•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học giữa Viện Nhà nước và Pháp luật với các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở Đà Nẵng

14/07/2010
Thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2009-2010: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”, Viện Nhà nước và Pháp luật, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tổ chức hai tọa đàm khoa học với các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội tại thành phố Đà Nẵng, ngày 30/06/2010.
Tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng, thực thi pháp luật ở địa phương: thực trạng và giải pháp” do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Tp.Đà Nẵng chủ trì. Thành phần đại biểu đại diện các cơ quan tại Đà Nẵng tham dự bao gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Chính trị, Sở Nội vụ và Sở Tư pháp. Các đại biểu đã nghe báo cáo về các vấn đề thực tiễn trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính; thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan tư pháp tại Đà Nẵng. 
 
Nhằm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ThS. Trần Hữu Minh, Trường Chính trị Đà Nẵng cho rằng thành phố cần tập trung thực hiện 4 nội dụng sau:
    -    Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng;
    -    Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố;
    -    Tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đấu tranh, bảo vệ pháp luật;
    -    Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
 
Chủ đề của tọa đàm thứ hai là: “Đổi mới hệ thống chính trị và giám sát quyền lực nhà nước qua thực tiễn của địa phương”. Buổi tọa đàm này do Viện Nhà nước và Pháp luật và Hội đồng nhân dân Tp.Đà Nẵng chủ trì. Thành phần đại biểu bao gồm: HĐND thành phố, Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc thành phố. Ba báo cáo trình bày trong tọa đàm này là:
    -     Thực tiễn phân công, phối hợp giữa chính quyền nhà nước trung ương với chính quyền địa phương và giữa các cơ quan nhà nước ở địa phương; 
    -     Thực tiễn thực hiện mối quan hệ giữa các tổ chức Đảng – cơ quan nhà nước và nhân dân ở địa phương: Khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và phương hướng giải quyết;
    -     Thực tiễn hoạt động tham gia quản lý nhà nước và thực hiện chức năng giám sát của Mặt trận, của người dân đối với hoạt động của tổ chức Đảng và cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 
 
Muốn đánh giá mối quan hệ giữa các tổ chức Đảng – cơ quan nhà nước với nhân dân, trước hết cần đánh giá công tác vận động quần chúng của Đảng bộ và chính quyền địa phương. Có thể nói nhờ vận động quần chúng có hiệu quả cao, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã lãnh đạo thành công nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị. ThS. Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, đã tập trung phân tích khía cạnh khó khăn, vướng mắc trong công tác vận động quần chúng (dân vận) này. Ông nói: Thời chiến tranh, không chỉ là “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” như Bác Hồ đã dạy, mà còn có thể nói nếu không biết làm dân vận hoặc làm dân vận không khéo là cách mạng gặp khó khăn ngay. Giờ đây, công tác dân vận đòi hỏi Đảng bộ và chính quyền thành phố phải không ngừng đổi mới cách làm sao cho hiệu quả hơn trong tình hình mới. Người đi vận động phải sâu sát dân, biết lắng nghe dân, không được vô cảm với dân. Mọi chế độ chính sách cũng phải công khai, minh bạch và công bằng và trên tất cả là phải xuất phát từ lợi ích của người dân.
 
Để tăng cường hơn nữa chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc đối với các cơ quan quyền lực nhà nước, các đại biểu dân cử, đội ngũ cán bộ công chức nhà nước; nhằm đảm bảo quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong tổ chức và thực thi quyền lực, bà Hà Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố đề xuất một số giải pháp sau:
    -    Cần ban hành Luật Giám sát nhân dân nhằm tạo cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện tốt quyền giám sát mà pháp luật đã quy định;
    -    Xây dựng chương trình phối hợp giám sát giữa các cơ quan quyền lực nhà nước và hoạt động giám sát của nhân dân;
    -    Ban hành quy chế phản biện xã hội đối với việc thực thi quyền lực nhà nước;
    -    Xây dựng và ban hành Luật Trưng cầu dân ý;
    -    Sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo để phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu tách Luật Tố cáo và Luật Khiếu nại riêng biệt;
    -    Tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng;
    -    Đổi mới tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội.
 
Thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ góp phần xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả để quản lý tốt mọi mặt đời sống xã hội theo pháp luật. 

Các tin cùng chuyên mục: