•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Quy trình lập pháp ở Việt Nam hiện nay”

18/10/2017
Sáng ngày 31/08/2017, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên Đề tài cơ sở “Quy trình lập pháp ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học. Đề tài do TS. Phan Thanh Hà, phòng Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật làm chủ nhiệm.

 

Đề tài gồm có 3 phần:

-        Những vấn đề lý luận cơ bản về quy trình lập pháp;

-        Thực trạng quy trình lập pháp ở Việt Nam hiện nay;

-        Các giải pháp tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp ở Việt Nam.

 

Các thành viên của đề tài là TS. Trương Vĩnh Khang và ThS. Nguyễn Đình Sơn.

 

Mở đầu, TS. Phan Thanh Hà cho rằng, việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của quy trình lập pháp là một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia nói chung và của Việt Nam nói riêng. Về khái niệm, theo TS. Phan Thanh Hà, quy trình lập pháp là cách thức, trình tự, thủ tục theo luật định để tiến hành xây dựng các đạo luật do Quốc hội ban hành. TS. Thanh Hà cũng phân tích các đặc điểm của quy trình lập pháp nhằm phân biệt với một số khái niệm lân cận như: quyền lập pháp, hoạt động lập pháp, cơ quan lập pháp, quy trình lập pháp. Có nhiều cách phân chia các giai đoạn của quy trình lập pháp, nhưng nhìn chung, có thể chia quy trình lập pháp thành các giai đoạn cơ bản sau: (i) Sáng kiến lập pháp; (ii) Soạn thảo và thẩm định; (iii) Thẩm tra, cho ý kiến; (iv) Thảo luận và thông qua; (v) Công bố, ban hành luật. Ngoài ra còn có một số giai đoạn cần chú ý như: phân tích chính sách; tổng kết thi hành luật. Các giai đoạn này được phân tích lồng ghép với kinh nghiệm nước ngoài để làm sáng tỏ hơn về mặt lý luận.

 

Trong đó, giai đoạn sáng kiến lập pháp là giai đoạn rất quan trọng, mở đầu cho toàn bộ quy trình lập pháp. Ở nhiều nước (như Việt Nam hiện nay), giai đoạn phân tích chính sách được quy định lồng ghép trong giai đoạn sáng kiến lập pháp. Sáng kiến lập pháp có hai dạng: trình dự án luật và kiến nghị về luật; được thể hiện chủ yếu dưới hình thức văn bản, nhưng cũng có thể được phát biểu trực tiếp tại phiên họp. Nhìn chung luật pháp của các nước trên thế giới cũng như luật pháp của Việt Nam giao quyền sáng kiến lập pháp cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, ở các nước cộng hoà đại nghị, Hiến pháp quy định rõ quyền trình dự án luật của Chính phủ trước cơ quan lập pháp. Ngược lại, trong thể chế cộng hoà tổng thống, về mặt pháp lý, hành pháp không được quyền trình dự án luật trước Quốc hội. Ở Việt Nam, mặc dù thừa nhận quyền sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội nhưng chúng ta chưa có cơ chế thực sự hiệu quả cho đại biểu thực hiện quyền của mình. Đồng thời, dù được thực hiện dưới hình thức nào thì để được Quốc hội xem xét, thông qua thành một đạo luật thì sáng kiến lập pháp ở Việt Nam cần phải được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

 

Về thực trạng quy trình lập pháp ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề tài tập trung vào 2 khía cạnh: (i) Thực trạng pháp luật về quy trình lập pháp ở Việt Nam hiện nay; (ii) Thực trạng vận hành quy trình lập pháp ở Việt Nam hiện nay.

 

Trong đó, Đề tài đã chỉ ra một số điểm mới cơ bản liên quan đến quy trình lập pháp trong Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (Luật 2015). Theo đó, một số điểm đáng chú ý bao gồm: 1) Luật 2015 đã bổ sung 01 điều (Điều 7) quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL; 2) Luật 2015 đã bỏ quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo nhiệm kỳ Quốc hội mà chỉ giữ lại quy định về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; 3) Luật 2015 dành 01 Điều quy định về quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội (Điều 33) góp phần nâng cao việc bảo đảm việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội; 4) Điểm nhấn được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quy trình lập pháp ở Việt Nam, đó là việc quy định Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm được quy định lồng ghép với quy trình xây dựng chính sách với nhiều điểm mới đột phá; 5) Bên cạnh đó, Luật 2015 cũng bổ sung nhiều quy định hợp lý, cụ thể hơn về việc lấy ý kiến để tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách thực chất, hiệu quả hơn. Theo đó, việc lấy ý kiến được coi là thủ tục bắt buộc trong cả giai đoạn đề nghị xây dựng chính sách và giai đoạn soạn thảo với các quy định cụ thể về thời hạn.

 

Tiếp theo, Đề tài phân tích những thành công và hạn chế trong một số nội dung vận hành quy trình lập pháp hiện nay như: (i) Quy trình lập pháp theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội; (ii) Cách phân chia các giai đoạn thẩm tra và thảo luận tại Quốc hội; (iii) Sự chưa phân định rõ vấn đề chính sách và kỹ thuật; (iv) Chuyên nghiệp hoá trong soạn thảo văn bản pháp luật; (v) Tham vấn công chúng; (vi) Thông tin công chúng,… Đồng thời, Đề tài đã đề xuất một số giải pháp tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp ở Việt Nam trong thời gian tới.

Bình luận về chủ đề của Đề tài, TS. Phạm Thị Hương Lan cho rằng, trên thực tế, trong quá trình xây dựng dự án luật, ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phản biện của các cơ quan, tổ chức và người dân. Tuy nhiên, ban soạn thảo thường không giải trình hoặc có giải trình nhưng không đưa ra ý kiến phản biện. Theo TS. Hương Lan, ngoài đại biểu Quốc hội thì cũng cần có cơ chế để người dân thực quyền sáng kiến lập pháp của mình. Việc thu thập chữ ký để lấy ý kiến người dân khi đủ điều kiện về số lượng thì có thể đưa ra Quốc hội để thảo luận.

 

Bàn về các bước trong quy trình lập pháp, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, việc Quốc hội xem xét, thẩm định dự án luật có cần thiết hay không đóng vai trò rất quan trọng. Quốc hội chỉ làm công việc xem xét và thông qua luật. Vì thế, phải có cơ quan soạn thảo chuyên biệt, có thể thuộc Bộ Tư pháp hoặc Văn phòng Quốc hội.

 

Ngoài ra, Đề tài cũng nhận được những ý kiến, nhận xét của ThS. Nguyễn Tiến Đức, NCV. Lê Quang Thưởng và các cán bộ nghiên cứu khác trong Viện.

 

Vào ngày 8/9/2017, tại Hội trường, Đề tài cơ sở “Bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp ở Việt Nam” đã tổ chức sinh hoạt khoa học. Chủ nhiệm đề tài là ThS. Bùi Thị Hường và 02 thành viên là ThS. Nguyễn Lê Dân và CN. Trần Thị Loan.

 

Đề tài gồm 3 chuyên đề:

-        Những vấn đề cơ bản về quyền tiếp cận tư pháp trong pháp luật quốc tế;

-        Quyền tiếp cận tư pháp trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam;

-        Kiến nghị cơ chế hoàn thiện bảo đảm và bảo vệ quyền tư pháp ở Việt Nam.

 

Mục tiêu tổng quát của Đề tài là nghiên cứu tổng thể về hệ thống quyền tiếp cận tư pháp trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, cơ chế bảo đảm việc thực hiện các quyền này trên thực tế. Từ đó, đưa ra các kiến nghị, giải pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo đảm thực hiện tốt quyền tiếp cận công lý của công dân Viện Nam theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một quyền có nội hàm rộng, nên Đề tài lựa chọn phạm vi nghiên cứu theo nội hàm quyền tiếp cận tư pháp một cách tổng quát nhất. Các nhà khoa học trong Viện đã lắng nghe các báo cáo viên trình bày từng chuyên đề và đưa ra các ý kiến thảo luận, góp ý để hoàn thiện Đề tài trong thời gian tới.

Các tin cùng chuyên mục: