•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Hoàn thiện thể chế kinh tế đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững”

11/12/2023
Hội thảo do Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức, diễn ra ngày 01/12/2023 tại Hội trường tầng 2, trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Chủ trì hội thảo là TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện) và TS. Phạm Thị Hương Lan (Trưởng phòng Phòng Pháp luật Kinh tế).

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga (bìa trái) và TS. Phạm Thị Hương Lan đồng chủ trì hội thảo

 

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Phạm Thị Thúy Nga cho rằng, mục tiêu phát triển kinh tế là một trong những mục tiêu trọng tâm mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc, nút thắt của nền kinh tế, của thể chế cũng như đặt ra các định hướng, nhiệm vụ cho các bộ, ban, ngành trong thẩm định vai trò của doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân… Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về một nội dung trong quan điểm trên, đó là cần hoàn thiện thể chế kinh tế để đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững.

 

Hội thảo diễn ra với 04 tham luận được trình bày cùng những ý kiến trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan. Mở đầu là báo cáo “Giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững” của TS. Lê Thị Thu Hiền (Viện NC Phát triển Bền vững Vùng, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Thể chế kinh tế bao gồm hệ thống các quy tắc được đặt ra nhằm điều chỉnh động cơ và hành vi các chủ thể  trong việc sản xuất, trao đổi và phân phối của cải xã hội trong giới hạn các nguồn lực, nhằm hướng tới các mục tiêu đã định. Thể chế tạo ra môi trường ổn định, giảm tính bất định và rủi ro của các giao dịch kinh tế, đảm bảo các cơ chế thị trường diễn ra một cách hiệu quả bằng cách loại bỏ hoặc hạn chế các thất bại của thị trường, với mục tiêu là tạo một môi trường cho phép các tác nhân kinh tế cảm nhận được một mức rủi ro thích hợp khi tiến hành các hoạt động kinh doanh.

 

TS. Lê Thị Thu Hiền trình bày tham luận

 

Thể chế thiết lập các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư, tạo thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển bên cạnh việc cạnh tranh trong xã hội; tạo ra những kích thích quyết định loại hình, phạm vi và tầm mức của các hoạt động sản xuất của cải, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực và nâng cao phúc lợi xã hội. Qua việc phân tích số liệu, báo cáo nhận định chất lượng thể chế kinh tế ở Việt Nam còn ở mức thấp so với tương quan trong khu vực và thế giới, các chính sách còn nhiều chồng chéo, dàn trải và thiếu kết nối, trao quyển quá mức cho địa phương nhưng không đi kèm  giám sát và nguồn lực. Từ đó, tác giả đã chỉ ra nguyên nhân của những bất cập này và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế, đó là: (i) Xác định lại quan hệ giữa nhà nước với thị trường trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc thị trường; (ii) Đổi mới việc phân cấp quản lý giữa chính quyền trung ương và địa phương; (iii) Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; (iv) Tăng tính độc lập trong hoạt động của hệ thống tư pháp; (v) Mở rộng không gian hoạt động của các tổ chức xã hội.

 

Tiếp theo, TS. Phạm Thị Hương Lan trình bày tham luận “Hoàn thiện thể chế quan điểm của Đảng gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội nhằm mục tiêu phát triển bền vững”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nêu rõ cần bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc. Quan điểm của Đảng nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc sử dụng thể chế kinh tế để bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân. Đây là định hướng vô cùng quan trọng trong việc đề ra các chính sách pháp luật kinh tế và chính sách xã hội nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội,

 

Ngoài những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tác giả chỉ ra một số hạn chế và yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn như, hệ thống thể chế kinh tế chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Thể chế kinh tế có xu hướng khuyến kích kinh tế phát triển nhưng thiếu thiết chế bảo đảm bền vững và chưa gắn với các chính sách giảm nghèo. Việc quá chú trọng đến các chính sách ưu tiên công nghiệp hóa, đô thị hóa dẫn đến tăng trưởng nóng và hậu quả xã hội là phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng, các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp. Thể chế kinh tế hướng đến mục tiêu giảm nghèo chưa thực sự đi vào cuộc sống. Việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững vẫn còn những hạn chế, cần tập trung khắc phục, đó là tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

 

Để đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội, TS. Phạm Thị Hương Lan cho rằng, Nhà nước cần thể chế quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực nông thôn, giảm tình trạng di dân ngày càng nhiều ra các thành phố lớn; xây dựng thể chế về kinh tế và an sinh xã hội cần chú trọng tới các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững cùng một số kiến nghị khác.  

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày báo cáo nghiên cứu

 

Hội thảo sau đó lắng nghe báo cáo của TS. Bùi Đức Hiển về “Xây dựng, hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay”. Lần đầu tiên, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền con người đối với môi trường: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Điều này thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân về đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trên 3 trụ cột chính: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Tại Điều 50 Hiến pháp năm 2013, bảo vệ môi trường đã được ghi nhận là nhiệm vụ ưu tiên, trước cả công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Báo cáo đã đưa ra các quy định của pháp luật về phát triển bền vững trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Quy hoạch năm 2017…

 

Từ thực tiễn thực hiện các quy định pháp luật, TS. Bùi Đức Hiển chỉ ra các vấn đề chính nổi lên trong quá trình phát triển bền vững. Một trong số đó là chưa có sự thống nhất, nhất quán giữa quan điểm của Đảng về gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, pháp luật về gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường và thực tiễn thực hiện pháp luật về gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Từ đó, tác giả đưa ra các quan điểm nhằm nâng cao hiệu quả thể chế pháp lý gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường. Trong đó, đối với pháp luật bảo vệ môi trường, cần xây dựng hoàn thiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí cũng như các quy định pháp luật về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới xây dựng Luật Không khí sạch ở Việt Nam. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và các Ủy ban chuyên môn về phát triển bền vững, về phát triển xã hội, về tài nguyên môi trường, về giáo dục thì cần phải hoàn thiện quy định về cơ chế phối hợp giữa các Bộ, các Ủy ban chuyên môn này trong báo cáo, tham mưu cho Chủ tịch Hội đồng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề về phát triển bền vững mang tính đa ngành, liên ngành, xuyên ngành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, nhiều bộ ngành.

 

Một tham luận nữa được trình bày tại hội thảo là của TS. Nguyễn Thị Hường về  “Hoàn thiện pháp luật về kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Cùng với kinh tế xanh và kinh tế phát thải cac-bon thấp thì mô hình kinh tế tuần hoàn là chìa khóa để giải quyết nhu cầu về sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu và hưởng tới phát triển bền vững. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về kinh tế tuần hoàn còn mới và chưa đầy đủ mà biểu hiện rõ nhất là Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật điểu chỉnh riêng về phát triển bền vững về kinh tế tuần hoàn. Bài viết đưa ra khái niệm, đặc điểm chung và riêng của pháp luật về kinh tế tuần hoàn. Theo đó, pháp luật về kinh tế tuần hoàn là tổng thể các quy tắc, xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điểu chỉnh nôi dung về kinh tế tuần hoàn.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên (bìa phải) phát biểu bình luận

 

Bình luận về tham luận của TS. Phạm Thị Hương Lan, TS. Hoàng Kim Khuyên cho biết, Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW năm 2012 về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020, trong đó nội dung chủ yếu nói về an sinh xã hội với các vấn đề chính là việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ưu đãi xã hội. Tuy nhiên, chính sách xã hội trong nghị quyết của Đảng có sự khác biệt và chưa bám sát với 17 mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc thông qua năm 2015 (SDG). Vì thế, một trong các cơ sở để từ đó ban hành nghị quyết của Đảng về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2021 – 2030 là nghiên cứu về SDG.

 

Trao đổi về tham luận của TS. Bùi Đức Hiển, TS, Phạm Thị Hương Lan nhìn nhận quan điểm của tác giả khi cho rằng có những bất cập trong quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh tế. Nội dung pháp luật về kinh tế rất rộng, nếu lồng ghép vào các quy định về bảo vệ môi trường thì sẽ càng rộng hơn khi nội dung và mục tiêu của luật bảo vệ môi trường chiếm số lượng lớn và bao trùm trong nhiều lĩnh vực. Về ý kiến này, TS. Bùi Đức Hiển cho rằng, để có thể phát triển bền vững thì phải gắn với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Trên thực tế, hầu hết các hoạt động kinh tế gây ra ô nhiễm môi trường cho nên cần phải lồng ghép việc bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế. Chẳng hạn, một trong những điều kiện để phê duyệt dự án đầu tư thì cần đánh giá tác động môi trường.

 

Hội thảo cũng đón nhận những ý kiến khác về các vấn đề liên quan đến: quyền lợi của người dân khi xây dựng chính sách, pháp luật về phát triển bền vững; nôi dung và chủ thể thực hiện kinh tế tuần hoàn; các yếu tố tác động đến việc xây dựng, phát triển kinh tế tuần hoàn…