•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Cách tiếp cận và các vấn đề cần lưu ý khi nghiên cứu về chính sách pháp luật hiện nay”

04/07/2022
Tọa đàm diễn ra ngày 28/06/2022 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội. Người báo cáo là GS.TS. Võ Khánh Vinh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nhà nước và Pháp luật.

Tham gia tọa đàm có các Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, TS. Phạm Thị Thúy Nga và TS. Nguyễn Linh Giang; Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, TS. Trần Văn Biên và đông đảo nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh

 

Mở đầu, GS.TS. Võ Khánh Vinh giới thiệu khái niệm và quan điểm của ông về chính sách, chính sách pháp luật và pháp luật hiện nay. Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, các nội dung chính của chính sách pháp luật là: (i) Xây dựng cơ chế điều chỉnh pháp luật có hiệu quả; (ii) Thể hiện việc sử dụng có văn minh các công cụ pháp luật; (iii) Xác định công cụ pháp luật để điều chỉnh chính sách; (iv) Xác định mục tiêu của chính sách pháp luật.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, chính sách pháp luật hoàn toàn có thể hệ thống được và hệ thống chính sách pháp luật sẽ làm nền tảng hình thành nên hệ thống pháp luật. Sau khi chỉ ra nội dung và mục tiêu của chính sách pháp luật, diễn giả đã nêu và phân tích các nhiệm vụ của chính sách pháp luật. Mọi chính sách pháp luật đều cần xác định nhiệm vụ cụ thể. Trong các nhiệm vụ này, cần xác định rõ thứ tự ưu tiên trước sau của mỗi nhiệm vụ. Khi nói đến chính sách pháp luật thì phải nói đến nền tảng quan điểm mang tính chính trị và pháp lý.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Theo đó, các nhiệm vụ cụ thể của chính sách pháp luật Việt Nam là:

  • Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo nền tảng Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh;
  • Lấy dân làm gốc, tất cả quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân;
  • Xây dựng hệ thống pháp luật nghiêm minh;
  • Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, cải cách tư pháp và bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân;
  • Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm sự thượng tôn của Hiến pháp.

Tiếp theo, GS.TS. Võ Khánh Vinh giới thiệu các phương tiện, các hình thức thể hiện và các loại, cấp độ của chính sách pháp luật. Trong đó, diễn giả nhìn nhận các cấp độ của chính sách pháp luật cụ thể là: (i) Chính sách pháp luật quốc tế của Việt Nam; (ii) Chính sách pháp luật của Việt Nam trong không gian cộng đồng ASEAN theo 3 trụ cột chính là an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội; (iii) Chính sách pháp luật quốc gia; (iv) Chính sách pháp luật vùng và địa phương; (v) Chính sách pháp luật so sánh.

 

TS. Đinh Thế Hưng, Trường phòng Luật Hình sự, trao đổi tại tọa đàm

 

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đinh Thế Hưng cám ơn GS.TS. Võ Khánh Vinh đã nhiệt tình giới thiệu và trao đổi khoa học về một chủ đề hay và thiết thực. Việc nghiên cứu chính sách pháp luật sẽ rút ra được phương pháp luận, xác định được vấn đề cốt lõi đã đúng, phù hợp hay chưa. Hiện nay, về chính sách pháp luật hình sự, phòng Luật Hình sự có ý tưởng nghiên cứu mô hình lý luận về một đạo luật về phòng chống tội phạm cũng như đạo luật về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hình sự. Để làm được này thì cần phải tiếp cận ở tầm chính sách pháp luật. Vì thế, buổi sinh hoạt khoa học này đã gợi mở rất nhiều cho hoạt động nghiên cứu trong thời gian tới của phòng.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên cho rằng, nội dung tọa đàm rất thiết thực với các nhà khoa học trong hoạt động nghiên cứu và mong muốn diễn giả giới thiệu về tiêu chí đánh giá chính sách pháp luật và mô hình phát triển chính sách pháp luật.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, có 03 tiêu chí đánh giá chính sách pháp luật, đó là: đánh giá theo mục tiêu (có đạt được không); gắn với giá trị, đặc điểm đặc trưng nhất và các chi phí bỏ ra.

 

Tọa đàm cũng nhận được các trao đổi, thảo luận của TS. Trần Văn Biên, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, ThS. Cao Việt Thăng, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và các nhà khoa học khác.

 

Phó Viện trưởng, TS. Phạm Thị Thúy Nga phát biểu

 

Tại tọa đàm, diễn giả cùng TS. Phạm Thị Thúy Nga và các nhà khoa học trong Viện cũng đã trao đổi, thảo luận về các chủ đề nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật trong thời gian tới. TS. Phạm Thị Thúy Nga cho biết, sắp tới Lãnh đạo Viện sẽ họp với Chi bộ và các nhà khoa học về định hướng phát triển và xác định kế hoạch hoạt động nghiên cứu của Viện trong giai đoạn tới.

Các tin cùng chuyên mục: