•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cơ sở “Vật quyền theo Bộ luật Dân sự 2015”

06/10/2021
Tọa đàm diễn ra ngày 27/9/2021 bằng hình thức trực tuyến. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Hường là chủ nhiệm, thành viên còn lại là TS. Nguyễn Thị Thu Thủy.

Mở đầu tọa đàm, TS. Dương Quỳnh Hoa (Trưởng phòng Phòng Pháp luật dân sự) phát biểu đề dẫn giới thiệu những vấn đề cơ bản của đề tài. Vật quyền là một khái niệm xuất hiện từ thời La Mã cổ đại chỉ quyền của chủ thể được thực hiện ngay tức khắc lên tài sản mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai. Lý thuyết về vật quyền đã được hoàn thiện qua thời gian và tiếp tục được vận dụng vào pháp luật dân sự hiện đại. Bộ luật Dân sự của nhiều nước đều ghi nhận chế định vật quyền (Cộng hòa Pháp, Liên bang Đức, Nhật Bản, Canada, Liên bang Nga, Campuchia,...). Tuy nhiên, mỗi Bộ luật Dân sự lại vận dụng lý thuyết vật quyền theo một cách riêng phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp lý của quốc gia mình.

 

Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. So với các Bộ luật Dân sự được ban hành trước đây, Bộ luật Dân sự 2015 có những điểm đột phá đáng chú ý là việc vận dụng lý thuyết vật quyền để sửa đổi chế định tài sản và quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự 2005 thành chế định quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản. Mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 không sử dụng thuật ngữ “vật quyền” thì cũng không thể phủ nhận rằng, các nội dung của chế định quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản chính là nội dung của vật quyền. Theo đó, bên cạnh quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục quy định về quyền đối với bất động sản liền kề và đã công nhận 2 vật quyền mới là quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự 2015, việc sử dụng khái niệm “vật quyền” chưa có sự thống nhất cao trong giới luật học cũng như trong giới lập pháp.

 

Vì thế, việc nghiên cứu đề tài Vật quyền theo Bộ luật Dân sự 2015 có ý nghĩa cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn trong việc làm sáng tỏ bản chất pháp lý của vật quyền, vận dụng lý thuyết vật quyền trong xây dựng Bộ luật Dân sự 2015, cung cấp các nội dung vật quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 cũng như chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong các quy định này là việc làm cần thiết.

 

TS. Nguyễn Thị Hường (thứ 3 từ trái sang ở hàng đầu tiên)

 

Tiếp theo, Chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Thị Hường báo cáo khái quát kết quả nghiên cứu của Chương 1 “Lý thuyết vật quyền và mức độ tiếp cận lý thuyết vật quyền trong Bộ luật Dân sự 2015”. Cùng với sự phát triển của lý luận và pháp luật thì khái niệm vật quyền trong xã hội hiện đại có thể được hiểu theo hai góc độ chủ quan và khách quan. Theo nghĩa chủ quan, vật quyền là quyền của một chủ thể bằng hành vi của mình tác động lên tài sản theo ý chí của mình mà không phụ thuộc vào người khác để nhằm thỏa mãn lợi ích của mình. Theo nghĩa khách quan, vật quyền là toàn bộ các quy phạm pháp luật quy định về các loại vật quyền và nội dung của từng loại vật quyền; về căn cứ phát sinh, chấm dứt các loại vật quyền; nguyên tắc thực hiện, bảo vệ vật quyền,…

 

Như vậy, vật quyền có ý nghĩa rất lớn trong nghiên cứu khoa học pháp lý, chẳng hạn như: mang lại những lợi ích to lớn cho hệ thống pháp luật dân sự các nước trên thế giới; đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu của Bộ luật Dân sự bởi nó ảnh hưởng và chi phối đến nhiều chế định của bộ luật này cũng như việc nghiên cứu vật quyền có thể góp phần xây dựng Bộ luật Dân sự Việt Nam hoàn chỉnh hơn, phù hợp hơn, tiếp cận được với pháp luật dân sự của các nước khác trên thế giới.

 

Đề tài đã chỉ ra những vấn đề đặt ra đối với việc tiếp tục hoàn thiện Bộ luật Dân sự 2015 từ góc độ lý thuyết vật quyền đó là: sử dụng thuật ngữ vật quyền trong Bộ luật Dân sự; vật quyền bảo đảm; đăng ký vật quyền; bảo vệ vật quyền và việc đồng bộ hóa các loại vật quyền trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Chẳng hạn, về đăng ký vật quyền, Bộ luật Dân sự 2015 chưa có quy định chung về đăng ký vật quyền mà mới chỉ có quy định về một tài sản đăng ký quyền sở hữu và khi có biến động về đất đai thì phải đăng ký theo quy định của Luật Đất đai. Điều này cho thấy sự hạn chế của Bộ luật Dân sự 2015 bởi lẽ không phải vật quyền nào cũng có đối tượng là đất đai do đó khi xác lập và thiết lập các loại vật quyền trong Bộ luật Dân sự 2015 như quyền hưởng dụng, quyền bề mặt dường như không được thực hiện trên thực tế. Điều này phần nào làm mất đi ý nghĩa của chế định này khi nền kinh tế đang đòi hỏi sự tham gia từ các dạng giao dịch của các loại tài sản mới.

