•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Lời điếu Cụ cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe

14/02/2011
(Do Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban tang lễ, đọc tại lễ truy điệu Cụ Vũ Đình Hòe, ngày 11/2/2011, tại Nhà Tang lễ Tp.Hồ Chí Minh)

Kính thưa các đồng chí và các bạn! 
Kính thưa các Cụ, các ông, các bà!
Kính thưa Cụ Bà Nguyễn Thị Trường cùng toàn thể thân quyến của Cụ Vũ Đình Hòe!
Kính thưa bà con nội ngoại, thông gia, bạn bè thân hữu gần xa!
 

    Hôm nay, với tâm trạng đau buồn và thương tiếc, chúng ta tập trung tại đây để tiễn đưa một công dân lão thành ưu tú, một trí thức lớn của dân tộc trong thế kỷ XX – Cụ Vũ Đình Hòe, cố Bộ trưởng Quốc gia giáo dục của Chính phủ nhân dân lâm thời, cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về nơi an nghỉ cuối cùng. Do tuổi cao, sức yếu, mặc dù được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của các Bác sĩ và gia đình, Cụ Vũ Đình Hòe đã về với tổ tiên vào hồi 9 giờ 20 phút ngày 29/01/2011 tại bệnh viện Chợ Rẫy, Tp.Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi.

    Cụ Vũ Đình Hòe sinh năm Nhâm Tý, nguyên quán: Thúc Kháng, Bình Giang, Hải Dương, trong một gia đình truyền thống nho học. Tiếp thu một cách tự nhiên chí hướng của tổ tiên, anh thanh niên nhà nghèo Vũ Đình Hòe đã phấn đấu theo học tại Khoa Luật, Đại học Đông Dương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Đông Dương, Cụ dạy học tại hai trường tư thục Thăng Long và Gia Long tại Hà Nội. Năm 1941, nhà trí thức trẻ Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm tờ báo “Thanh Nghị”, năm 1943 Cụ tham gia hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ. Ngày 23/11/1944 tại Đại hội Truyền bá quốc ngữ Bắc kỳ, Cụ được bầu làm Phó hội trưởng của Hội; Tháng 7/1945, Cụ được kết nạp vào Đảng Dân chủ Việt Nam và cho đến năm 1988, Cụ giữ chức vụ Ủy viên BCH Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam. Tháng 8/1945, Cụ được cử giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Nhân dân lâm thời khi mới 32 tuổi. Ngày 6/1/1946, Cụ được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I và từ tháng 3/1946 được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến đến tháng 9/1960. Từ tháng 9/1960, Cụ chuyển về công tác tại Tổ Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, tiền thân của Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội VN  cho đến khi về hưu vào năm 1975. 

    Kính thưa các Quý vị! 
    Cuộc đời của nhà trí thức yêu nước Vũ Đình Hòe là cuộc đời phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi, cống hiến cho nhân dân, cho cách mạng, vì một Việt Nam độc lập, tự cường, dân chủ, đoàn kết và phồn vinh. 
    
    Là một người đỗ đạt khá sớm, nhà trí thức trẻ tuổi Vũ Đình Hòe sớm xác định cho mình một lý tưởng sống cao đẹp mà nhiều thanh niên ưu tú và yêu nước thuộc thế hệ ông đã hướng tới là chung tay góp sức đẩy mạnh việc nâng cao dân trí, đưa đất nước thoát cảnh lầm than nô lệ. Vì thế, tốt nghiệp đại học, tân cử nhân luật Vũ Đình Hòe đã chọn con đường thanh bạch là dạy học tại hai trường tư thục Thăng Long và Gia Long tại Hà Nội. Cùng các đồng nghiệp có uy tín như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai,… nhà giáo Vũ Đình Hòe đã góp phần đào tạo lớp lớp thanh niên ưu tú, có trình độ văn hóa vững vàng và tinh thần yêu nước sâu nặng. Tiếp nối truyền thống “trung với dân” và “lo cho dân” của lớp sĩ phu tiền bối, gắn liền sự nghiệp trồng người với chấn hưng văn hóa - xã hội, Cụ Vũ Đình Hòe tham gia tích cực vào phong trào sinh viên, đưa ánh sáng tri thức tới vùng nông thôn còn tăm tối. Cụ chính là người đã đưa ra lời hô hào năm 1941: “Anh em thanh niên! Đã đến lúc chúng ta về làm việc làng!”. Bản thân Cụ tích cực hoạt động trong phong trào Truyền bá Quốc ngữ. Với tư cách Phó chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc Kỳ, Cụ đã đóng góp tích cực trong việc mở lớp, biên soạn tài liệu giáo khoa cho người lớn học – tất cả vì “Một nền giáo dục bình dân”, như tên gọi công trình tâm huyết của Cụ về giáo dục cho quần chúng cần lao.

    Ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc “nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí” và cũng là để tập hợp giới trí thức có tư tưởng dân tộc, dân chủ, sẵn sàng dấn thân cứu nước, năm 1941, ở tuổi 29 Cụ Vũ Đình Hòe đã cùng một nhóm bạn bè chí cốt như luật sư Phan Anh, Vũ Văn Hiền, nhà giáo Đỗ Đức Dục,… sáng lập báo “Thanh Nghị”, tập hợp hàng trăm cây bút có uy tín, tài năng và đức độ thuộc các thế hệ. Dưới sự điều hành linh hoạt và uyển chuyển của Cụ, nhiều bài viết trong 120 số báo “Thanh Nghị” đã cung cấp cho giới trí thức Việt Nam lúc đó những hiểu biết đúng đắn, cần thiết, đặc biệt về hiện trạng của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, để nhằm nhắc nhở mọi người quan tâm đến vận mệnh của đất nước.

    Thông qua những hoạt động yêu nước tiến bộ, Cụ Vũ Đình Hòe đã tiếp cận một số chiến sĩ cộng sản như Vũ Quý, Nguyễn Hữu Đang, Lê Trọng Nghĩa, Dương Hồng,… được họ dẫn dắt gia nhập Mặt trận Việt Minh cuối tháng 6/1945, rồi với tư cách ủy viên BCH Trung ương Đảng Dân chủ Việt Nam, Cụ được cử lên chiến khu Việt Bắc tham dự Quốc dân đại hội Tân Trào chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

    Trong thời gian 6 tháng làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ Nhân dân lâm thời, dưới sự chỉ đạo của Hồ Chủ tịch, Cụ đã làm được những việc mang “tính tạo nền” cho hệ thống giáo dục mới như: lập “Nha bình dân học vụ” và thanh toán nạn mù chữ, khai giảng Đại học Việt Nam giảng dạy bằng tiếng Việt, thành lập Đại học Văn khoa – tiền thân của Đại học Sư phạm, để đào tạo giáo viên cho nền giáo dục mới, trình Đề án cải cách giáo dục… Nhờ những đổi mới triệt để ấy, ngành giáo dục non trẻ ngay từ những ngày đầu độc lập đã dồi dào sức sống, tác động tích cực đến mọi mặt hoạt động của đất nước. Có thực tiễn giảng dạy, Cụ Vũ Đình Hòe còn quan tâm nghiên cứu các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đề xuất trong những công trình Cụ viết về giáo dục học những ý tưởng sư phạm cấp tiến đương thời như “giáo dục vị nhân sinh”, “rèn đúc tính khí” (tức nhân cách), “định hướng thực nghiệp”, “bổ cứu học vấn suốt đời”… mà ngày nay chúng ta nhìn lại vẫn thấy còn giá trị thời sự. 

    Khi công việc ở ngành giáo dục đang hanh thông, sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I – nơi mà đại biểu Quốc hội Vũ Đình Hòe luôn làm tốt nhiệm vụ đại biểu nhân dân, Hồ Chủ tịch đã điều động ông sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp – nơi đang ngổn ngang những khó khăn và công việc trong sự nghiệp khởi xướng một nền tư pháp tiến bộ, dân chủ nhân dân. Trong suốt 15 năm (1946 - 1960) đứng mũi chịu sào ở lĩnh vực nóng bỏng này, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe luôn luôn quán triệt tư tưởng pháp quyền Nhân Nghĩa Hồ Chí Minh, kiên trì quan điểm tư pháp nhân dân và nguyên tắc tư pháp độc lập với hành chính, được ghi trong Hiến pháp 1946. Trong xử lý công việc, Cụ tỏ ra có bản lĩnh, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải và pháp luật. Nhờ vậy, Cụ đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng nền móng tư pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Năm 1960, theo Hiến pháp 1959, Bộ Tư pháp được giải thể, Cụ Vũ Đình Hòe được điều về làm chuyên viên tại Tổ Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước, tiền thân của Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội cho đến khi về hưu vào năm 1975. Đã biết tiếng Pháp, tiếng Anh, Cụ tự học thêm tiếng Nga để phục vụ công tác nghiên cứu pháp luật. Nhờ đó, Cụ chủ động đi sâu nghiên cứu những lĩnh vực pháp lý còn mới mẻ ở nước ta như dân luật, hợp đồng kinh tế, trọng tài kinh tế; đi giảng bài và viết nhiều công trình phục vụ công cuộc xây dựng nền pháp lý và kinh tế của nước nhà. Hiện nay, những công trình khoa học pháp lý của nhà khoa học Vũ Đình Hòe vẫn được lưu trữ đầy đủ tại Viện Nhà nước và Pháp luật và vẫn được các thế hệ kế tiếp Cụ tìm đọc với niềm kính trọng.

    Từ sau Đại hội Đảng năm 1986, Cụ Vũ Đình Hòe lại tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Chuyển vào sống ở Tp.Hồ Chí Minh, Cụ tham gia biên soạn các công trình lý luận phục vụ công cuộc Đổi mới do Ban Khoa học xã hội Thành ủy chủ trì; làm cố vấn pháp luật cho một số dự án, tham dự và viết tham luận cho các hội thảo khoa học của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bảo tàng Hồ Chí Minh về tư tưởng pháp lý và giáo dục của Hồ Chủ tịch.

    Từ năm 1991, sau nhiều lần lưỡng lự, Cụ Vũ Đình Hòe bắt đầu chấp bút các cuốn sách Hồi ký Thanh Nghị, Hồi ký Vũ Đình Hòe và Pháp quyền Nhân Nghĩa Hồ Chí Minh, phản ánh tâm nguyện cả cuộc đời phấn đấu liên tục của một trí thức vì dân vì nước, để lại cho hậu thế những bài học về lẽ sống.

    Kính thưa các đồng chí và các bạn!
    Thưa tang quyến!

    Để ghi nhận và tri ân những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Nhà nước Việt Nam mới, Cụ Vũ Đình Hòe đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

    Thưa các quí vị, các đồng chí và các bạn!
    Cụ Vũ Đình Hòe ra đi, ngành Giáo dục và Tư pháp Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo tiền bối tài ba, đồng nghiệp mất đi một nhà nghiên cứu nghiêm túc và khiêm nhường và một người bạn lớn chân tình; gia đình mất đi một người chồng, người cha, người ông mẫu mực, nhân từ. Các con của Cụ - trai gái, dâu rể - mất đi người cha, người thầy mà bằng cuộc đời gương mẫu đã dạy dỗ họ nên người và thành đạt trong cuộc sống. Các cháu, chắt nội ngoại của Cụ luôn khắc sâu trong trí nhớ tuổi thơ về một người Cụ, người ông nhân từ và phúc hậu. Họ Vũ mất đi một cây đại thụ - niềm tự hào của dòng tộc. Bà con láng giềng ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh, mất đi một pho lịch sử cách mạng nước nhà thế kỷ XX, một công dân mẫu mực, chân thành.

    Kính thưa Cụ Bà Nguyễn Thị Trường!
    Trong giờ phút đau thương này, trước linh cữu cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, xin chân thành chia sẻ đau thương vô hạn mà Cụ đang chịu đựng khi phải vĩnh biệt người bạn đời chung thủy đã gắn bó với Cụ trong suốt 75 năm trời. Nhưng Cụ cùng các thành viên gia đình có thể dịu lòng phần nào vì đối với tất cả chúng ta, Cụ Vũ Đình Hòe tuy đã đi xa nhưng những gì Cụ để lại khiến chúng ta như thấy Cụ vẫn đồng hành với đất nước hôm nay. Những đóng góp to lớn, công lao xây dựng đất nước, những công trình khoa học và giá trị tinh thần mà Cụ để lại vẫn luôn là một tấm gương yêu nước nồng nàn vượt lên gian lao mà cống hiến, không ngừng học hỏi để làm việc hiệu quả, thủy chung với gia đình và bè bạn.

    Kính thưa Cụ cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe! 
    Cụ đã hoàn thành xuất sắc, nghĩa với nước, hiếu với dân, trách nhiệm với dòng tộc và gia đình, Cụ hãy thanh thản về với tổ tiên, với Bác Hồ! Xin kính chúc Cụ Vũ Đình Hòe luôn bình yên ở thế giới bên kia.
    Tôi xin trân trọng đề nghị tất cả chúng ta dành một phút tưởng niệm Cụ cố Bộ trưởng Vũ Đình Hòe kính mến.