•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay”

05/06/2017
Ngày 31/5/2017, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay” do TS. Phạm Thị Hương Lan là chủ nhiệm, Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ quan chủ trì, đã tổ chức tọa đàm khoa học với sự tham gia của các thành viên đề tài và các nhà khoa học trong Viện.

TS. Phạm Thị Hương Lan, chủ nhiệm đề tài

 

Phát biểu mở đầu tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan giới thiệu các nội dung nghiên cứu của đề tài theo bản thuyết minh đã được duyệt. Chủ nhiệm đề tài mong muốn các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về cách tiếp cận, nội dung các mục cụ thể trong các chương từ đó phân công chuyên đề cho các thành viên đề tài.

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, đề tài cần phân tích kỹ về mặt lý luận thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (KTTT), trong đó cần làm rõ thuật ngữ “thể chế pháp lý” qua khái niệm, nội dung, đặc điểm của nó. Sau đó chỉ ra những mặt tích cực, hạn chế và làm rõ nguyên nhân của những hạn chế về thực trạng thể chế pháp lý về vai trò của Nhà nước trong nền KTTT ở nước ta hiện nay.

 

Đồng ý với PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị khẳng định đề tài cần đưa ra được khái niệm về thể chế pháp lý; cần xác định các yếu tố cấu thành thể chế pháp lý bao gồm những yếu tố nào.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, TS. Nguyễn Văn Cương

(từ trái sang) tham gia tọa đàm

 

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Cương, Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, cho rằng để đánh giá được thực trạng thể chế pháp lý, đề tài cần nhìn nhận từ Hiến pháp, các quy định của luật và xem xét đến những đặc thù của nước ta như: kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, Nhà nước là chủ sở hữu đại diện về đất đại, về các nguồn tài nguyên thiên nhiên,…

 

Tại tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng Nhà nước có 2 vai trò chính trong nền KTTT, đó là chủ thể của quyền lực công và là chủ sở hữu. Nhìn nhận từ các vai trò này, đề tài cần xem xét lịch sử hình thành nền KTTT trên thế giới để nhận diện Việt Nam thuộc mô hình nào. Vai trò của Nhà nước là bất biến nhưng cách thức thực hiện là khác nhau trong các mô hình phát triển khác nhau.

 

Ngoài ra, cuộc họp cũng nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học khác liên quan đến cách thức thực hiện đề tài, đối tượng nghiên cứu và lực lượng nghiên cứu. Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS. Phạm Thị Hương Lan cám ơn và tiếp thu những trao đổi, góp ý của các nhà khoa học và mong muốn các thành viên đề tài hoàn thành chuyên đề của mình để tiến hành tổ chức tọa đàm lần hai theo đúng tiến độ đã đề ra.

Các tin cùng chuyên mục: