•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Thư mời viết bài Hội thảo “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045: Lý luận và thực tiễn”

12/07/2021
Pháp luật không chỉ là công cụ để Nhà nước duy trì trật tự xã hội mà còn để kiến tạo và thúc đẩy sự phát triển của quốc gia. Theo nghĩa đó, pháp luật cần được xây dựng và dự kiến xây dựng với tầm nhìn chiến lược để không chỉ phù hợp với các yêu cầu hiện tại mà còn với bối cảnh tương lai của đất nước. Chiến lược phát triển pháp luật cần được coi trọng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của quốc gia.

 

Kính thưa các chuyên gia và nhà khoa học,

 

Để tạo cơ hội cho các học giả thảo luận và chia sẻ kết quả nghiên cứu, đồng thời để cung cấp ý kiến tư vấn cho Đảng và Nhà nước về vấn đề trên, ba cơ sở học thuật gồm Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo “Chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045: Lý luận và thực tiễn”.

 

Hội thảo sẽ diễn ra trong 01 ngày tại Hà Nội, dự kiến vào hoặc sau tháng 9/2021 (khi dịch Covid-19 được khống chế).

 

Điểm đặc biệt của Hội thảo này là không chỉ bàn về sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật hiện hành để giải quyết những yêu cầu đặt ra của tình hình thực tế mà còn tập trung phân tích xu hướng diễn biến trong và ngoài nước trên mọi lĩnh vực, dự báo nhu cầu điều chỉnh pháp luật ở nước ta trong những năm tới (giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045), đánh giá khả năng đáp ứng và gợi mở, đề xuất phương hướng, giải pháp xây dựng, phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đó. Các phương hướng, giải pháp có thể bao gồm thay đổi tư duy, cách tiếp cận hoặc những sửa đổi, bổ sung cụ thể với toàn bộ hệ thống pháp luật, một ngành luật, một văn bản, chế định, một quy phạm pháp luật hiện hành của nước ta mà xét thấy sẽ lạc hậu hoặc thiếu hụt trong những năm tới.

 

Cụ thể, Hội thảo tập trung bàn về những vấn đề sau đây:

  1. Những vấn đề lý luận chung về chiến lược phát triển pháp luật Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
  2. Những vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất phát triển pháp luật về các ĩnh vực cụ thể (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ,…) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
  3. Những vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất phát triển pháp luật về một số vấn đề mới và quan trọng (kinh tế thị trường; hội nhập quốc tế; phát triển con người; phát triển nguồn nhân lực; quản trị quốc gia; xây dựng nhà nước pháp quyền; cải cách tư pháp; cải cách hành chính; thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; quản lý tài nguyên, môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu; xử lý các tình trạng khẩn cấp; bảo vệ và thúc đẩy quyền con người; xây dựng xã hội công bằng, kỷ cương, văn minh;…) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.

Các cơ quan đồng tổ chức trân trọng kính mời các nhà khoa học tham gia viết bài cho Hội thảo.

 

Đăng ký bài viết bằng cách gửi tóm tắt (150-300 từ) đến Ban tổ chức trước ngày 30/7/2021 qua email: chienluocphapluatvn@gmail.com. Thông báo về đăng ký bài viết (chấp nhận/không chấp nhận/gợi ý điều chỉnh) sẽ được gửi cho tác giả qua email chậm nhất vào ngày 10/8/2021.

 

Bài viết xin gửi cho Ban tổ chức trước ngày 30/8/2021, cũng qua email: chienluocphapluatvn@gmail.com.

 

Tất cả các bài viết sẽ được Ban tổ chức tập hợp trong Kỷ yếu hội thảo. Bản mềm của kỷ yếu sẽ được công bố trên website của Hội thảo và gửi cho các tác giả cùng các đại biểu tham gia hội thảo.

 

Những bài viết sau khi thẩm định đạt yêu cầu về chuyên môn sẽ được Ban tổ chức tập hợp và phối hợp với Nhà xuất bản để in thành sách, với sự đồng ý của tác giả.

 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình biên tập kỷ yếu và sách, khi viết tham luận, rất mong các nhà khoa học thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Cung cấp tên bài viết, tên (các) tác giả, cơ quan công tác, địa chỉ email.
  • Phông chữ Times New Roman, cỡ 12, giãn dòng đơn, định dạng Word.
  • Độ dài 3.000 - 5.000 từ, bao gồm chú thích và tài liệu tham khảo.
  • Trích dẫn: Oxford (OSCOLA)

https://www.law.ox.ac.uk/sites/files/oxlaw/oscola_4th_edn_hart_2012quickreferenceguide.pdf

 

Liên hệ: Khi cần thiết, xin liên hệ với Ban tổ chức qua hộp thư: chienluocphapluatvn@gmail.com

 

Ban tổ chức xin gửi đến các học giả danh mục đề tài gợi ý viết tham luận trong tệp đính kèm ở phần cuối của Thư mời.


                                                                                                                                                   Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2021

                                                                                                                                                                     Trân trọng

                                                                                                                                                           Ban tổ chức Hội thảo

 

 

Các tin cùng chuyên mục: