GS.TS. Võ Khánh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
Chương trình hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học đến từ: Viện Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Nghiên cứu Con người, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Từ điển học và Bách khoa thư, Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Chính trị Tp.Đà Nẵng... Lãnh đạo các Viện và các Ban trực thuộc Viện KHXH Việt Nam cũng đã tham dự hội thảo.
Hội thảo được tổ chức thành hai phiên: Buổi sáng trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhóm quyền dân sự, buổi chiều trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhóm quyền chính trị. GS.TS. Võ Khánh Vinh – Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam chủ trì hội thảo.
Hội thảo đón nhận 26 báo cáo khoa học, trong đó có 10 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến trao đổi trực tiếp tại hội thảo xoay quanh những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhóm quyền dân sự và chính trị, đó là:
-
Quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình – một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam;
- Quyền sở hữu trí tuệ - nhu cầu đảm bảo thực thi như loại quyền dân sự đặc biệt;
- Giới hạn quyền dân sự ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn;
- Cơ chế hoạt động tư pháp bảo đảm quyền dân sự ở Việt Nam;
- Cơ chế quốc tế bảo đảm quyền dân sự của con người;
- Quyền sống của con người ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn;
- Quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam: những vấn đề lý luận và thực tiễn;
- Quyền tham gia quản lý Nhà nước: những vấn đề lý luận và thực tiễn;
- Thực hiện quyền chính trị của những người yếu thế ở Việt Nam;
- Quyền con người trong bối cảnh toàn cầu hóa.Khi nói về cơ chế quốc tế bảo đảm quyền con người, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng nêu ra hai cấp độ bảo đảm ngoài cơ chế quốc gia: cơ chế toàn cầu và cơ chế khu vực. Cơ chế toàn cầu bảo đảm quyền con người được hình thành cùng với việc thành lập Liên hợp quốc, trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền và sau này là các công ước quốc tế khác về quyền con người. Cơ chế khu vực bảo đảm quyền con người, hiện đã được thiết lập tại Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Phi. Tại khu vực Đông Nam Á, Hội nghị cấp cao ASEAN ra Tuyên bố thành lập Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) vào ngày 23/10/2009. Tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm của các nước thành viên chung sức hỗ trợ hoạt động của AICHR với tinh thần hợp tác, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong phạm vi khu vực.
Tại hội thảo, GS.TS. Võ Khánh Vinh đã đưa ra hai vấn đề để các nhà khoa học cùng thảo luận, đó là: Giới hạn quyền dân sự và Quá trình phát triển của xã hội loài người trên mọi phương diện (khoa học công nghệ, y học, sinh học…) liên quan đến nhóm quyền dân sự như thế nào? Trao đổi tại Hội thảo, Ths. Nguyễn Linh Giang cho rằng, phẩm giá của con người bao giờ cũng được đề cao lên hàng đầu, đó chính là giới hạn quyền con người. Cũng theo Ths. Linh Giang, sự phát triển của xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quyền con người, đặc biệt là nhóm quyền dân sự. Chẳng hạn với người chuyển đổi giới tính, họ gặp phải rất nhiều thiệt thòi: có thể mất việc làm, làm thủ tục đi nước ngoài gặp khó khăn vì đã chuyển đổi giới tính,…
GS.TS. Võ Khánh Vinh khẳng định giới hạn của nhóm quyền dân sự nằm trong lợi ích của mỗi quốc gia, lợi ích của mỗi người và trong phẩm giá của con người. Nhóm quyền dân sự do sự phát triển của xã hội ngày nay được biểu hiện phong phú và mới mẻ hơn.
Trao đổi về bản chất pháp lý của quyền sống, PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh nói: Nghiên cứu quyền sống là nghiên cứu cái đã có, cái đã và đang tồn tại. Chỉ khi nào thấy rõ được “bản chất pháp lý của sự vật”, ở đây là quyền sống thì mới có khả năng tiến tới sự hoàn chỉnh về quy định của quyền này. Nhu cầu sống xuất hiện cùng với con người trên trái đất, thế nhưng nhu cầu tự nhiên và cơ bản này chỉ trở thành quyền con người sau khi Liên hợp quốc được thành lập. Theo ông, những nội dung pháp lý cụ thể của quyền sống là:
-
Nhu cầu sống của con người sinh ra phải được pháp luật ghi nhận;
- Chủ thể của quyền con người – quyền sống;
- Những trường hợp cần sự bảo vệ đặc biệt trong quá trình tự hiên của sự sống con người (trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có thai; người tàn tật; người già, yếu);
- Những trường hợp bất thường (tính mạng của dân thường và tù nhân chiến tranh; tính mạng của con người khi gặp sự cố môi trường);
- Những điều kiện sống không thể thiếu (thực phẩm, không khí trong lành, nước sạch).Trong bài tham luận “Thực hiện quyền chính trị của những người yếu thế ở Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Báo đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện quyền chính trị của nhóm người yếu thế: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền chính trị của nhóm yếu thế cho mọi công dân, đặc biệt là cán bộ và lãnh đạo các cơ quan Nhà nước; Tạo cơ hội bình đẳng cho người yếu thế trong tiếp cận và hưởng thụ quyền chính trị; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế cho người khuyết tật tham gia ứng cử và được bầu cử vào các cơ quan dân cử; Các tổ chức xã hội tham gia nhiều hơn vào các hoạt động góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền chính trị của người yếu thế, đặc biệt là việc phụ nữ tham gia lãnh đạo và ra quyết định ở các cấp, các ngành.
Kết thúc hội thảo, nhiều nhà khoa học cho rằng những tham luận, ý kiến trao đổi tại hội thảo rất bổ ích, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trong quá trình thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, góp phần trực tiếp vào việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 trong những quy định về quyền con người, quyền công dân. Các báo cáo tham luận sẽ được biên tập, hoàn chỉnh để xuất bản thành sách trong thời gian tới.