•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

31/07/2020
Ngày 20/7/2020, Ban chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ “Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức tọa đàm tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật. Đề tài do TS. Phan Thanh Hà là chủ nhiệm. Các thành viên đề tài và một số chuyên gia đã được mời tham gia tọa đàm.

TS. Phan Thanh Hà, Chủ nhiệm Đề tài (giữa)

 

Phát biểu mở đầu, TS. Phan Thanh Hà cho biết, trong thời gian qua, Đề tài đã triển khai và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, cũng như các yêu cầu về nội dung và hình thức đối với các sản phẩm của Đề tài (gồm các chuyên đề và các bài báo). Hiện nay, Ban chủ nhiệm đề tài đang trong giai đoạn tập hợp các sản phẩm nghiên cứu từ các chuyên gia và triển khai viết Báo cáo tổng hợp, chuẩn bị cho việc nghiệm thu đề tài sắp tới. Mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân không chỉ là quyền và nghĩa vụ giữa hai bên mà là mối quan hệ chính trị - pháp lý quan trọng nhất ở bất kỳ quốc gia nào.

 

Chủ nhiệm đề tài mong muốn các thành viên và chuyên gia tập trung thảo luận, củng cố thêm các vấn đề: làm rõ bản chất, nội dung mối quan hệ; tiêu chí để đảm bảo thực hiện mối quan hệ; những thay đổi trong quan niệm về mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, vai trò của Nhà nước trong bối cảnh mới (chính phủ điện tử, các trường hợp khẩn cấp); các cách tiếp cận để phân tích, làm rõ thực trạng mối quan hệ ở Việt Nam hiện nay; các giải pháp đổi mới và hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) trình bày về lịch sử mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Đây là mối quan hệ biện chứng hai chiều thay đổi theo không gian và thời gian chịu sự chi phối của tư tưởng. Tác giả đã nghiên cứu so sánh mối quan hệ giữa các thời kỳ cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại ở phương Đông và phương Tây. Mỗi nhà nước đều có những sáng tạo để thực hiện việc giám sát quyền lực. Ví dụ như Nhà nước Athen liên tục có những cuộc cải cách làm cho quá trình dân chủ hoá phát triển cao, qua đó thay đổi mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Nhìn chung, ở các nước phương Tây thì người dân đóng vai trò mạnh mẽ, vị thế của người dân luôn có sự tác động vô cùng lớn, hình thành và biến đổi Nhà nước.

 

Với Nhà nước Việt Nam, mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mang tính cai trị là chủ yếu. Lịch sử phụ thuộc vào tương quan giữa Nhà nước và dân, đó là vị thế của nhà vua. Tư tưởng Phật giáo và Nho giáo cũng ảnh hưởng đến tính chất của mối quan hệ này. Nếu vua không anh minh, không phải là vị minh quân thì đất nước sẽ loạn lạc, ảnh hưởng đến nhà nước, pháp luật. Nhà nước thời kỳ này không lắng nghe những tư tưởng cách tân từ những nhà tư tưởng như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thư…

 

PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn (phải) và PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương

 

Từ những phân tích trên, PGS.TS. Nguyễn Minh Tuấn đề xuất một số gợi mở nhằm hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam, đó là:

  • Chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác;
  • Cơ chế Nhà nước chịu trách nhiệm trước nhân dân trong bối cảnh toàn càu hóa;
  • Nhận thức lại vai trò của Nhà nước và thúc đẩy vai trò của công dân;
  • Sáng kiến đối tác chính phủ mở; tăng cường sự giám sát tuân thủ và tính pháp quyền của Nhà nước và công dân;
  • Coi trọng và nâng cao trình độ năng lực, thái độ phục vụ của cán bộ công chức Nhà nước.

Bàn về khái niệm công dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, khái niệm công dân được xác định khi gắn liền với khía cạnh pháp lý. Đề tài cần tìm hiểu rõ khi nào khái niệm công dân xuất hiện và trong lịch sử mang đặc thù gì. Ngoài ra, PGS.TS. Hương góp ý đề tài cần tập trung lý giải độ vênh trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân khi lý thuyết về mối quan hệ này thể hiện ở phương diện bình đẳng, đồng trách nhiệm với quan hệ phục vụ mà công dân là chủ.

 

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Phan Trung Lý đồng ý với PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương về ý kiến cần làm rõ khái niệm công dân bắt đầu được xác định từ khi nào, cần phân biệt các khái niệm giữa nhân dân, công dân và dân. Theo ông, hiện nay, công dân được đề cao và làm rõ hơn. Hiến pháp năm 2013 có một chương xác định rõ quyền và nghĩa vụ của công dân. Nhà nước phải coi công dân là đối tượng phục vụ của mình. Mối quan hệ này phải công khai, minh bạch và cần được luật định.

 

GS.TS. Phan Trung Lý trao đổi tại tọa đàm

 

Theo GS.TS. Phan Trung Lý, đặc điểm của mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân gồm có:

  • Quan hệ tuân thủ nguyên tắc tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội;
  • Quan hệ bình đẳng dưới góc độ là chủ thể của pháp luật;
  • Quan hệ phục vụ: Nhà nước phục vụ công dân và ngược lại;
  • Quan hệ bảo hộ: Nhà nước bảo hộ công dân.

Thảo luận tại tọa đàm, NCV. Lê Quang Thưởng (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho rằng, về mặt bản chất, đây là mối quan hệ mang tính pháp lý: quyền và nghĩa vụ của các bên, phương thức điều chỉnh. Đề tài có thể chia theo đặc điểm của mối quan hệ, đó là: ủy quyền; uy quyền và phục vụ.

 

Ngoài ra, TS. Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và Pháp luật) cũng đưa ra sáng kiến khi chia mối quan hệ này thành 2 loại: quan hệ công và quan hệ tư. Quan hệ công trong luật hình sự dường như không có sự bình đẳng giữa Nhà nước và công dân. Tuy nhiên, một số nước phương Tây đang mềm hóa luật hình sự với thỏa thuận nhận tội, tranh tụng được coi trọng hơn. Những quy định này giúp các bên bình đẳng hơn.

 

NVC. Lê Quang Thưởng (áo sẫm) và TS. Đinh Thế Hưng (thứ hai từ trái sang)

 

Ngoài những phần trao đổi trên, tọa đàm cũng lắng nghe các tham luận:

  • Những yếu tố tác động tới mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân (ThS. Lê Thương Huyền);
  • Chính sách pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (ThS. Nguyễn Thanh Tùng);
  • Bối cảnh và nhu cầu hoàn thiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân ở Việt Nam hiện nay (ThS. Mai Minh Ngọc).

Tại tọa đàm, đề tài cũng nhận được những ý kiến của PGS.TS. Vũ Thư và ThS. Cao Việt Thăng (Viện Nhà nước và Pháp luật).

 

Phát biểu kết thúc tọa đàm, TS. Phan Thanh Hà cám ơn những trao đổi, góp ý, gợi mở quý báu của các nhà khoa học về nội dung cũng như cách thức triển khai đề tài. Chủ nhiệm đề tài khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến này để hoàn thiện, cùng các thành viên triển khai đề tài theo đúng tiến độ và đạt được kết quả tốt nhất.

Các tin cùng chuyên mục: