Các thành viên của Đề tài gồm có: PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, ThS. Lê Phương Hoa, NCV. Nguyễn Thị Thùy Linh. Đề tài tập trung nghiên cứu những vấn đề sau:
- Lịch sử và khái niệm của thể chế kinh tế hiến pháp;
- Thể chế kinh tế hiến pháp của CHLB Đức;
- Thể chế kinh tế hiến pháp của Liên minh Châu Âu;
- Thể chế kinh tế hiến pháp của một số nước ASEAN;
- Thể chế kinh tế hiến pháp của Việt Nam;
- Một số kiến nghị.
Theo NCS. Nguyễn Thị Thùy Linh, các tài liệu nghiên cứu so sánh về thể chế kinh tế hiến pháp đã chỉ ra rằng, khái niệm “thể chế kinh tế hiến pháp” được sử dụng đầu tiên trong kinh tế học và trong một thời gian dài nó được sử dụng như một khái niệm tương đương với các khái niệm như: “trật tự kinh tế”, “hệ thống kinh tế” hoặc “mô hình kinh tế”.
Trong khoa học pháp lý, thể chế kinh tế hiến pháp luôn được sử dụng với hai ý nghĩa: Thứ nhất, thể chế kinh tế hiến pháp được hiểu là một trạng thái, một trật tự kinh tế đã được định sẵn, được thiết kế bởi một hệ thống các quy phạm của Hiến pháp. Thứ hai, thể chế kinh tế hiến pháp được sử dụng trong khoa học pháp lý theo nghĩa rộng và hẹp.
Ở nghĩa rộng, thể chế kinh tế hiến pháp được hiểu là nền tảng của quyết định tổng thể về khuôn khổ của đời sống kinh tế mỗi quốc gia hoặc cụ thể hơn là tổng thể các nguyên tắc pháp luật đặt nền tảng lâu dài cho tổ chức và vận hành của các quá trình kinh tế mà không quan tâm đó là quy định trong Hiến pháp hay trong một đạo luật thông thường.
Ở nghĩa hẹp, thể chế kinh tế hiến pháp được hiểu chỉ là các quy định trong Hiến pháp. Theo đó, thể chế kinh tế hiến pháp là tổng thể các quy định của Hiến pháp nhằm kiến tạo khuôn khổ của đời sống kinh tế, mói quan hệ kinh tế. Bởi vậy, nội dung của pháp luật về thể chế kinh tế hiến pháp sẽ giải quyết những vấn đề cơ bản trong mối quan hệ giữa Nhà nước, kinh tế và công dân.
Theo PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, không có một mô hình kinh tế cố định nào thực sự hữu hiệu trên thế giới, mà mô hình đó phải cần thay đổi linh hoạt theo thời gian và sự phát triển của xã hội. Sự ấn định và áp dụng một mô hình kinh tế là không hợp lý. Theo đó, Chính phủ cần đề ra các chính sách kinh tế một cách linh hoạt dựa trên các quy định của hiến pháp sao cho phù hợp với sự vận hành của đời sống kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương này phần nào cản trở đến sự phát triển.