•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cơ sở diễn ra ngày 19/09/2022

26/09/2022
Ngày 19/09/2022, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức các tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu của 02 đề tài cơ sở thực hiện trong năm 2022. TS. Nguyễn Linh Giang chủ trì tọa đàm, đông đảo cán bộ nghiên cứu của Viện đã tham gia và trao đổi tại các buổi sinh hoạt khoa học này.

TS. Nguyễn Thu Hương trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Đầu tiên là tọa đàm của Đề tài cơ sở do TS. Nguyễn Thu Hương thực hiện với chủ đề “Các yêu cầu đối với Việt Nam trong việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”. RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022, là một thỏa thuận thương mại khu vực với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển gồm 10 quốc gia ASEAN và 05 nước đối tác (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand), được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19. Việc thực thi RCEP sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý ràng buộc về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp... và góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

 

Kết cấu của đề tài gồm 2 chương:

  • Khái quát về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và yêu cầu chung của RCEP đối với các quốc gia thành viên;
  • Các yêu cầu cụ thể đối với Việt Nam và giải pháp nhằm đảm bảo thực thi nghĩa vụ thành viên RCEP.

Chương 1 đề cập đến: bối cảnh ký kết; mối quan hệ giữa RCEP với các hiệp định thương mại tự do có liên quan khác mà Việt Nam là thành viên; nội dung, đặc điểm và yêu cầu của RCEP đối với các quốc gia thành viên. Giống như các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, RCEP có các quy định về thương mại dịch vụ, thương mại hàng hóa, thủ tục hải quan,… Bên cạnh đó, RCEP còn đưa ra các quy định mới hơn so với các hiệp định giữa ASEAN với từng quốc gia (ví dụ: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản) như thương mại điện tử cạnh tranh. Tuy nhiên, nội dung của RCEP còn thiếu các quy định về các lĩnh vực quan trọng như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước khi so sánh với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Về đặc điểm, TS. Nguyễn Thu Hương cho rằng, RCEP mang tính hiện đại, toàn diện và có mục tiêu chính là đôi bên cùng có lợi. Tính toàn diện thể hiện ở chiều sâu của các cam kết, với những điều khoản vượt ra ngoài khuôn khổ các nội dung cam kết trong các hiệp định trước đây mà ASEAN ký với từng quốc gia. Tuy RCEP đã chính thức có hiệu lực nhưng một số thỏa thuận vẫn sẽ tiếp tục được đàm phán để thông qua trong thời gian tới.

 

Để đáp ứng yêu cầu tổ chức thực thi RCEP tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt hiệp định và các cơ quan của Chính phủ ban hành các văn bản. Bộ Công thương đã thông qua quy định về xuất xứ hàng hóa; phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi từ hiệp định này. Bộ Tài chính cũng ra quyết định về kế hoạch thực hiện hiệp định. Tác giả cũng đưa ra các yêu cầu về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tương thích với nội dung của RCEP cũng như thiết lập cơ chế báo cáo theo quy định của RCEP.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh (bìa phải) trao đổi về đề tài

 

Trao đổi tại tọa đàm, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, RCEP có mô hình không phải là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP. Asean đã có FTA với 5 nước đối tác riêng rẽ nhưng các bên vẫn ký kết RCEP bởi nó tạo ra thị trường tự do kết nối 15 quốc gia với tỷ trọng thương mại chiếm 1/3 nền kinh tế thế giới. RCEP củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khối và nhằm mục đích tự do hoá thương mại (như gỡ bỏ 90% rào cản thuế quan), tạo thuận lợi thương mại nội khối (ví dụ: mẫu xuất xứ hàng hoá) và chú trọng một số lĩnh vực thương mại cụ thể. Vậy “yêu cầu” đối với quốc gia thành viên như Việt Nam cần phân tích theo 2 hướng: Yêu cầu chung đối với việc thực thi một điều ước nói chung và yêu cầu riêng đối với Việt Nam bảo đảm nghĩa vụ căn cứ mục đích RCEP.

 

Tọa đàm cũng nhận được những ý kiến của TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Lê Thương Huyền và các nhà khoa học khác.

 

Buổi sinh hoạt khoa học thứ hai về Đề tài cơ sở “Quyền tự do biểu đạt trong pháp luật nhân quyền quốc tế và pháp luật Việt Nam” do ThS. Trần Thị Loan làm chủ nhiệm. Tự do biểu đạt là một trong những quyền con người cốt lõi được ghi nhận và bảo vệ trong luật nhân quyền quốc tế và pháp luật ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Quyền này được ghi nhận lần đầu tiên trong Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế năm 1948, sau đó được tái khẳng định và cụ thể hoá trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR). Theo Điều 19 ICCPR, mọi người có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ (Khoản 1 và 2).

 

Bình luận chung số 34 của Ủy ban Nhân quyền diễn giải: “Tự do biểu đạt bao gồm các tranh luận chính trị, bình luận về một người và về các vấn đề chung, vận động, thảo luận về nhân quyền, báo chí, các biểu đạt văn hóa và nghệ thuật, dạy học, và tranh luận tôn giáo”. Hình thức của tự do biểu đạt cũng rất phong phú, được thực hiện bằng hình ảnh hoặc âm thanh và thông qua các phương tiện khác nhau (sách, báo, tờ rơi,…).

 

ThS. Trần Thị Loan (giữa)

 

Tự do biểu đạt là quyền có thể bị hạn chế hoặc bị đình chỉ thực hiện trong các tình huống khẩn cấp. Việc hạn chế quyền là cần thiết và được phép theo các quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người. Theo Khoản 3 Điều 19 và Điều 20 ICCPR, quyền tự do biểu đạt cần hạn chế nhằm để: (i) tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; và (ii) bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức công chúng.

 

Tại Việt Nam, hiện chưa có sự phân biệt rõ ràng về “tự do tư tưởng, quan điểm” và “tự do biểu đạt”. Các quyền này thường được gọi chung là quyền tự do ngôn luận. Cách sử dụng này chưa thật chuẩn xác, chưa xác định được chính xác phạm vi nội hàm của các quyền tự do này. Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” (Điều 25). Đồng thời, khía cạnh của quyền tự do biểu đạt còn được thể hiện tại các quy định khác như: “Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật” (Điều 40). Ngoài ra, tự do biểu đạt còn được ghi nhận tại một số văn bản khác như: Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo…

 

Về mặt lý luận, đề tài cho rằng, ý nghĩa của quyền tự do biểu đạt sẽ giúp mỗi cá nhân phát triển qua việc học tập, trau dồi, tiếp nhận thông tin, kiến thức để hiểu biết những điều xung quanh. Còn về mặt xã hội, tự do biểu đạt là nền tảng của sự dân chủ, đòi hỏi tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Người dân không thể tham gia quản lý nhà nước, xã hội nếu họ không được thực hiện quyền này như bày tỏ nguyện vọng, đưa ra yêu cầu, khiếu nại của mình. Tự do biểu đạt cũng sẽ hạn chế những sai lầm và chống lại sự độc đoán của cơ quan công quyền.

 

Tác giả cũng đã chỉ ra mối quan hệ giữa quyền tự do biểu đạt với các quyền khác. Tự do biểu đạt là một trong những quyền bảo vệ quyền, là công cụ quan trọng để thực thi các quyền khác như quyền tự do hội họp, quyền bầu cử, quyền biểu tình của người dân. Đề tài đã phân tích các khía cạnh nội dung của quyền tự do biểu đạt bao gồm: (i) Giữ ý kiến mà không bị can thiệp; (ii) Tìm kiếm và tiếp cận thông tin; (iii) Truyền đạt thông tin, ý tưởng. Trong đó, quyền tìm kiếm và tiếp cận thông tin đề cập đến khả năng của chủ thể quyền được yêu cầu chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin mình cần và muốn biết trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Quyền này gắn với trách nhiệm của chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin khi mà có yêu cầu từ chủ thể mang quyền.

 

Đề tài cho rằng nhu cầu hoàn thiện pháp luật về quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam hiện nay là cấp thiết bởi lẽ nhiều quy định pháp luật hiện hành làm hạn chế quyền này hoặc mơ hồ, khó giải thích. Trên thực tế, các cơ quan nhà nước lạm quyền, ngăn cản hoặc lấy lý do xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội để hạn chế quyền.

 

TS. Nguyễn Linh Giang (giữa) và các nhà khoa học tại tọa đàm

 

TS. Nguyễn Linh Giang, người chủ trì tọa đàm, nhìn nhận phần báo cáo của ThS. Trần Thị Loan khá đầy đủ. Góp ý về nội dung mối quan hệ giữa quyền tự do biểu đạt với các quyền khác, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, ngoài các quyền đã nêu, đề tài cần bổ sung thêm một số quyền như quyền tham gia vào đời sống chính trị - xã hội, quyền tự do học thuật, quyền tự do giáo dục. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn ra, đề tài nên đề cập đến các văn bản quốc tế liên quan đến dịch Covid-19 với quyền tự do biểu đạt, chẳng hạn như thông tin về vaccine phòng Covid-19.

 

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Đinh Thế Hưng cung cấp các thông tin liên quan đến quyền này trong luật hình sự Việt Nam như quy định về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015).

 

Các nhà khoa học cũng đề xuất đề tài cần bổ sung, bình luận về các văn bản do Hội đồng Nhân quyền ban hành tháng 8/2022 liên quan đến quyền này cũng như đề cập đến các công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, quyền trẻ em, chống phân biệt chủng tộc liên quan thế nào đến quyền tự do biểu đạt.

 

Ngoài ra, đề tài cũng nhận được các ý kiến thảo luận, góp ý về các vấn đề: chủ thể của quyền, cơ sở hạn chế quyền, điều kiện hạn chế quyền, căn cứ hạn chế quyền,…

 

Toàn cảnh buổi sinh hoạt khoa học

Các tin cùng chuyên mục: