•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cơ sở “Chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay”

06/09/2022
Ngày 26/8/2022, Đề tài cơ sở cá nhân do ThS. Lê Thị Hồng Xuân là chủ nhiệm với chủ đề “Chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay” đã tổ chức sinh hoạt khoa học.

Kết cấu của đề tài gồm 3 chương:

  • Những vấn đề lý luận cơ bản về chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự;
  • Áp dụng pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự Việt Nam;
  • Định hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử trong tố tụng hình sự ở Việt Nam.

Mở đầu tọa đàm, TS. Đinh Thế Hưng (Trưởng phòng Luật Hình sự) nhìn nhận chủ đề của đề tài là một vấn đề rất mới và lý thú trong khoa học pháp lý cũng như thực tiễn pháp luật ở Việt Nam hiện nay. Ông hy vọng sẽ nhận được các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học này. Sau đó, ThS. Lê Thị Hồng Xuân đã trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài.

 

ThS. Lê Thị Hồng Xuân trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 không đưa ra khái niệm cụ thể về chứng cứ điện tử, tuy nhiên trong Điều 99 có quy định các dạng biểu hiện của dữ liệu điện tử như ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được thông qua các phương tiện điện tử. Theo ThS. Hồng Xuân, hiện nay ở Việt Nam có 3 quan điểm về khái niệm chứng cứ điện tử:

  • Là thông tin, dữ liệu có thật mà chủ thể tiến hành tố tụng đã thu thập được từ nguồn chứng cứ điện tử theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS 2015 quy định dùng làm căn cứ xác định có hay không hành vi phạm tội, xác định người phạm tội và các tình tiết khác liên quan đến vụ án (TS. Nguyễn Đức Hạnh, Đại học Kiểm sát Hà Nội);
  • Là những chứng cứ được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số liên quan đến vụ án hình sự (TS. Trần Văn Hòa, Bộ Công an);
  • Là thông tin, dữ liệu có giá trị điều tra, được lưu trữ hoặc truyền đi bởi máy tính, mạng máy tính hoặc thiết bị điện tử kỹ thuật số khác. Việc xác lập, thu giữ, phục hồi chứng cứ điện tử cần được làm khẩn trương nhưng thận trọng và tỉ mỉ, có độ chính xác cao (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL).

Trong ba quan điểm này, Chủ nhiệm đề tài cho rằng, quan điểm thứ nhất thể hiện được cả 3 thuộc tính của chứng cứ, đó là tính khách quan, liên quan và hợp pháp. Trong khi đó, hai quan điểm sau chỉ thể hiện được tính khách quan và liên quan của chứng cứ điện tử. Dựa trên các quan điểm này và tổng hợp các quan điểm của các chuyên gia nước ngoài (Mỹ, Anh, Australia), đề tài đã đưa ra một khái niệm riêng, đó là: “Chứng cứ điện tử là nguồn dữ liệu điện tử, thông tin có thật được xác định bằng các phương tiện điện tử theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định và được dùng làm căn cứ xác định có hay không hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án hình sự”.

 

 

Bên cạnh việc có những đặc điểm, bản chất chung của chứng cứ, chứng cứ điện tử còn có những điểm riêng biệt và đặc thù. Trong đó, về tính khách quan, cần phải chứng minh được chứng cứ điện tử là sản phẩm tất yếu được máy tính, thiết bị số tạo ra, lưu giữ tự động hoặc là các sản phẩm do đối tượng tạo ra trong quá trình chính đối tượng đó thực hiện hành vi phạm tội. Về tính nguyên trạng, chứng cứ điện tử cần chứng minh được sự tồn tại của nó không có sự can thiệp từ bên ngoài vào nội dung, dấu vết thể hiện của dữ liệu điện tử để nhằm thay đổi hay xóa bỏ dấu vết. Về tính kiểm chứng được, khi cần thiết có thể lặp lại quá trình khai thác, phục hồi, giám định hoặc chuyển hóa chứng cứ điện tử từ trong các thiết bị lưu trữ, truyền đi và khi chuyển hóa, phục hồi thì kết quả thu được từ những lần thao tác đấy phải như nhau.

 

Tiếp theo, Chủ nhiệm đề tài giới thiệu và phân tích về chứng cứ điện tử trong TTHS với các nội dung chính liên quan đến: (i) Căn cứ pháp lý; (ii) Phân loại chứng cứ điện tử; (iii) Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử; (iv) Nguyên tắc thu thập và lưu giữ dữ liệu điện tử; (v) Vai trò của chứng cứ điện tử trong TTHS.

 

Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan tỏa nhanh chóng trên toàn thế giới, tội phạm thực hiện các hành vi qua việc sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử ngày càng nhiều với mức độ tính vi và nguy hiểm hơn so với trước đây. Vì thế, việc đưa chứng cứ điện tử vào Bộ luật TTHS năm 2015 sẽ mang lại nhiều lợi ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự kịp thời, nhanh chóng và đúng người đúng tội.

 

Trong Chương 2 về áp dụng pháp luật về chứng cứ điện tử trong TTHS Việt Nam, ThS. Hồng Xuân đã trình bày các nội dung về: nguồn của chứng cứ là dữ liệu điện tử; thu thập, lưu giữ và bảo quản nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử; sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử. Các nội dung còn lại về thực trạng áp dụng pháp luật và giá trị sử dụng chứng cứ điện tử và định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật về chứng cứ điện tử trong TTHS Việt Nam đang được Chủ nhiệm đề tài thực hiện và sẽ hoàn thành sớm trong thời gian tới.

 

TS. Đinh Thế Hưng trao đổi, góp ý về đề tài

 

Trao đổi tại tọa đàm, về mặt khái niệm, TS. Đinh Thế Hưng đồng ý với quan điểm khi cho rằng chứng cứ điện tử là thông tin về tội phạm, để chứng minh tội phạm, được truyền tải dưới dạng dữ liệu điện tử, tức là nhấn mạnh đến đặc thù về môi trường phản ánh. Từ đó, đề tài cần lý giải tại sao chứng cứ điện tử lại có những đặc thù riêng và những đặc thù này ảnh hưởng gì đến việc thu thập, bảo quản, đánh giá và sử dụng chứng cứ. Trên cơ sở đó, cần điều chính các quy định pháp luật thế nào để đáp ứng được nhu cầu của chứng cứ điện tử.

 

TS. Đinh Thế Hưng mong muốn đề tài cần đánh giá quy định pháp luật về chứng cứ điện tử trên cơ sở so sánh với pháp luật quốc tế. Về Chương 3, đề tài cần đưa ra phương hướng chung, trong đó nhấn mạnh đến đặc điểm, dấu vết của thuộc tính điện tử.

 

Đề tài cũng nhận được những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Lê Mai Thanh, TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Phạm Thị Thúy Nga và các nhà khoa học khác về các vấn đề: hợp tác quốc tế khi xác định thẩm quyền thu thập, bảo quản, đánh giá chứng cứ điện tử; bình luận về các tình huống cụ thể liên quan đến việc sử dụng dữ liệu ghi âm, ghi hình làm chứng cứ điện tử; tính đặc thù trong quy trình thu thập chứng cứ, bảo đảm chứng cứ hợp pháp và bảo đảm quyền con người…

Các tin cùng chuyên mục: