•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nghiệm thu cơ sở Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam”

09/10/2015
Ngày 3/10/2015, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức nghiệm thu cơ sở Đề tài cấp Nhà nước, mã số KHCN-33.08/11-15 “Nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam”, (thuộc Chương trình “Nghiên cứu khắc phục hậu quả lâu dài chất da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đối với môi trường và sức khỏe con người Việt Nam”; KX-33/11-15”), do PGS.TS. Nguyễn Như Phát làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu cơ sở bao gồm các thành viên: GS.TS. Võ Khánh Vinh (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn (Phó Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Dương Đăng Huệ (Phản biện 1), PGS.TS. Bùi Đăng Hiếu (Phản biện 2), PGS.TS Hoàng Phước Hiệp (Ủy viên),TS. Đặng Vũ Huân (Ủy viên), TS. Dương Quỳnh Hoa (Ủy viên, Thư ký).

 

PGS.TS. Lê Kế Sơn, tham dự buổi nghiệm thu với tư cách Chủ nhiệm Chương trình.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài

 

Đã 40 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, hàng triệu nạn nhân chất da cam/dioxin của Việt Nam luôn nằm trong phạm vi trách nhiệm pháp lý để ngỏ của phía Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam. Với nguồn lực còn hạn hẹp, Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm, áp dụng các chính sách bảo trợ đối với nạn nhân chất da cam/dioxin. Vậy trong bối cảnh đó, trách nhiệm của Hoa Kỳ về hậu quả chất da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam như thế nào? Câu hỏi này cần được nghiên cứu và giải mã. Đặc biệt khi nạn nhân Việt Nam phơi nhiễm dioxin trong chiến tranh đã từng bị Tòa án có thẩm quyền của Hoa kỳ từ chối thụ lý đơn kiện với yêu cầu các Công ty hóa chất sản xuất chất da cam/dioxin sử dụng trong chiến tranh bồi thường thiệt hại. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin trở nên hết sức cần thiết. Đó cũng chính là lý do lưạ chọn đề tài thuộc Chương trình cấp Nhà nước.

 

Đề tài đã  nghiên cứu hệ thống pháp luật quốc tế, pháp luật Hoa Kỳ, pháp luật Việt Nam có liên quan tới trách nhiệm pháp lý đối với con người và môi trường khi sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh;  phân tích cơ sở pháp lý của vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại  đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; nghiên cứu các biện pháp đấu tranh ngoài tố tụng (đấu tranh ngoại giao, dư luận, đàm phán, thoả thuận...) nhằm tìm kiếm cách thức khắc phục hậu quả  việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam.

 

Kết quả nghiên cứu cơ sở pháp lý quốc tế, pháp luật quốc gia và hồ sơ vụ kiện  của các nạn nhân Việt Nam tại Tòa án Hoa Kỳ cũng như các vụ kiện  liên quan tại Hoa Kỳ, tại Hàn Quốc cho thấy,  đến thời điểm hiện nay, khả năng  khắc phục  hậu quả chất da cam/dioxin đối với con người và môi trường Việt Nam  dưới góc độ pháp lý được đánh giá khác nhau. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề tài đề xuất ba phương án. Mỗi phương án đều có những ưu thế và rào cản nhất định đòi hỏi phải cân nhắc.

 

Phương án 1: Tiếp tục khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đòi bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất da cam/dioxin Việt Nam;

Phương án 2: Dừng hoàn toàn vụ kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ, đẩy mạnh các biện pháp ngoài tố tụng  nhằm đem lại hiệu quả thực tế cho việc giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường Việt Nam;

Phương án 3: Tiến hành đồng thời các biện pháp tư pháp và các biện pháp phi tư pháp nhằm yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ có trách nhiệm giải quyết hậu quả chất da cam/dioxin gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam;

 

Với cách nhìn thực tế, cuộc đấu tranh da cam/dioxin suy cho cùng cũng là để hỗ trợ vật chất và tinh thần tốt hơn cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam –bên cạnh những công việc mà Hoa Kỳ đang thực hiện dưới nhiều phương thức. Việc quy được trách nhiệm cho chính phủ hay doanh nghiệp Hoa Kỳ không làm cho những người Việt Nam nhiễm chất độc khỏi bệnh. Vấn đề chính là phải tạo thêm nhiều các nguồn lực, vật chất  (không chỉ từ nước Mỹ) để giúp được nạn nhân da cam.

 

Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ   trong giải quyết hậu quả chiến tranh đang tiến triển và đặc biệt xuất phát từ những  khó khăn trong việc tìm kiếm  căn cứ pháp lý, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cho vụ kiện bồi thường thiệt hại, nhóm nghiên cứu  kiến nghị áp dụng phương án 3. Để hiện thực hóa phương án 3, đề tài đưa một số đề xuất hướng tới các giải pháp  như chú trọng tạo thêm những sức ép chính trị, ngoại giao, nhân đạo... ; đề cao trách nhiệm trong lĩnh vực nhân đạo trước hết là của những chủ thể trực tiếp gây ra thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam.

 

Trong đó, các biện pháp tư pháp bao gồm:

-      Xây dựng hồ sơ pháp lý kiện Chính phủ Hoa Kỳ tại Tòa án Quốc tế;

Việc kiện Chính phủ Hoa Kỳ tại Tòa án Quốc tế xem như một biện pháp hỗ trợ cho các biện pháp chính trị - pháp lý khác trong quá trình đòi công bằng, công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam.

-      Tiếp tục khởi kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ tại Tòa án Mỹ.

Vụ nạn nhân da cam Việt Nam kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ cần được chuẩn bị  nhằm chủ yếu vào 3 mục tiêu: (1) Động viên tinh thần các nạn nhân da cam, khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề hậu quả chất da cam/dioxin đối với con người; (2) Tìm kiếm sự quan tâm và ủng hộ về chuyên môn và kinh phí cho quá trình giải quyết hậu quả  tại Việt Nam; (3) Thay đổi quan điểm của Tòa án Hoa Kỳ và cố gắng đạt được một thỏa thuận dàn xếp nhất định. Trong đó mục tiêu thứ 1 và thứ 2 có vị trí đặc biệt quan trọng.

 

Các biện pháp phi tư pháp:

-      Giải quyết hậu quả chất da cam tại Việt Nam thông qua hoạt động ngoại giao chính thức giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam;

-      Sử dụng cơ chế thúc đẩy,  bảo vệ nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế;

-      Mở rộng hoạt động ngoại giao nhân dân, hợp tác tích cực với các tổ chức và cá nhân trên thế giới;

-      Hoàn thiện thể chế và chính sách của Việt Nam giải quyết hậu quả  chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.

 

Thông tin thêm về nhận thức của Chính quyền Hoa Kỳ liên quan đến khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin, PGS.TS. Lê Thế Sơn cho biết, Nghị viện Hoa Kỳ đã dành riêng khoản chi phí cho việc tẩy độc sân bay Đà Nẵng cũng như hỗ trợ cho người khuyết tật và người bị ảnh hưởng bới chất da cam/dioxin ở Việt Nam.

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh, Chủ nhiệm Hội đồng nghiệm thu cơ sở (ngồi giữa)

 

Nhận xét về đề tài, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng, với vị trí là một đề tài khoa học, những kiến nghị của đề tài là  luận cứ khoa học cho các cơ quan nhà nước tham khảo chứ không phải là các ý kiến tư vấn  pháp lý đối với một vụ việc cụ thể. Về phương án 2, khi áp dụng các biện pháp ngoài tố tụng, phải ưu tiên đẩy mạnh cơ chế bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế. Tại thời điểm hiện nay, có khá nhiều lợi thế cho việc áp dụng phương pháp này bởi Liên Hợp Quốc có  cơ chế đa dạng để bảo vệ quyền con người khi có hành vi xâm hại. Một lợi thế nữa  khi gắn trách nhiệm với Hoa Kỳ - quốc gia  luôn tự cho mình là  tiên phong trong việc bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Phát biểu tổng kết cuộc họp, GS.TS. Võ Khánh Vinh yêu cầu nhóm nghiên cứu rút gọn một số nội dung trong đề tài, chỉnh sửa một số thuật ngữ và cần xem xét kỹ về những khía cạnh có thể nhạy cảm từ dư luận xã hội trước khi xuất bản.

 

Hội đồng nghiệm thu cơ sở đã thảo luận về kết quả của Đề tài và 6/6 thành viên có mặt đồng ý rằng, đề tài đủ điều kiện để bảo vệ cấp nhà nước.