 

Trong Chương 2, đề tài đi sâu phân tích hai loại vật quyền mới được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự 2015 là quyền hưởng dụng và quyền bề mặt. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, quyền bề mặt được quy định từ Điều 267 đến Điều 273 Bộ luật Dân sự 2015. Điều 267 quy định quyền bề mặt là quyền của một chủ thể đối với mặt đất, mặt nước, khoảng không gian trên mặt đất, mặt nước và lòng đất mà quyền sử dụng đất đó thuộc về chủ thể khác. Với vai trò là một vật quyền, quyền bề mặt có những đặc điểm chung giống với các vật quyền khác như: có tính chất tác động trực tiếp lên vật, có tính dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác mà không cần có sự cho phép của chủ sở hữu. Ngoài ra, quyền bề mặt có một số đặc điểm riêng: do phái sinh từ quyền sở hữu nên chỉ xuất hiện và tồn tại khi có sự tồn tại quyền sở hữu; chủ sở hữu quyền bề mặt không đồng thời là chủ sở hữu đất;…

 

Về nội dung, quyền bề mặt là những quyền năng chủ thể quyền bề mặt có, cụ thể là:

- Tiến hành đầu tư trồng cây, nuôi trồng thủy sản hoặc xây dựng các công trình để phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh;

- Được phép khai thác, sử dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, quyền tự do định đoạt tài sản đã hình thành trên bề mặt cho chủ khác thông qua các giao dịch như mua bán, cho thuê, thế chấp, hoặc để lại thừa kế;

- Được phép chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền bề mặt cho chủ thể khác.

 

Từ những phân tích về khái niệm, nội dung, thời hạn và xác lập, chấm dứt quyền bề mặt, đề tài đã chỉ ra một số bất cập và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện các quy định về quyền bề mặt trong Bộ luật Dân sự 2015. Chẳng hạn, việc đăng ký cần thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải công khai tuy nhiên cơ chế đăng ký quyền này chưa được quy định cụ thể trên thực tế; hoặc những khó khăn trong việc tính chi phí chuyển giao quyền bề mặt, cơ sở để tính phí này hiện chưa được quy định cụ thể theo giá thị trường, theo khung giá đất do Nhà nước quy định hay do thỏa thuận giữa các bên.

 

Bình luận tại tọa đàm, TS Trần Văn Biên cho rằng, lý thuyết về vật quyền vẫn còn xa lạ với mọi người trong khi Bộ luật Dân sự 2015 tiếp cận lý thuyết vật quyền chưa rõ ràng và đầy đủ. Đề tài cần đánh giá được và làm sâu sắc hơn việc tiếp nhận lý thuyết về vật quyền được quy định trong Bộ luật Dân sự. Đây là phần quan trọng nhất của đề tài.

 

Về quyền bề mặt, PGS.TS. Lê Mai Thanh đưa ra ví dụ xảy ra trên thực tế khi chiều cao của công trình xây dựng gần biển sẽ gây chắn tầm nhìn của cộng đồng, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác, chẳng hạn như việc ảnh hưởng đến tầm nhìn ra biển từ các công trình xây dựng ở xa biển hơn. Về mặt lý luận, đề tài cần nhìn nhận làm thế nào để cân bằng quyền của chủ thể đối với vật quyền này với quyền của các nhóm đối tượng khác nhau. Từ đó, đề tài cần đưa ra các đề xuất không chỉ với Bộ luật Dân sự mà còn với các đạo luật khác. Quyền bề mặt liên quan đến đất và không gian. Trong khi, quyền hưởng dụng thì đối tượng rộng hơn nhiều, bao quát toàn bộ các tài sản. Đây là mức độ liên quan giữ hai quyền này.

 

Các nhà khoa học đã cùng nhau trao đổi và góp ý cho đề tài khi đưa ra những kinh nghiệm quốc tế về cách thức áp dụng các quy phạm (không chỉ áp dụng luật mà còn dựa trên các giá trị văn hóa, lịch sử…) để giải quyết khi có các tranh chấp xảy ra liên quan đến hai quyền này.

Các tin cùng chuyên mục: