•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Tố tụng hành chính một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”

23/09/2019
Chiều ngày 17/9/2019, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức tọa đàm khoa học về Đề tài cơ sở “Tố tụng hành chính một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”. ThS. Lê Thương Huyền là chủ nhiệm và ThS. Nguyễn Lê Dân là thành viên đề tài.

Báo cáo về kết quả nghiên cứu, ThS. Lê Thương Huyền giới thiệu hai loại mô hình tài phán hành chính trên thế giới: lưỡng hệ tài phán và nhất hệ tài phán. Theo đó, mô hình lưỡng hệ tài phán có tài phán tư pháp và tài phán hành chính riêng. Chẳng hạn, ở nước Pháp có hệ thống tòa án tư pháp và hệ thống tòa án hành chính. Về tòa án hành chính có: tham chính viện, tòa phúc thẩm và tòa hành chính sơ thẩm (không tương ứng với đơn vị hành chính lãnh thổ). Ở các nước như Liên bang Đức, Thụy Điển, Phần Lan cũng có tòa hành chính riêng. 

 

Mô hình thứ hai là nhất hệ tài phán. Về mô hình này có hai phân hệ. Phân hệ thứ nhất: có tòa án hành chính trong hệ thống tòa án (chứ không tách riêng) như Trung Quốc, Indonesia; phân hệ thứ hai: tòa tư pháp có quyền giải quyết các vụ việc hành chính (Anh, Mỹ, Na Uy, Canada). Dù theo mô hình nào, tòa hành chính các nước đều có vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân khi bị xâm hại; có quyền xem xét tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính; có quyền yêu cầu hủy bỏ, đình chỉ các văn bản hành chính trái pháp luật.   

 

Khi giới thiệu mô hình của Pháp, ThS. Lê Thương Huyền nhấn mạnh: Tài phán hành chính ở Pháp tồn tại độc lập so với tòa án tư pháp, với chính phủ. Ở cấp trung ương có Tham chính viện với 6 ban: 5 ban hành chính, 1 ban tố tụng. Trong đó, 5 ban hành chính có chức năng tham vấn cho các cơ quan nhà nước về thủ tục hành chính. Tiếp đó là 5 tòa phúc thẩm có chức năng xét xử theo trình tự phúc thẩm các vụ án hành chính, không có chức năng tham vấn. Cả nước Pháp có 30 tòa hành chính sơ thẩm mang tính chất liên khu vực (nước Pháp có 96 tỉnh). Tòa hành chính ở Pháp có quyền hủy toàn bộ hay một phần quyết định hành chính, có quyền đưa ra phán quyết về bồi thường thiệt hại bởi quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật. Bản án hành chính có thể bị kháng án trong thời hạn 2 tháng.

 

Về mô hình của Mỹ, ThS. Huyền lưu ý: Tòa án thường giải quyết các vụ án hành chính, không có tòa riêng biệt, không có thẩm phán riêng biệt. Trong các vụ án hành chính, đối tượng tranh chấp chính là các quyết định hành chính. Quyết định hành chính liên quan đến quản lý hành chính nhà nước là lĩnh vực rất phức tạp, do vậy, các vụ hành chính, trước hết được giải quyết theo thủ tục giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện theo thủ tục tư pháp. Khi giải quyết các vụ hành chính, tòa án Mỹ chú trọng xem xét việc áp dụng pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước. Tòa án tạo điều kiện cho các bên trong tranh chấp hành chính thương lượng, hòa giải.

Giới thiệu về tòa án hành chính ở Việt Nam, ThS. Lê Thương Huyền cho biết, từ năm 1997, Việt Nam đã thành lập tòa hành chính trong hệ thống tòa án nhân dân. Về thủ tục, trình tự, tố tụng hành chính ở Việt Nam có: khởi kiện, thụ lý vụ kiện, chuẩn bị phiên tòa, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Ở nước ta, càng ngày tòa hành chính càng phát huy vai trò của mình trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên bị kiện là các vị lãnh đạo chính quyền địa phương thì khi xét xử các vị ấy không ra tòa mà ủy quyền cho người khác. Số bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa được tổ chức thi hành được còn khá nhiều (chiếm 75% các bản án đã có hiệu lực).

 

Đến lượt mình, ThS. Nguyễn Lê Dân đã nêu ra một số gợi ý về giải pháp hoàn thiện tố tụng hành chính ở Việt Nam như bảo đảm sự độc lập của thẩm phán và tòa hành chính; cải cách thủ tục đối thoại; coi trọng cơ chế hòa giải; thành lập tòa hành chính khu vực (không tương ứng với đơn vị hành chính lãnh thổ); xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương khi bị khởi kiện, nâng cao hiệu quả thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương

 

Sang phần trao đổi, thảo luận, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương lưu ý đề tài trước hết phải làm rõ khái niệm tố tụng hành chính là gì, nếu không việc triển khai đề tài sẽ không đúng hướng. Đề tài có chủ đề là về tố tụng hành chính chứ không phải về tổ chức tòa án hành chính. TS. Đinh Thế Hưng cho rằng, nói đến tố tụng hành chính là nói đến trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án, đề tài phải đặt trọng tâm vào trình tự, thủ tục.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, nên chú ý đến khía cạnh khi xét xử vụ án hành chính, thẩm phán cần căn cứ vào cả yếu tố hợp pháp và yếu tố hợp lý của quyết định hành chính, chứ không nên chỉ chú ý đến tính hợp pháp; cần phán xét từ góc độ bảo đảm sự cân xứng giữa hai yếu tố này. Theo PGS.TS. Phát, Mỹ theo tố tụng tranh tụng nên vai trò của luật sư rất quan trọng, thẩm phán không nhất thiết phải là chuyên gia hiểu biết sâu về hành chính (như thẩm phán của mô hình thẩm vấn), họ nghe đại diện của các bên tranh luận với nhau, đưa ra chứng cứ… để phán xét.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị gợi ý các thành viên đề tài nên bám sát tên đề tài để triển khai nghiên cứu. Nói đến tố tụng là nói đến trình tự, thủ tục, nói đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể và không thể không nói đến các nguyên tắc. Cần tìm hiểu ở các nước mà mình nghiên cứu, tố tụng hành chính được xây dựng theo triết lý nào? Tố tụng hành chính có những thủ tục nào? Nguyên tắc của nó như thế nào? Thực tiễn vận hành ra sao? Từ đó, có những nhận xét gợi mở cho Việt Nam về những nội dung nói trên. Các kiến nghị phải căn cứ từ kết quả nghiên cứu về tố tụng hành chính của các nước, có so sánh, đối chiếu với Việt Nam.

 

ThS. Lê Thương Huyền và ThS. Nguyễn Lê Dân đã phát biểu theo hướng tiếp thu ý kiến đóng góp để điều chỉnh cách tiếp cận các vấn đề của đề tài cho đúng hướng hơn, từ đó, bổ sung các nội dung nghiên cứu cần thiết để thực hiện được mục đích của việc nghiên cứu đề tài. 

Các tin cùng chuyên mục: