•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Văn kiện Đại hội XI của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

25/08/2011
Ngày 23 tháng 8 năm 2011, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Văn kiện Đại hội XI của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.


Tham dự hội thảo có các đại biểu là các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, các học viện và các trường đại học. GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì Hội thảo.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, phát biểu khai mạc Hội thảo, khẳng định: Từ góc độ của mình, những người làm công tác nghiên cứu lý luận và khoa học xã hội đã tham gia vào việc xây dựng luận cứ khoa học, luận cứ cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Đảng hoạch định đường lối chung cũng như những vấn đề then chốt trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội; đưa ra một số dự báo khoa học về các vấn đề cơ bản trong sự vận động và phát triển của đất nước trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp đó, công tác nghiên cứu lý luận và khoa học xã hội vẫn còn tồn đọng một số hạn chế, khiếm khuyết nhất định đòi hỏi cần phải có những đóng góp tích cực hơn nữa vào việc tuyên truyền, luận giải, cụ thể hoá những đường lối, chủ trương của Đảng về mọi lĩnh vực được nêu ra trong Văn kiện Đại hội XI, góp phần đưa Nghị quyết của Đảng thấm sâu vào thực tiễn cuộc sống; phát hiện và giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra từ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Báo cáo đề dẫn do PGS.TS. Vũ Văn Phúc, trình bày, nêu rõ: Đây là dịp để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các văn kiện Đại hội XI của Đảng; đồng thời, là diễn đàn khoa học để các đồng chí lãnh đạo, các nhà lý luận, nhà khoa học trao đổi, thảo luận làm rõ hơn cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn những vấn đề cốt yếu và mới trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng.

Với trên 60 tham luận gửi tới Hội thảo, theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc, đây là một khối lượng tham luận lớn. Nhiều tham luận có hàm lượng lý luận và khoa học cao, nội dung sâu sắc, chủ đề phong phú, mới mẻ về tư duy. Các tham luận tập trung phân tích, trao đổi về những nội dung chủ yếu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung,  phát triển năm 2011); những vấn đề trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và những vấn đề cơ bản trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Hội thảo tập trung thảo luận một số chủ đề chính sau:

Thứ nhất: Đánh giá 5 năm thực hiện nghị quyết Đại hội X của Đảng; nhìn lại 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010; 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và những bài học kinh nghiệm lớn cần rút ra.

Thứ hai: Về bối cảnh quốc tế và tình hình đất nước; những nhận định, đánh giá về thời đại ngày nay trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng; đặc điểm, xu thế và biểu hiện mới của các mẫu thuẫn cơ bản của thời đại.

Thứ ba: Về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: tính tất yếu của thời kỳ quá độ; mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ; các phương hướng cơ bản cơ bản và các mối liên hệ lớn cần quan tâm giải quyết trong thời kỳ quá độ, đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư: Về quan điểm phát triển, mục tiêu và các khâu đột phá trong Chiến lược 10 năm tới.

Thứ năm: Những định hướng lớn về phát triển kinh tế.

Thứ sáu: Về vấn đề phát triển văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thứ bảy: Về hệ thống chính trị và xây dựng Đảng.

Hội thảo đã phân tích làm rõ các nội dung: Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; kết hợp chặt chẽ và hợp lý giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá – xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển toàn diện con người, con người là trung tâm đồng thời là chủ thể của chiến lược phát triển; vấn đề dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; vấn đề Đảng cầm quyền; xây dựng chỉnh đốn Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng; kiện toàn tổ chức bộ máy Đảng và hệ thống chính trị…

(Nguồn: http://www.vass.gov.vn)

Các tin cùng chuyên mục: