•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp đoàn Trung tâm Nhân quyền Na Uy

21/08/2014
Chiều ngày 14/8/2014, tại Hội trường 27 Trần Xuân Soạn, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tiếp đoàn đến từ Trung tâm Nhân quyền Na Uy (NCHR), Đại học Oslo, Na Uy.

Nội dung của buổi trao đổi gồm có 2 vấn đề chính:
    -    Đánh giá tác động hoạt động chương trình của Trung tâm Nhân quyền Na Uy đã triển khai trong thời gian qua tại Việt Nam
    -    Tham vấn ý kiến về hoạt động chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Về phía Trung tâm Nhân quyền Na Uy có GS. Mark Sidel – Đại học Wisconsin Madison (Hoa Kỳ), chuyên gia tư vấn độc lập của NCHR, bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn, chuyên viên của NCHR tại Việt Nam.

 

GS. Mark Sidel (ngoài cùng bên phải) và bà Nguyễn Thị Mẫu Đơn (áo trắng).

 

Phát biểu tại buổi gặp, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho biết Viện Nhà nước và Pháp luật là đối tác thân thiết của Trung tâm Nhân quyền Na Uy, giữa hai bên đã hợp tác tổ chức các hoạt động chuyên môn và đào tạo. Ngoài các hội thảo quốc tế, hai bên cũng đã tổ chức các khóa học ngắn hạn cũng như dài hạn tìm hiểu về nhân quyền. Đây là những cơ hội để chúng tôi được giao lưu, học hỏi với các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các nhà khoa học Na Uy.

Hiện nay, bên cạnh việc nghiên cứu, phát triển nhân quyền ở Việt Nam, một nhiệm vụ quan trọng nữa mà Viện Nhà nước và Pháp luật cần thực hiện đó là đưa các quy định của pháp luật về quyền con người vào cuộc sống. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục hợp tác với NCHR về việc bảo đảm thực thi Hiến pháp về quyền con người; tuyên truyền, làm rõ hơn nữa thực tiễn ở Việt Nam để tác động đến việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát (bìa phải) và PGS.TS. Phạm Hữu Nghị (bìa trái).

 

Trao đổi tại buổi gặp, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị nhấn mạnh việc ghi nhận và sửa đổi, bổ sung cơ bản nội dung của Chương II về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân là một bước tiến mới của việc thúc đẩy bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Việt Nam đang thực hiện tổng rà soát các văn bản quy phạm pháp luật xem có phù hợp với các quy định của Chương II từ đó đưa ra các kiến nghị để ban hành mới, sửa đổi hoặc bổ sung. Tuy nhiên, về nhận thức hiện nay đang có những tranh luận, đó là những vấn đề như: hạn chế quyền con người, quyền công dân theo luật định; cơ chế thực thi quyền con người; chưa minh định hóa các quyền dân sự - chính trị. Đây cũng là những vấn đề mà PGS.TS. Phạm Hữu Nghị mong muốn trong thời gian tới hai bên tiếp tục hợp tác, nghiên cứu.

Về phía đoàn Na Uy, GS. Mark Sidel nhận định, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam đã tích cực tham gia vào việc xây dựng Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin nhưng hai đạo luật khác là Luật Biểu tình và Luật Trưng cầu ý dân chưa được quan tâm lắm. Cơ quan nào hiện phụ trách việc soan thảo và tổ chức tham vấn hai đạo luật này? Trả lời GS. Mark Sidel, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho biết Luật Biểu tình do Bộ Công an phụ trách xây dựng, Luật Trưng cầu ý dân do Hội Luật gia thực hiện. Theo trình tự làm luật, các dự thảo luật đều được đưa công khai trên trang mạng điện tử để lấy ý kiến của người dân nên Viện Nhà nước và Pháp luật và NCHR hoàn toàn có thể hợp tác để thảo luận về hai đạo luật này.

Kết thúc buổi gặp, GS. Mark Sidel cám ơn các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật đã nhiệt tình thảo luận và hứa sẽ trao đổi với lãnh đạo NCHR những đề xuất của Viện Nhà nước và Pháp luật về các lĩnh vực, chủ đề có thể hợp tác trong thời gian tới giữa hai bên.