•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cơ sở “Pháp luật về quản lý thông tin trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay”

20/09/2022
Đây là đề tài cá nhân do TS. Lê Thương Huyền làm chủ nhiệm. Tọa đàm diễn ra ngày 15/9/2022 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

TS. Lê Thương Huyền (giữa) trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Phát biểu mở đầu, TS. Lê Thương Huyền nhìn nhận mức độ tác động, ảnh hưởng của mạng xã hội (MXH) đến xã hội ngày càng lớn và đã đặt ra yêu cầu bức thiết về quản lý các nội dung thông tin trên MXH để phù hợp với thực tế phát triển. Việc nâng cấp quản lý thông tin trên MXH đòi hỏi xây dựng một văn bản về quản lý thông tin trên mạng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như sự phát triển của xã hội nước ta hiện nay. Vì vậy, TS. Lê Thương Huyền đã lựa chọn chủ đề pháp luật về quản lý thông tin trên mạng xã hội ở Việt Nam làm đề tài nghiên cứu. Đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.

 

Chủ nhiệm đề tài đề ra mục tiêu nghiên cứu là:

- Làm rõ những vấn đề lý luận của pháp luật về quản lý thông tin trên mạng xã hội, vai trò của pháp luật về quản lý nhà nước về thông tin trên MXH;

- Kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về quản lý thông tin trên MXH của một số quốc gia, qua đó chắt lọc một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

 

Tại Chương 1, sau khi dẫn ra các khái niệm, quy định về các thuật ngữ “thông tin, mạng xã hội, thông tin trên MXH”, đề tài đưa ra khái niệm quản lý thông tin trên MXH là việc Nhà nước tổ chức, định hướng, điều hành các hoạt động sản xuất, cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin trên MXH bằng pháp luật và các công cụ khác. Trong đó, pháp luật về quản lý thông tin trên MXH là hệ thống các quy tắc xử sự liên quan đến việc sản xuất, cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin trên mạng, phục vụ và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan đến thông tin trên MXH.

 

Tiếp theo, Chủ nhiệm đề tài giới thiệu và phân tích về nội dung, đặc điểm và những yếu tố ảnh hướng đến pháp luật về quản lý thông tin trên MXH. Theo đó, nội dung của pháp luật về quản lý thông tin trên MXH bao gồm các nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ xã hội liên quan đến các lĩnh vực: (i) Sản xuất thông tin trên MXH; (ii) Cung cấp, lưu trữ thông tin trên MXH; (iii) Sử dụng thông tin trên MXH; (iv) Bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan đến thông tin trên MXH.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Chương 2 giới thiệu kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật về quản lý thông tin trên MXH ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số nước ở Đông Nam Á và Châu Âu để từ đó gợi mở các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản lý thông tin trên MXH ở Việt Nam.

 

Trung Quốc là một trong những quốc gia có các biện pháp quản lý Internet chặt chẽ nhất trên thế giới với 60 văn bản về quản lý MXH và Internet. Trong đó, Luật An toàn mạng có hiệu lực thực hiện từ 1/6/2017 quy định về việc xây dựng, vận hành, duy trì và sử dụng mạng cũng như giám sát và quản lý an toàn mạng trên lãnh thổ đất liền. Luật này yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ phải lưu trữ dữ liệu trong máy chủ đặt trên đất liền. Trung Quốc cũng áp dụng những biện pháp kiểm duyệt MXH, chẳng hạn như: doanh nhân và người nổi tiếng phải sử dụng các tài khoản công khai, được cấp phép để đăng tải và thông báo về các sự kiện hay tin tức hoạt động; người dùng MXH chia sẻ thông tin và bình luận nhạy cảm có thể bị phạt tù từ 5 ngày đến 11 năm; người dùng Internet phải đăng ký các dịch vụ trên mạng với họ tên thật và gắn liền với nó là hệ thống chấm điểm công dân.

 

Đề tài cũng chỉ ra các biện pháp quản lý từ phía các chính phủ trong Liên minh Châu Âu đối với người dùng MXH, tiêu biểu là: các đạo luật bảo vệ dữ liệu Châu Âu (European data protective laws); Kế hoạch bảo vệ người dùng Internet (Action Plan for a Safer Internet) và quy định về lọc dữ liệu; quy định về quyền tác giả. Ngoài ra, CHLB Đức có Luật Cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội (NetzDG) nhằm ngăn chặn sự bành trướng của những thông tin xấu, độc trên MXH, trong đó trầm trọng nhất là tin giả (fake news) và phát ngôn gây thù hận (hate speech) và cảnh báo các doanh nghiệp cung cấp MXH không được dùng fake news, hate speech để kiếm lợi nhuận.

 

Từ những phân tích trên cho thấy pháp luật các quốc gia/khu vực tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, những quyền này không phải là tuyệt đối và cần giới hạn nội dung thông tin trên MXH. Những hạn chế quyền này phải tương thích với những quy định quốc tế theo các nguyên tắc về tính hợp pháp, cần thiết và thích hợp. Pháp luật các quốc gia/khu vực cũng quy định rõ các hành vi bị cấm khi sản xuất, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng, đưa ra các chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm.

 

Góp ý cho đề tài, TS. Hoàng Kim Khuyên cho rằng, phần đặc điểm của pháp luật về quản lý thông tin trên MXH chưa cụ thể, cần nêu bật đặc điểm đặc thù của pháp luật về quản lý thông tin trên MXH khi so sánh với quản lý thông tin trên Internet nói chung.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh phát biểu

 

Theo PGS.TS. Lê Mai Thanh, quản lý thông tin trên MXH là việc quản lý của Nhà nước nên việc nhận diện, làm rõ nội dung quản lý là rất quan trọng. Căn cứ vào việc xác định rõ các nội dung quản lý thì ta sẽ nhận diện ra các thành tố pháp luật của mỗi nội dung quản lý này. Vì là quản lý nhà nước nên sẽ có những biện pháp cưỡng chế, vậy thành tố pháp luật để thực thi cưỡng chế là gì. Đây là vấn đề mà đề tài chưa nêu rõ. Ngoài ra, PGS.TS. Lê Mai Thanh đề xuất, đề tài cần nhấn mạnh đến yếu tố thông tin được số hóa không có ranh giới nên thành tố pháp luật không chỉ là của Việt Nam mà còn của quốc tế có liên quan. Về nội dung nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đề tài cần xem xét các tiêu chí tương đồng với các quy định của pháp luật Việt Nam để từ đó phân tích, đưa ra kết luận và đề xuất hoàn thiện.

 

Đề tài cũng nhận được những ý kiến góp ý của ThS. Cao Việt Thăng, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và các nhà khoa học khác về các vấn đề: cập nhật dữ liệu mới về số lượng người dùng MXH, tẩy tin, quyền được lãng quên trên Internet, an ninh mạng,… 

Các tin cùng chuyên mục: