•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị qua thực tiễn địa phương” tại Nghệ An

07/07/2010
Thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2009-2010: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Viện Nhà nước và Pháp luật, Ban Chủ nhiệm Chương trình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tổ chức tọa đàm khoa học về “Tổ chức và hoat động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị qua thực tiễn địa phương”, ngày 26/06/2010 tại tỉnh Nghệ An.
Thành phần đại biểu đại diện các cơ quan tại Nghệ An tham dự bao gồm: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Pháp chế - Hội đồng nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an tỉnh, Ban Chính sách pháp luật – Liên đoàn Lao động tỉnh. Các đại biểu đã nghe báo cáo về các vấn đề sau:
    -    Cải cách hành chính;
    -    Về phân công, phối hợp giữa chính quyền nhà nước trung ương với chính quyền địa phương và giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương;
    -    Cải cách tư pháp; 
    -    Thực tiễn thực thi pháp luật và bảo đảm pháp chế;
    -    Thực hiện mối quan hệ giữa các tổ chức Đảng – cơ quan nhà nước và nhân dân ở địa phương;
    -    Sự tham gia quản lý nhà nước và giám sát của người dân đối với hoạt động của tổ chức đảng và cơ quan nhà nước ở địa phương. 
 
Các đại biểu của các cơ quan tại tỉnh đã đưa ra các ví dụ thực tiễn tại địa phương và cùng trao đổi, thảo luận rất sôi nổi với Ban chủ nhiệm chương trình về các chủ đề nói trên. Có thể nêu đơn cử một số ý kiến sau:
 
    - Để hoàn thiện, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, ông Trần Xuân Mão, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, đã đưa ra một số giải pháp. Trong đó, ông nhấn mạnh phải đảm bảo mọi lợi ích và quyền hành đều thuộc về nhân dân. Việc của đất nước là việc của dân. Vì vậy, cần phải tập hợp rộng rãi quần chúng nhân dân, phát huy đầy đủ khả năng và trí tuệ của toàn dân để cùng lo việc nước. Ngoài ra, phải đảm bảo quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân trên nền tảng pháp luật ngày càng hoàn thiện. 
 
    - Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Ban Chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh, cho biết: Theo thống kê của Liên đoàn Lao động tỉnh, Nghệ An hiện có hơn 7.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DN), trong đó mới chỉ có 293 DN có tổ chức công đoàn. Trong số 293 DN thì chỉ có 120 DN tổ chức Hội nghị người lao động (NLĐ) để họ thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của mình trong tham gia quản lý các hoạt động DN. Chỉ có 1.412/7.000 DN tham gia đóng BHXH cho 38.795/153.119 người lao động, bình quân 27 NLĐ/DN được tham gia BHXH. Chính NLĐ cũng chưa thực sự quan tâm đến quyền làm chủ của mình, họ chỉ quan tâm đến thu nhập, còn các điều kiện lao động khác như trang bị bảo vệ cá nhân, BHXH, tham giai hoạt động của các tổ chức,… thì không. 
 
    - Về cải cách tư pháp hình sự, Đại tá, TS. Nguyễn Hữu Cầu, Công an tỉnh, nói: Địa vị pháp lý và tính độc lập của thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên thi hành nhiệm vụ công quyền đều đang có những hạn chế nhất định, mang tính lịch sử. Về tính độc lập, thẩm phán và những người trong Hội đồng xét xử phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, có căn cứ pháp luật của các quyết định và bản án mà mình đã tuyên, không chịu sự điều chỉnh của lãnh đạo tòa án, tổ chức đảng hay chính quyền. Thực tiễn chỉ ra rằng, những yêu cầu trên không phải khi nào cũng được bảo đảm một cách tuyệt đối. Việc bố trí cán bộ, tuyển chọn, bổ nhiệm lại thẩm phán phải tiến hành theo trình tự quy định: có ý kiến đánh giá, nhận xét của cấp ủy và chính quyền nơi đặt trụ sở Tòa án. Điều này, ở chừng mực nào đó cũng ảnh hưởng đến tính độc lập của thẩm phán và tòa án. 
 
Ở Nghệ An hiện nay, hàng năm phạm pháp hình sự xảy ra khoảng 2.500 vụ, có thời điểm điều tra viên phải điều tra cùng lúc nhiều vụ án. Áp lực công việc gây ra tâm lý không thoải mái cho người tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, dễ gây ra nhầm lẫn, rủi ro tố tụng. Họ cũng không có thời gian để nghiên cứu học tập, nhằm nâng cao nghiệp vụ của mình, khó đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của hoạt động phòng chống, đấu tranh xử lý tội phạm hình sự.
 
Những kết quả thu được từ buổi tọa đàm đã giúp Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị tại địa phương, đảm bảo cho các đề tài nghiên cứu có cơ sở thực tiễn và đạt hiệu quả cao.  

Các tin cùng chuyên mục: