•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm trực tuyến Đề tài cơ sở “Những vấn đề lý luận và pháp luật về nhóm quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay”

21/09/2021
Ngày 14/9/2021, Đề tài cơ sở do ThS. Bùi Thị Hường là chủ nhiệm với chủ đề “Những vấn đề lý luận và pháp luật về nhóm quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức sinh hoạt khoa học. Thành viên còn lại của đề tài là ThS. Trần Thị Loan.

Kết cấu của đề tài gồm 3 chương:

  • Những vấn đề lý luận về nhóm quyền văn hóa;
  • Pháp luật về nhóm quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay;
  • Một số giải pháp bảo đảm thực hiện nhóm quyền văn hóa ở Việt Nam hiện nay.

Căn cứ theo luật nhân quyền thế giới, nhóm quyền văn hóa được phân loại thành: quyền được học tập (còn gọi là quyền giáo dục) và quyền được tham gia vào đời sống văn hóa và hưởng các thành tựu khoa học; quyền được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật. Các quyền này được ghi nhận tại Điều 26, 27 Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát của Liên Hợp Quốc năm 1948 và Điều 13, 14, 15 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966 (ICESCR). 

 

Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các quyền văn hóa, bao gồm: (i) quyền học tập; (ii) quyền nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng tạo văn hoá nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; (iii) quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; (iv) quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (từ Điều 39 đến Điều 42).

 

Theo đó, đề tài đưa ra khái niệm quyền văn hóa là các quyền con người trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm quyền được giáo dục, quyền tham gia vào đời sống văn hóa, quyền được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học nghệ thuật nào của mình, quyền được hưởng lợi ích của các thành tựu khoa học, quyền tự do nghiên cứu khoa học và các hoạt động sáng tạo; được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế.

 

ThS. Trần Thị Loan cũng đã phân tích đặc điểm (chủ thể quyền, các điều kiện về sự tuân thủ của các thành viên ICESCR), nội dung của nhóm quyền văn hóa, nguyên tắc thực hiện quyền và các quy định về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền.

 

Tiếp theo, ThS. Bùi Thị Hường đã trình bày các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về nhóm quyền văn hóa; thực tiễn triển khai, thi hành pháp luật và thiết chế bảo đảm, bảo vệ nhóm quyền văn hóa.

 

Về quyền giáo dục, chúng ta đã đạt được một số thành tựu nhất định. Nhà nước đã tiến hành các biện pháp để đảm bảo việc phổ cập giáo dục cho người dân; kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng trong giáo dục công lập và tư thục, bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho các nhóm yếu thế (trẻ em vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật,…). Chúng ta cũng đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục: chương trình đổi mới sách giáo khoa, đổi mới các kỳ thi chất lượng cuối khóa. Hiện nay, do đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra rất phức tạp ở nhiều địa phương, Chính phủ đã nhanh chóng phát động và triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để đảm bảo việc học tập trực tuyến cho các em học sinh không bị ngắt quãng với việc trang bị máy tính và ổn định đường truyền Internet.

 

Tuy nhiên, ngoài những thành tựu và mặt tích cực trên, chúng ta còn một số hạn chế. Người dân vẫn phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính khi tiếp cận giáo dục, chất lượng giáo dục đôi khi không thể hiện thực chất,…

 

Về quyền nghiên cứu khoa học công nghệ, nhiều công trình, sản phẩm tiêu biểu đã được thế giới ghi nhận, Nhà nước cấp bằng sáng chế và áp dụng, thực hiện trong cuộc sống ở các lĩnh vực y học, nông nghiệp, công nghệ và nhiều lĩnh vực khác.

 

Sau đó, ThS. Bùi Thị Hường đã đề xuất một số giải pháp đảm bảo thực hiện nhóm quyền văn hóa, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân về nhóm quyền văn hóa, bảo đảm các điều kiện kinh tế - xã hội để thực hiện quyền và một số giải pháp pháp lý.

 

Trao đổi tại tọa đàm, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, về mặt nội dung chưa có sự gắn kết mang tính logic giữa Chương 1 và Chương 2 mặc dù phần trình bày về lý luận và đánh giá thực tiễn triển khai, thi hành pháp luật là khá đầy đủ. Đề tài cần đánh giá việc thực thi các quy định của pháp luật dựa trên các điều kiện mà Liên hợp quốc đưa ra. Ví dụ, về tính sẵn có và tính có thể tiếp cận, pháp luật Việt Nam đã có quy định chưa, nếu có thì thực tiễn áp dụng thế nào?

 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, về mặt lý luận, khi nói đến đặc điểm của nhóm quyền văn hóa thì cần so sánh với các nhóm quyền khác như nhóm quyền CT-XH để nhìn nhận nhóm quyền văn hóa là quyền thuộc dạng tuân thủ, bảo đảm hay bảo vệ; nếu có tính đặc thù thì được ghi nhận trong các quy định pháp luật hay thực tiễn thực hiện.

 

Ngoài ra, đề tài cũng nhận được những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Lê Mai Thanh, PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn, ThS. Nguyễn Thanh Tùng, ThS. Nguyễn Tiến Đức và các nhà khoa học khác.

Các tin cùng chuyên mục: