•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Vai trò của luật tục trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay”

18/09/2019
Sáng ngày 16/9/2019, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, đã diễn ra hội thảo khoa học của Đề tài cơ sở “Vai trò của luật tục trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay”. Đề tài do TS. Trương Vĩnh Khang là chủ nhiệm.

Mở đầu, TS. Trương Vĩnh Khang báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của đề tài. Theo TS. Khang, đề tài đề cập đến ba nội dung chính:

- Những vấn đề lý luận về luật tục và vai trò của luật tục trong quản lý nhà nước ở Việt Nam;

- Vai trò của luật tục trong quản lý nhà nước ở Việt Nam;

- Đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của luật tục trong quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

 

Về nội dung thứ nhất, đề tài đưa ra khái niệm luật tục, phân tích đặc điểm của luật tục, sự tương đồng và khác biệt của luật tục so với pháp luật, lí giải mối quan hệ giữa luật tục và pháp luật, giới thiệu những nội dung cơ bản của luật tục.

 

TS. Trương Vĩnh Khang

 

Về nội dung thứ hai, TS. Trương Vĩnh Khang cho rằng, luật tục có thể thay thế pháp luật trong những lĩnh vực, phạm vi nhất định, có khả năng bổ sung, hỗ trợ pháp luật. Do phạm vi rộng lớn của đề tài, tác giả chỉ đề cập vai trò của luật tục trong thực thi chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình; trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; trong bảo đảm trật tự xã hội.

 

Còn về nội dung thứ ba, đề tài đề cập đến các giải pháp phát huy những mặt mạnh, những giá trị của luật tục và hạn chế mặt tiêu cực của luật tục trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

 

Các vấn đề của đề tài nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong Viện. PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, phạm vi của đề tài rất rộng, vì thế chỉ nên xem xét ở hai khía cạnh: thứ nhất, vai trò của luật tục trong xây dựng và tổ chức thực thi các chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào các dân tộc; thứ hai, vai trò của luật tục như là một công cụ, yếu tố của quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương nhận xét

 

Theo TS. Trần Văn Biên, cần bàn về hai khái niệm tập quán và luật tục, chúng có mối quan hệ như thế nào với nhau. Về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương tham gia trao đổi, luật tục nằm trong khái niệm tập quán, trong tập quán có luật tục của người dân tộc thiểu số, có hương ước của người Việt/người Kinh.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh góp ý, đề tài cần giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay. Chẳng hạn, trong thủ tục ma chay hiện nay đã có xu hướng phục hồi những tập quán, luật tục tiêu cực với cái cớ đây là truyền thống, là quyền của các gia đình. Vậy pháp luật phải can thiệp như thế nào?

 

Theo ThS. Phạm Hồng Nhật, tên của nội dung hai, tương ứng với chương 2 trùng với tên đề tài là không nên, cần đặt tên chương một cách cụ thể hơn.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị gợi ý, nên căn cứ vào các luật tục cụ thể mà phân tích, lý giải tránh suy diễn tùy tiện. Hiện nay có xu hướng “hương ước hóa” các luật tục, đề tài cần chú ý vấn đề này. Cần chỉ ra cụ thể luật tục nào nên tiếp tục sử dụng, phát huy; luật tục nào phải kiên trì vận động người dân các dân tộc thiểu số không sử dụng nữa. Người cán bộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần biết tiếng của người dân tộc thì cuộc vận động phát huy giá trị tích cực và hạn chế tác động tiêu cực của luật tục trong quản lý xã hội, quản lý nhà nước mới có thể thành công.

 

Kết thúc hội thảo, TS. Trương Vĩnh Khang giải trình việc tiếp thu ý kiến các nhà khoa học tại tọa đàm để chỉnh sửa, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng đề tài.

Các tin cùng chuyên mục: