•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Báo cáo tiến độ thực hiện luận án “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam” của NCS. Bùi Đức Hiển

17/10/2014
Sáng ngày 2/10/2014, tại Viện Nhà nước và Pháp luật, NCS. Bùi Đức Hiển – nghiên cứu viên phòng Pháp luật Môi trường đã báo cáo tình hình thực hiện luận án “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam”. Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật.

Tác giả đã bảo vệ xong phần tổng quan của luận án và được Hội đồng thông qua. Thời gian thực hiện luận án trong 3 năm, từ tháng 6/2012 đến tháng 6/2015.

 

Kết cấu của luận án gồm 4 chương:

Chương 1: Tổng quan pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam;

Chương 2: Những vấn đề lý luận về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam;

Chương 3: Thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam;

Chương 4: Định hướng hoàn thiện pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam.

 

Trong Chương 2, tác giả sẽ phân tích, làm rõ các vấn đề sau:

- Khái niệm, đặc điểm, vai trò của việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí;

- Tiêu chí điều chỉnh pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí;

- Nội dung các quy định của pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí trong các công ước quốc tế từ đó đưa ra quan điểm so sánh.

 

Chương 3 của luận án gồm các nội dung chính sau:

- Quy định của pháp luật về các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí;

- Đánh giá các quy định của pháp luật về chủ thể hoạt động đánh giá tác động môi trường; quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu nguồn thải;

- Quy định về trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong kiểm soát nguồn thải, khắc phục và cải thiện môi trường không khí;

- Đánh giá về thực trạng pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí qua những số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường.

 

Về tính cấp thiết của luận án, NCS. Bùi Đức Hiển cho biết, hiện nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ nội hàm của khái niệm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí; chu trình kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và mối quan hệ giữa ô nhiễm môi trường không khí với biến đổi khí hậu,… Vì thế, nghiên cứu sinh mong muốn kết quả khoa học của luận án sẽ là những đề xuất cơ bản cho việc hoàn thiện khung pháp lý về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam.

 

Về khái niệm, theo tác giả, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí là quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát, uốn nắn những tác động đến môi trường không khí nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường không khí. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường 2014 tại Điều 3 quy định kiểm soát ô nhiễm là quá trình phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý ô nhiễm.

 

Nhận xét về khái niệm mà nghiên cứu sinh đưa ra, PGS. Phạm Hữu Nghị cho rằng tác giả cần xác định rõ khái niệm về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, theo hướng như quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 hay theo quan điểm của mình. Trong Chương 3 ngoài việc phân tích các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường không khí (mang tính bắt buộc), NCS. Bùi Đức Hiển cần phân tích thêm về tiêu chuẩn môi trường không khí.

 

Về tiêu chí đặt ra với điều chỉnh pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị gợi ý người thực hiện luận án cần phân tích theo 2 hướng:

- Tiêu chí chung: Tính thống nhất, tính đồng bộ, tính khả thi, tính hiệu quả;

- Đặc thù: tính phòng ngữa rủi ro phát sinh, tính nhanh chóng kịp thời, tính dự báo.

 

Cũng bình luận về vấn đề này, TS. Mai Thanh cho rằng nếu lấy tiêu chí môi trường không khí trong sạch thì tác giả có thể phân tích thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn tiền ô nhiễm;

- Giai đoạn đảm báo môi trường chuẩn mực;

- Gia đoạn môi trường bị ô nhiễm và cách kiểm soát, khắc phục.