•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

28/08/2019
Ngày 21/8/2019, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Đề tài cơ sở do ThS. Phạm Thị Hương Giang là chủ nhiệm có chủ đề “Pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học.

Đề tài gồm có 2 chương:

  • Thực trạng pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam;
  • Định hướng và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.

ThS. Phạm Thị Hương Giang, Chủ nhiệm đề tài

 

Mở đầu Chương 1, tác giả đã trình bày lược sử chế định pháp luật về quản lý lao động nước ngoài (LĐNN) tại Việt Nam qua 3 giai đoạn: (i) Trước khi ban hành Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 1994; (ii) Từ khi ban hành BLLĐ năm 1994 đến trước khi ban hành BLLĐ năm 2012; (iii) Từ khi ban hành BLLĐ năm 2012 đến nay.

 

BLLĐ năm 1994 đã tạo hành lang pháp lý cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) thiết lập quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ và NSDLĐ. Tuy nhiên, mặc dù đã qua ba lần sửa đổi, bổ sung nhưng BLLĐ năm 1994 mới chỉ đáp ứng một số yêu cầu phát sinh trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế.

 

Trên cơ sở tình hình chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều đổi mới, BLLĐ năm 2012 đã sửa đổi những chế định không còn phù hợp và bổ sung thể chế hóa những vấn đề mới phát sinh trong quan hệ lao động. Theo đó, BLLĐ năm 2012 quy định rõ người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là công dân nước ngoài tuân theo pháp luật Việt Nam được pháp luật Việt Nam bảo vệ cũng như phải tuân theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. BLLĐ năm 2012 cũng bổ sung thêm 2 điều kiện: người lao động nước ngoài (NLĐNN) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có trình độ chuyên môn, tay nghề và sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc.

 

ThS. Phạm Thị Hương Giang đã giới thiệu những điểm mới về LĐNN làm việc tại Việt Nam được quy định chi tiết tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác. Tác giả cũng đã đánh giá thực trạng pháp luật về quản lý LĐNN tại Việt Nam qua các lĩnh vực: tuyển dụng LĐNN; hợp đồng lao động với NLĐNN; thanh tra, kiểm tra hoạt động QLLĐNN và xử lý vi phạm đối với hoạt động QLLĐNN.

 

Trong Chương 2, tác giả đã nêu ra những định hướng hoàn thiện pháp luật quản lý LĐNN tại Việt Nam. Theo đó, pháp luật về quản lý LĐNN phải phù hợp và phản ánh được nhu cầu thị trường lao động trong nước; phù hợp với nội dung và nguyên tắc của pháp luật về quản lý lao động tại Việt Nam; đảm bảo tính chặt chẽ trong quản lý nhà nước đối với chủ thể là NLĐNN; đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia và phù hợp với pháp luật quốc tế về lao động.

 

Sau đó, đề tài đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật quản lý LĐNN tại Việt Nam. Một trong số đó là giải pháp xây dựng một bộ nguyên tắc cho pháp luật quản lý LĐNN tại Việt Nam và tách vấn đề xuất khẩu và nhập khẩu lao động để điều tiết riêng biệt. Đề tài cho rằng, các nguyên tắc của pháp luật về quản lý LĐNN phải được quy định đầy đủ, bao gồm: tôn trọng quyền con người; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm hiệu quả kinh tế và bảo vệ việc làm cho người bản xứ; tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐNN.

 

Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, sau khi lược sử chế định pháp luật về quản lý LĐNN, tác giả cần đưa ra nhận xét và chỉ ra xu hướng thay đổi từ các quy định của pháp luật qua các giai đoạn. Các quy định này có chịu sự chi phối từ những yếu tố nào, ví dụ như yếu tố kinh tế, chính trị? Về thực trạng pháp luật về quản lý LĐNN trong lĩnh vực hợp đồng lao động, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị góp ý đề tài cần chỉ ra được mối liên hệ giữa giấy phép lao động với hợp đồng lao động, cũng như việc quản lý quy trình giao kết hợp đồng lao động để có tiêu chí đánh giá.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên góp ý cho đề tài

 

TS. Hoàng Kim Khuyên cho rằng, đề tài cũng cần bổ sung thêm nội dung về cơ chế kiểm tra, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý LĐNN. Theo TS. Phan Thanh Hà, đề tài cần xem xét mối quan hệ giữa LĐNN với công dân trong nước và vấn đề an ninh quốc gia. Làm rõ vấn đề này phần nào sẽ xác định được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý LĐNN tại Việt Nam hiện nay.

 

Đề tài này là một phần nằm trong luận án tiến sĩ thuộc mã ngành luật kinh tế do ThS. Phạm Thị Hương Giang đang thực hiện. Vì thế, tác giả cũng nhận được những trao đổi, góp ý của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Lê Mai Thanh về cách tiếp cận và nội dung cần thể hiện trong luận án.

Các tin cùng chuyên mục: