•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

16/04/2010
Trong hai ngày 8 - 9/4 năm 2010, Chương trình nghiên cứu cấp Bộ “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”; mã số: CT 09-16, đã tổ chức hội thảo về chủ đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. PGS.TS. Nguyễn Như Phát - Chủ nhiệm Chương trình và PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương - Phó chủ nhiệm Chương trình, đồng chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có các thành viên trong Ban chủ nhiệm Chương trình, các chủ nhiệm các đề tài nhánh, các thành viên tham gia thực hiện chương trình và các đại biểu đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện khoa học xã hội và nhân văn - Bộ Quốc phòng, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội,…

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phát biểu ý kiến tham luận về các vấn đề sau:
-     Thực trạng nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam
-     Những vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Tính phổ biến và tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Tính pháp quyền trong mối liên hệ giữa Nhà nước, Nhân dân và Đảng Cộng sản
-    Những vấn đề lý luận và thực tiễn về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền và công dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Thực trạng tổ chức và thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Thực trạng nhận thức và thực tiễn tổ chức thực hiện quyền lập pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Những vấn đề lý luận về quyền hành pháp trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Thực trạng tính pháp quyền, tính hội nhập của hệ thống pháp luật trên cơ sở đánh giá mối liên hệ giữa pháp luật quốc gia và các chuẩn mực pháp lý quốc tế hiện nay
-    Phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Hạn chế, bất cập trong việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp ở nước ta
-    Hạn chế, bất cập trong việc tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam
-    Hệ thống pháp luật hiện hành – Một số hạn chế, bất cập, nguyên nhân, yêu cầu và giải pháp khắc phục 
 

Xoay quanh những nội dung nêu trên, đã có nhiều lượt ý kiến thảo luận sôi nổi, trong đó đáng chú ý là ý kiến của GS.TSKH. Đào Trí Úc; GS.TS. Võ Khánh Vinh; GS.TS. Nguyễn Đăng Dung; GS.TS. Trần Ngọc Đường; GS.TSKH. Lê Cảm; PGS. TS. Nguyễn Như Phát; PGS.TS. Phạm Hữu Nghị; PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên,…

Về thực trạng nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền, GS.TSKH. Đào Trí Úc nêu quan điểm nhận thức theo 5 phương diện chính:
-    Nhận thức Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân
-    Nhận thức về vai trò của Hiến pháp và pháp luật
-    Nhận thức về quyền con người, quyền công dân
-    Nhận thức về cơ chế quyền lực Nhà nước
-    Nhận thức về vai trò hoạt động của Đảng với Nhà nước.

Trong phát biểu của mình, GS.TSKH. Đào Trí Úc nhấn mạnh: Quá trình nhận thức về Nhà nước pháp quyền là một quá trình liên tục đi từ nhận thức học thuật đến nhận thức chính trị và chuyển hoá thành các chủ trương, biện pháp thực tiễn trong xây dựng nhà nước và pháp luật; Đến nay, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Nhà nước Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết cả trên phương diện nhận thức, tư duy lý luận cũng như trên phương diện thực tiễn; giáo sư nêu ra một số vấn đề chưa thực sự sáng tỏ trong nhận thức: về cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng và Nhà nước, về tính chính đáng và tính pháp quyền của Nhà nước, về vai trò và trách nhiệm cầm quyền của Đảng cộng sản…

Bàn về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường và xã hội dân sự, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, cần nhận thức mối quan hệ này trên cả ba phương diện: 1. Nhận thức (với ba góc độ: lịch sử, học thuật, chính trị); 2. Thực trạng mối quan hệ; 3. Hướng phát triển trong thời gian tới. Trong quan niệm của GS.TS. Võ Khánh Vinh, ba bộ phận này có lịch sử ra đời và tồn tại gắn kết với nhau, do vậy nó cần được nhận thức không thể tách rời nhau.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều cho rằng các kết quả khoa học thu được từ hội thảo đã góp phần giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, gợi mở các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sau này.

Các tin cùng chuyên mục: