•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo về đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020”

15/03/2010
Ngày 10/03/2010 tại trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020”, mã số CT09-16-09, đã tổ chức hội thảo khoa học. TS. Nguyễn Đức Minh, chủ nhiệm đề tài, chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có Ban chủ nhiệm Chương trình 09-16, các thành viên đề tài và các đại biểu đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội,… Tại hội thảo, các thành viên đề tài đã trình bày các kết quả nghiên cứu chủ yếu của các chuyên đề được phân công nghiên cứu như:
    -    Quyền tư pháp ở một số nước trên thế giới – kinh nghiệm đối với Việt Nam
    -    Nhận thức về quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
    -    Tính phổ biến và tính đặc thù của quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
    -    Vị trí, vai trò của quyền tư pháp trong hệ thống quyền lực nhà  nước của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    -    Vị trí và vai trò của quyền tư pháp trong đời sống xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
    -     Các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến việc tổ chức, thực hiện quyền tư pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  
    -    Mục đích, yêu cầu và nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
    -    Tổ chức thực hiện quyền tư pháp trước yêu cầu cải cách tư pháp ở Việt Nam
    -    Kết quả cải cách tư pháp ở Việt Nam trong những năm qua và các giải pháp tổ chức, thực hiện quyền tư pháp trong điều kiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
    -    Vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân trong thực thi quyền tư pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
    -    Mối quan hệ giữa cơ quan điều tra với các cơ quan nhà nước khác trong thực thi quyền tư pháp ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp
    -    Quyền tư pháp và bảo đảm quyền tiếp cận công lý của người dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa


Sau khi nghe các báo cáo, các thành viên đề tài và đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn được nêu ra trong các chuyên đề như: Tính phổ biến và tính đặc thù của quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Vị trí và vai trò của quyền tư pháp trong hệ thống quyền lực nhà nước và trong đời sống xã hội; Mục đích, yêu cầu và nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tổ chức thực hiện quyền tư pháp trong bối cảnh cải cách tư pháp.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, cần nghiên cứu quyền tư pháp ở ba phương diện: Thứ nhất, quyền tư pháp trong mối quan hệ với quyền lập pháp và quyền hành pháp; Thứ hai, quyền tư pháp trong quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước ta từ xưa đến nay (góc độ lịch sử); Thứ ba, quyền tư pháp ở nước ta đặt trong sự so sánh với quyền tư pháp của các nước (góc độ so sánh).

GS.TSKH. Đào Trí Úc nhấn mạnh: Tính pháp quyền của quyền tư pháp không chỉ thể hiện trong tính chuyên nghiệp mà còn thể hiện trong tính nhân dân, tính dân chủ, tính thân thiện và dễ tiếp cận. Trong hệ thống cơ quan tư pháp, tòa án đóng vai trò trung tâm. Hoạt động xét xử là hoạt động trọng tâm của các hoạt động tư pháp. Trong giai đoạn hiện nay, cần củng cố niềm tin của nhân dân vào tòa án, vào quyền tư pháp. Đặt niềm tin vào tòa án chính là đặt niềm tin vào chế độ.  

Các kết quả khoa học thu được từ hội thảo đã góp phần giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tư pháp, gợi mở các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu của đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020”.

Các tin cùng chuyên mục: