•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học Đề tài cấp Bộ “Tổng kết 30 năm nghiên cứu về Nhà nước và gợi mở đến năm 2030”

18/07/2018
Ngày 11/7/2018, tại Hội trường tầng 2, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức tọa đàm của Đề tài cấp Bộ “Tổng kết 30 năm nghiên cứu về Nhà nước và gợi mở đến năm 2030”. Đề tài do PGS.TS. Vũ Thư là chủ nhiệm.

Tham gia tọa đàm là các thành viên của đề tài và đông đảo cán bộ nghiên cứu trong Viện. Mục đích của đề tài là nhìn nhận, đánh giá trong 30 năm qua bộ máy nhà nước đã được xây dựng, hoàn thiện và đổi mới như thế nào và những vấn đề đặt ra hiện nay.

 

PGS.TS. Vũ Thư phát biểu mở đầu tọa đàm

 

Phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS.TS. Vũ Thư cho biết, đề tài mang tính chất tổng kết, đánh giá về thành tựu, hạn chế, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và nội dung nghiên cứu, cụ thể là các công trình được công bố trong 30 năm qua. Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành 03 Chương với các nội dung cơ bản sau:

Chương 1: Bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế trong 30 năm qua và sự tác động của nó đến tình hình nghiên cứu

Chương 2: Tổng quan các nghiên cứu về từng thiết chế của Nhà nước trong 30 năm qua: thành tựu, hạn chế, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và lực lượng nghiên cứu

Chương 3: Đánh giá chung tình hình nghiên cứu về Nhà nước trong 30 năm qua và định hướng nghiên cứu đến năm 2030

 

Theo PGS.TS. Vũ Thư, khi thực hiện chuyên đề, các thành viên đề tài cần trình bày tình hình nghiên cứu chung, có tính chất khái quát, phác họa, trong đó nêu ra một số công trình có tính điển hình, đại diện, từ đó chỉ ra những thành tựu, hạn chế trong cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu. Từ những phân tích trên, đề tài sẽ đề xuất định hướng nghiên cứu trong những năm tới trên các phương diện: nội dung, phương pháp luận, lực lượng nghiên cứu.

 

Sau đó, các nhà khoa học tại buổi tọa đàm đã lắng nghe và cùng trao đổi về 4 báo cáo phân tích về các thiết chế Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp. Với mỗi báo cáo, các thành viên đề tài sẽ trình bày tiến độ thực hiện và những nội dung cơ bản của chuyên đề mà mình phụ trách.

 

TS. Phan Thanh Hà báo cáo

 

Đầu tiên là báo cáo của TS. Phan Thanh Hà, “Tổ chức và hoạt động của Quốc hội: Thành tựu và hạn chế trong 30 năm qua”. Để đánh giá về tình hình nghiên cứu, tác giả dựa trên các bản Hiến pháp đã ban hành theo thứ tự thời gian là Hiến pháp năm 1980, 1986, 2001 và 2013. Theo đó, báo cáo sẽ phân tích theo 4 giai đoạn: 1986 – 1992, 1992 – 2001, 2001 – 2013 và từ năm 2013 đến nay. Ngoài ra, các bản Luật Tổ chức Quốc hội cũng được tác giả xem xét đưa vào phân tích trong bài viết.

 

TS. Phan Thanh Hà cho biết, khi viết về hoạt động của Quốc hội, chuyên đề sẽ dựa trên vài trò, chức năng của Quốc hội, đó là: thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao các hoạt động của Nhà nước. Các công trình nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua khá đầy đủ. Đây là tiền đề thuận lợi để TS. Phan Thanh Hà có thể khái quát, tổng hợp từ đó chỉ ra những thành tựu, hạn chế trong cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và lực lượng nghiên cứu.

 

TS. Bùi Đức Hiển

 

Về thiết chế Chính phủ, TS. Bùi Đức Hiển cũng phân tích theo từng giai đoạn dựa trên các bản Hiến pháp đã ban hành, trong đó tập trung vào giai đoạn 2001 – 2013. Đây là giai đoạn có rất nhiều công trình nghiên cứu của không chỉ của các nhà khoa học tu nghiệp ở Liên Xô (cũ) và CHDC Đức mà còn có một lực lượng lớn các nhà khoa học trong nước.

 

Trong thời kỳ này, khi phân tích thành tựu nghiên cứu, tác giả đã lựa chọn các vấn đề chính, trong đó có: (i) Vị trí, cơ cấu, chức năng của Chính phủ; (ii) Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ; (iii) Mối quan hệ giữa Chính phủ, Quốc hội và Tòa án; (iv) Cải cách hành chính; (v) Chính phủ kiến tạo. Qua việc đánh giá các vấn đề trên, TS. Bùi Đức Hiển cho rằng, các công trình nghiên cứu đã làm rõ vị trí pháp lý, chức năng của Chính phủ, đóng góp rất lớn về mặt khoa học trong việc ghi nhận về vị trí, chức năng của Chính phủ trong các bản Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Những kết quả nghiên cứu cũng giúp xây dựng Chính phủ theo hướng gọn nhẹ hơn về tổ chức bộ máy, vai trò của Thủ tướng được nâng cao hơn.

 

TS. Đinh Thế Hưng

 

Tiếp theo là báo cáo của TS. Đinh Thế Hưng về các cơ quan tư pháp, đó là Tòa án và Viện Kiểm sát. Khác với hai báo cáo trên, TS. Đinh Thế Hưng không phân tích dựa trên các giai đoạn mà chia thành nhóm vấn đề: quyền tư pháp ở Việt Nam; hệ thống các cơ quan tư pháp; Viện Kiểm sát.

 

Về quyền tư pháp, một vấn đề được quan tâm nghiên cứu nhiều trong thời gian qua, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra đặc điểm về các mặt pháp lý, tư duy, xã hội của quyền tư pháp. Những năm gần đây, ngoài xét xử, giới khoa học nhìn nhận quyền này còn bao gồm giải thích pháp luật và ban hành án lệ. Nhóm vấn đề thứ hai là hệ thống các cơ quan tư pháp, đây là lĩnh vực được các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật nghiên cứu rất sâu và cụ thể trong nhiều năm qua. Những nghiên cứu này đã chỉ ra đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ và quá trình tổ chức của các cơ quan tư pháp. Ngoài ra, một mảng vấn đề cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm từ lâu và vẫn tiếp tục được nghiên cứu là tính độc lập xét xử của Tòa án, làm rõ nội hàm và đặc biệt là tổ chức vận hành thế nào để sự độc lập trong xét xử của Tòa án được thực hiện trên thực tế.

 

Về cách tiếp cận khi nghiên cứu quyền tư pháp, TS. Đinh Thế Hưng dựa trên sự thay đổi về tình hình kinh tế, xã hội; những quan điểm về xây dựng Nhà nước pháp quyền và gần đây các nghiên cứu còn tiếp cận từ góc độ quyền con người và công lý.

 

Nhận định về những vấn đề chính cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới, theo TS. Đinh Thế Hưng, đó là: vai trò kiểm soát của quyền tư pháp trong bộ máy nhà nước; độc lập xét xử của Tòa án; giải thích pháp luật và ban hành án lệ.

 

Ngoài các báo cáo trên, Tọa đàm còn lắng nghe báo cáo của NCV. Vũ Hoàng Dương về thiết chế Chủ tịch nước.

 

NCV. Lê Quang Thưởng (đứng) trao đổi tại tọa đàm

 

Trao đổi tại Tọa đàm, NCV. Lê Quang Thưởng cho rằng, đề tài cần nhìn nhận và nêu rõ những thành tựu từ các công trình nghiên cứu đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp như thế nào. Ý kiến này được chủ nhiệm và các thành viên đề tài đồng tình và ghi nhận.

 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, ngoài các sản phẩm nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên đề tài nên chủ động tìm hiểu các công trình khoa học của các cơ sở khác như Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học pháp lý. Việc đọc các công trình nghiên cứu này sẽ giúp các thành viên đề tài có cơ sở để nhận xét, đánh giá một cách dễ dàng hơn. Ông cho rằng, một trong các dạng công trình nghiên cứu cần tìm hiểu là các sách bình luận Hiến pháp.

 

Tọa đàm còn thu nhận những ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Như Phát phân tích những vấn đề liên quan đến chương 1 của đề tài cũng như những trao đổi của các nhà khoa học khác.

 

Phát biểu tổng kết tọa đàm, PGS.TS. Vũ Thư mong muốn các tác giả sớm hoàn thiện chuyên đề để Ban chủ nhiệm đề tài tổng hợp, chỉnh sửa và nộp sản phẩm đúng thời hạn.

Các tin cùng chuyên mục: