•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Trao đổi khoa học về những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành”

07/09/2011
Tọa đàm do Câu lạc bộ Nghiên cứu viên trẻ của Chi đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức tại Hội trường Viện vào ngày 01/09/2011. Diễn giả tại Tọa đàm là ThS. Nguyễn Hải An, công tác tại Tòa án nhân dân tối cao. Đông đảo các đồng chí đoàn viên Chi đoàn và cán bộ, viên chức trong Viện đã tham gia và phát biểu ý kiến.
Mục đích của Tọa đàm là giúp cho các đoàn viên trong chi đoàn hiểu rõ và đầy đủ hơn về các quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Đây cũng là mong muốn của Ban chấp hành Chi đoàn trong việc đưa Câu lạc bộ Nghiên cứu viên trẻ đi vào nề nếp.

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2005 qua thực tiễn thi hành cho thấy đã bộc lộ những hạn chế và bất cập. Trước thực tế đó, ngày 29/03/2011, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) nhằm tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.

Ths. Nguyễn Hải An đã trình bày và phân tích chi tiết những điểm mới cơ bản trong BLTTDS (sửa đổi, bổ sung 2011), đó là:
    -    Về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS;
    -    Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức;
    -    Về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản;
    -    Về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu;
    -    Bổ sung về phương thức hòa giải và trình tự hòa giải;
    -    Về thủ tục giám đốc thẩm;
    -    Về xem lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.


Bình luận về thủ tục giám đốc thẩm, ThS. Nguyễn Hải An cho biết, qua thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự trong thời gian qua, có nhiều trường hợp gần hết thời hạn kháng nghị, Viện kiểm sát mới nhận được đơn khiếu nại của đương sự nên không có đủ thời gian để xem xét; có trường hợp đương sự gửi đơn trong thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng không được người có thẩm quyền xem xét hoặc không kịp phát hiện các sai sót, do đó khi phát hiện có sai lầm của bản án thì đã hết thời hạn kháng nghị, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng không có cơ chế để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc.

Khoản 47 và 48 Điều 1 của BLTTDS 2011 đã sửa đổi, bổ sung Điều 284 và Điều 288 và bổ sung Điều 284a và Điều 284b, theo đó quy định về hình thức đơn, thủ tục nhận đơn và xem xét đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục của giám đốc thẩm. đồng thời, đương sự có quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Tại Tọa đàm, nhiều đoàn viên trẻ trong Viện đã chủ động đưa ra các câu hỏi và cùng trao đổi với ThS. Nguyễn Hải An về những vấn đề họ quan tâm. Hy vọng trong thời gian tới, các hoạt động khoa học do Chi đoàn tổ chức sẽ diễn ra thường xuyên nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho các đoàn viên trong Viện.

Các tin cùng chuyên mục: