hình phạt chỉ áp dụng với người phạm tội và là hình thức trừng trị nghiêm khắc của Nhà nước. Hình phạt chỉ được quy định trong Bộ luật Hình sự do Tòa án quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng quy định ngoài hình phạt chính còn có hình phạt bổ sung đối với người phạm tội.

 

Trình bày về thực trạng áp dụng các hình phạt ở Việt Nam hiện nay, NCV. Trần Tuấn Minh cho biết, số lượng các vụ án hình sự từ năm 2015 đến nay đang giảm dần qua từng năm. Số liệu tổng kết từ các vụ án cho thấy, số lượng hình phạt tù ở mức 87%, chiếm đa số so với các loại hình phạt khác. Ngoài ra, phần lớn các bản án của Tòa án áp dụng hình phạt tù có thời hạn, trong đó chủ yếu là hình phạt tù từ 03 năm trở xuống. Thực tế này cho thấy Tòa án đang ưu tiên áp dụng loại hình phạt này. Tác giả cũng chỉ ra nguyên nhân là do nhận thức của Tòa án, những tác động từ dư luận xã hội, phương tiện truyền thông đến tâm lý, quyết định của Hội đồng xét xử. Có những bản án đưa ra hình phạt tù chỉ mấy tháng thì không có tính răn đe, cải tạo cho tội phạm.

 

Chuyên đề tiếp theo của đề tài có chủ đề “Hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội” do ThS. Lê Thị Hồng Xuân thực hiện. Điều 33 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại gồm có: tiền, đình chỉ hoạt động (có thời hạn hoặc vĩnh viễn). Ngoài ra, điều luật này cũng quy định các hình phạt bổ sung với chủ thể này như: cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền khi không áp dụng là hình phạt chính;… Theo Ths. Lê Thị Hồng Xuân, các hình phạt này phần lớn đánh vào lợi ích kinh tế của pháp nhân thương mại.

 

Đề tài đã chỉ ra những hạn chế trong các quy định của Bộ luật. Ví dụ, Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng con người và hậu quả gây ra có thể khắc phục trên thực tế thì sẽ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn. Nhóm tác giả cho rằng, việc gây ra hậu quả là tính mạng con người thì khó có thể khắc phục được nên quy định này là không khả thi. Điều 80 quy định về thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định đối với pháp nhân thương mại là từ 1-3 năm. Hình phạt bổ sụng này lại nặng hơn so với hình phạt chính chỉ từ 3-6 tháng.

 

Chương cuối về giải pháp hoàn thiện pháp luật về hình phạt đang được các thành viên đề tài thực hiện thông qua việc đúc rút từ các nguyên nhân, hạn chế đã chỉ ra ở các chương trên.

 

TS. Đinh Thế Hưng (giữa) và TS. Bùi Đức Hiển (bìa phải)

 

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Pháp luật Hình sự) đưa ra những nhận xét, góp ý cho các thành viên đề tài. Về mặt lý luận, đề tài cần làm rõ bản chất của hình phạt là tính cưỡng chế của Nhà nước và mục đích của hình phạt là trừng trị tội phạm. Đề tài cũng cần nêu ra đặc điểm của hình phạt khác với các hình thức cưỡng chế khác như thế nào. Về mặt thực tiễn, đề tài cần có sự so sánh giữa Bộ luật Hình sự năm 1985, 1990 và 2015. Đề tài cũng cần lý giải vì sao hệ thống hình phạt lại nhiều loại thế và tại sao vẫn tồn tại hình phạt tử hình. Để làm được điều này, đề tài cần có sự liên hệ với nhà nước pháp quyền, quyền con người và kinh nghiệm quốc tế.

 

TS. Đinh Thế Hưng cũng đưa ra một số gợi mở. Hệ thống hình phạt của Việt Nam cứng nhắc, cần phải đa dạng hóa hình phạt hơn. Một số quốc gia đã áp dụng hình phạt gắn chip điện tử lên tội phạm để giám sát. Tòa án cũng đang lúng túng trong việc ban hành và áp dụng án lệ về hình phạt.

 

Bình luận về chương thực trạng áp dụng hình phạt, TS. Bùi Đức Hiển cho rằng, đề tài cần luận giải lý do lựa chọn khi chia khung hình phạt thành các mức: 0-3 năm; 3-7 năm; 7-15 năm; 15-20 năm; chung thân; tử hình. TS. Hiển cũng mong muốn đề tài quan tâm đến các chủ thể liên quan đến chủ đề của đề tài như: cơ quan điều tra, viện kiểm sát, luật sư.

 

Tọa đàm cũng đã đón nhận những ý kiến của PGS.TS. Lê Mai Thanh, TS. Trần Văn Biên và TS. Hoàng Kim Khuyên về các vấn đề: hình phạt tử hình; cá thể chịu trách nhiệm hình sự thuộc các nhóm đặc thù (người nước ngoài, trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai); các điều kiện để hợp tác trong dẫn độ.

Các tin cùng chuyên mục: