•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Những điểm mới trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân”

12/10/2015
Hội thảo “Những điểm mới trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân” tổ chức vào ngày 5/10/2015, tại Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội

PGS.TS. Nguyễn Như Phát và TS. Nguyễn Linh Giang đồng chủ trì Hội thảo

 

Đây là hoạt động khoa học thuộc Đề tài “Cơ chế bảo vệ quyền con người, cơ chế bảo hộ quyền cơ bản của công dân theo yêu cầu của Hiến pháp”, do PGS.TS. Nguyễn Như Phát (Viện Nhà nước và Pháp luật) làm chủ nhiệm. Cơ quan chủ trì đề tài là Viện Nghiên cứu Lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội . Đề tài  nằm trong Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ của các cơ quan của Quốc hội giai đoạn 2014-2016.

 

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài  là xây dựng luận cứ khoa học và đánh giá thực tiễn cho việc đề xuất kiến nghị nhằm cụ thể hóa và bảo đảm  thực thi  quyền con người, quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.

 

Tham gia Hội thảo có GS.TS. Nguyễn Đăng Dung – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Tường Duy Kiên – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Vũ Công Giao – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng – Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam; PGS.TS. Vũ Thư – Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương – Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Lê Mai Thanh – Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật cùng đông đảo các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

Chủ nhiệm đề tài - PGS.TS. Nguyễn Như Phát và Thư ký đề tài - TS. Nguyễn Linh Giang đồng chủ trì Hội thảo.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát khẳng định, mục đích của Hội thảo là tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, đóng góp ý kiến, đánh giá những điểm mới trong quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và tìm ra các phương hướng, giải pháp cụ thể hóa cơ chế bảo vệ quyền con người, bảo hộ pháp lý đối với  công dân theo Hiến pháp năm 2013.

 

TS. Lê Mai Thanh (giữa)

 

Mở đầu Hội thảo là tham luận “Trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm quyền con người,  quyền cơ bản của công dân trong Nhà nước pháp quyền” của TS. Lê Mai Thanh. Việc ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là một trong những nội dung cơ bản của nhà nước pháp quyền bất luận theo mô thức nào. Các học thuyết, quan điểm khác nhau đều xác định mục tiêu của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm dân chủ, tạo điều kiện cho con người, dân chúng sống và làm việc một cách tối ưu tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia dựa trên giá trị các quyền  được thừa nhận chung.

 

Mô hình và đặc điểm Nhà nước pháp quyền theo nhận thức chungluôn gắn nghĩa vụ Nhà nước trong bảo đảm quyền con người với các quyền và tự do cơ bản, nhân phẩm vốn có của con người và bảo đảm quyền công dân - những cá nhân  gắn bó với Nhà nước bởi mối quan hệ chính trị pháp lý bền vững thông qua quốc tịch dù bất kể họ cư trú ở đâu. Nghĩa vụ này của Nhà nước được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Hay nói cách khác, trong nhà nước pháp quyền, nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân là nghĩa vụ của nhà nước trên cơ sở pháp luật quốc tế và quốc gia.

 

Căn cứ vào pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, nghĩa vụ của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người được thể hiện dưới các cấp độ khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu cuối cùng là hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong thực tế. Nếu như nghĩa vụ bảo đảm quyền con người, quyền công dân căn cứ vào pháp luật thì nhận thức về nhiệm vụ bảo đảm quyền con người mang tính tự thân của nhà nước thể hiện trách nhiệm của nhà nước bảo đảm quyền của các chủ thể này.

 

Các văn kiện pháp lý quốc tế từ Hiến chương liên hợp quốc, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người đều ghi nhận nghĩa vụ “thúc đẩy” hoặc “khuyến khích” sự “tôn trọng” quyền con người của các quốc gia thành viên. Các Công ước quốc tế quan trọng trong Bộ luật quốc tế về quyền con người ấn định nghĩa vụ các quốc gia thành viên “thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung” các quyền và tự do cơ bản của con người.

 

Bình luận về cơ chế bảo đảm quyền con người ở cấp độ quốc tế, TS. Nguyễn Linh Giang cho biết, hiệu quả áp dụng cơ chế này trên thực tế là rất thấp. Nhiều nước thành viên nộp chậm hoặc không nộp bản báo cáo về nhân quyền đến Ủyy ban của các Công ước. Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng không có chế tài để xử phạt các quốc gia này.

 

PGS.TS. Vũ Công Giao

 

Tiếp theo là tham luận của PGS.TS. Vũ Công Giao “Cơ chế pháp lý bảo vệ quyền con người, quyền công dân và nội dung cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”. Tác giả trình bày theo hai nội dung: (i) cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền con người, bảo hộ quyền công dân trong Hiến pháp; và (ii) cơ chế (tổ chức thực hiện) bảo vệ quyền con người, bảo hộ quyền công dân theo Hiến pháp.

 

Diến giả khẳng định, lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 ghi nhận cả 3 nghĩa vụ của Nhà nước theo luật nhân quyền quốc tế (LNQQT), bao gồm các nghĩa vụ “tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm” quyền con người, quyền công dân (tại Điều 3 và Khoản 1 Điều 14). Đây chính là cơ sở hiến định quan trọng nhằm ràng buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc những nghĩa vụ nhân quyền của mình trên thực tế, trong đó đặc biệt là nghĩa vụ bảo vệ và bảo đảm.

 

Ngoài ra, lần đầu tiên Hiến pháp năm 2013 ấn định nguyên tắc giới hạn quyền tại Khoản 2 Điều 14, theo đó: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Đây là một nguyên tắc quan trọng trong LNQQT, bởi tinh thần chung của LNQQT là đòi hỏi các Nhà nước phải thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình (tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm) nhưng cũng cho phép họ đặt ra và áp dụng những giới hạn với một số quyền nhằm thực hiện chức năng công của Nhà nước và để bảo đảm quyền, lợi ích của các cá nhân và của xã hội. Đồng thời, nguyên tắc giới hạn quyền cũng có ý nghĩa giúp ngăn chặn khả năng lạm dụng quyền lực của Nhà nước, vi phạm nhân quyền…

 

Về nội dung các quyền, Hiến pháp đã ghi nhận thêm một số quyền mới và củng cố hầu hết các quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp, trong đó một số quyền có ý nghĩa rất quan trọng đối với con người, ví dụ như: quyền bình đẳng trước pháp luật (Điều 16); quyền sống (Điều 19); quyền không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình (Điều 20(1)); quyền được bảo vệ về đời tư và nơi ở (Điều 21, Điều 22); quyền tiếp cận thông tin (Điều 25); các quyền về tố tụng công bằng (Điều 31);… Nhìn chung, những sửa đổi và bổ sung này đã mở rộng phạm vi bảo vệ của Hiến pháp đối với các quyền con người, quyền công dân.

 

Tuy nhiên, một thực tế ở Việt Nam đó là, các quy định của Hiến pháp không có giá trị áp dụng trực tiếp, bên cạnh đó, các cơ chế bảo vệ nhân quyền hiện tại chưa thực sự đạt được những hiệu quả như mong đợi. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu cần hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật và xây dựng thể chế nhằm triển khai các quy định của Hiến pháp nói chung, quy định về cơ chế bảo vệ nhân quyền nói riêng. Từ những phân tích trên, PGS.TS. Vũ Công Giao đưa ra 3 giải pháp cụ thể trong việc xây dựng thể chế: (i) tăng cường tính độc lập của Tòa án; (ii) thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia; (iii) thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp.

 

Đồng ý với PGS.TS. Vũ Công Giao về giải pháp cần thành lập cơ quan bảo vệ Hiến pháp, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung khẳng định, nếu thiết chế Tòa án Hiến pháp không có thì sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Tuy nhiên, Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII lại không đề cập đến thiết chế này. 

 

 

Về kiến nghị thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ ngày càng phải đối mặt với nhiều vấn đề nhân quyền cần phải giải quyết. Bên cạnh đó, bảo vệ nhân quyền là nghĩa vụ của các quốc gia, đồng thời Nhà nước Việt Nam đã có những cam kết về thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, bởi vậy, việc thành lập thiết chế này ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một điều cần thiết. Việc thành lập cơ quan này có thể thực hiện bằng cách ban hành một đạo luật về cơ quan nhân quyền quốc gia.

 

Nhận định về những hạn chế (giới hạn) đối với quyền con người theo Hiến pháp, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung cho rằng, bên cạnh việc ghi nhận các quyền con người, với tư cách là đạo luật tối cao của quốc gia, Hiến pháp phải quy định hoặc phải chứa đựng cả tinh thần giới hạn quyền với đầy đủ các chi tiết kèm theo từ “tính hợp pháp”, cho đến “tính cân xứng” giữa quyền và giới hạn quyền, và nhất là phải có cơ chế tài phán thì mới có khả năng bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp quy định. Nhận định về Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013, theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, hiểu theo một nghĩa khác, những quyền con người mang tính tuyệt đối thì không bị hạn chế nhưng để có thể thực hiện phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định trong các văn bản luật, nghĩa là những quyền đó có khả năng bị hạn chế.

 

Ngoài những vấn đề trên, Hội nghị đã lắng nghe các tham luận về nhu cầu cụ thể hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân; phân tích nội dung và giải pháp bảo đảm và bảo vệ các nhóm quyền dân sự và chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của nhóm người dễ bị tổn thương. 

 

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Như Phát khẳng định Hội thảo diễn ra thành công. Các bài tham luận cũng như các ý kiến của các nhà nghiên cứu tại Hội thảo là những luận cứ khoa học luận cứ  cụ thể hóa việc thực thi quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.