Đề tài đầu tiên, báo cáo kết quả nghiên cứu có chủ đề “Các điều ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình mà Việt Nam là thành viên” của ThS. Trần Thị Loan.
Là quốc gia đã từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong quá khứ, Việt Nam nhận thức rõ về những hậu quả nghiêm trọng do xung đột vũ trang gây ra. Việt Nam đã tham gia các Công ước Genève 1949 từ năm 1957 cùng nhiều điều ước quốc tế khác liên quan đến chiến tranh và hòa bình và từ đó đến nay Việt Nam luôn tôn trọng, tuân thủ các điều ước quốc tế mà mình là thành viên.
ThS. Trần Thị Loan báo cáo tóm tắt nội dung nghiên cứu
Các điều ước chiến tranh và hòa bình này không nhằm ngăn ngừa và chấm dứt chiến tranh, mà thay vào đó nhằm đạt được các mục tiêu: Nhân đạo hoá xung đột vũ trang; bảo hộ theo luật quốc tế các nạn nhân chiến tranh; hạn chế các bên tham chiến trong lựa chọn các phương pháp, phương tiên chiến tranh; bảo vệ các hạng mục dân sự và giá trị văn hoá khởi sự tấn công của các lực lượng vũ trang; bảo hộ quyền lợi của các quốc gia trung lập.
Và để đạt các mục tiêu đó, các điều ước về chiến tranh và hòa bình xác lập, củng cố và duy trì các nguyên tắc nền tảng phải được các bên tham chiến và các bên liên quan tôn trọng, đó là: (i) Phân biệt giữa thường dân và binh lính, giữa mục tiêu dân sự và mục tiêu quân sự; (ii) Cấm tấn công và bảo hộ những người không tham gia hoặc đã bị loại khỏi vòng chiến đấu; (iii) Đối xử nhân đạo với tù binh và những người của bên đối phương bị bắt giữ; (iv) Nguyên tắc tương xứng và một số nguyên tắc khác…
Trong đó, với nguyên tắc đối xử nhận đạo, các bên tham chiến phải tôn trọng sinh mạng, phẩm giá, các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo, quyền được liên lạc với gia đình và tiếp nhận cứu trợ, trong lúc giao chiến họ là kẻ thù, sẵn sàng cầm súng giết hại đối phương, nhưng khi hạ vũ khí, các bên đối phương phải tôn trọng và đảm bảo cho tù binh có các quyền cơ bản của một con người, cung cấp chỗ ăn, chỗ ở đảm bảo các điều kiện về ánh sáng, vệ sinh và chăm sóc y tế cho họ. Chẳng hạn, về chế tài đối với tù binh vi phạm, Điều 83 Công ước Geneve (III) quy định: “Khi xem xét nên áp dụng chế tài kỉ luật hay tư pháp đối với hành vi vi phạm của tù binh, nước giam giữ phải bảo đảm sao cho các nhà chức trách có thẩm quyền thể hiện một thái độ khoan dung ở mức độ cao nhất”.
Nhìn một cách tổng quát, nội dung của các điều ước về chiến tranh và hòa bình được thể chế hóa ở các ngành luật khác nhau, nhưng nổi bật nhất là luật hoạt động của hội chữ thập đỏ quốc gia và luật hình sự quốc gia. Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, việc nội luật hóa các quy định của 4 Công ước Genève và 2 Nghị định thư được thể hiện trong Chương XXIII về “Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân” và Chương XXIV về “Các tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người và tội phạm chiến tranh”. Trong Chương XXII, với việc thể chế hóa nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với tù binh, Bộ luật Hình sự năm 2015 đưa ra chế tài đối với hành vi ngược đãi đối với tù binh, hàng binh, trách nhiệm cứu giúp của các nhân viên y tế của Hội chữ thập đỏ quốc gia, nhân viên y tế trong tổ chức dân sự, quân y…
Tháng 11/1957, Việt Nam chính thức gia nhập Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã tham gia chăm sóc đời sống y tế của người dân, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong bảo vệ, giúp đỡ những nạn nhân thương tật, thiệt hại sau chiến tranh, người già neo đơn, phụ nữ, trẻ em… Đặc biệt, Hội đã thành lập Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, một hoạt động nhân đạo có ý nghĩa to lớn. Hội chữ thập đỏ Việt Nam đã là một phần không thể thiếu góp phần làm giảm thiểu sự khó khăn, mất mát, thiệt hại cho tất cả mọi người trong và sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ đã qua và càng không thể thiếu trong sự phát triển của hoạt động nhân đạo ở Việt Nam hiện nay.
Những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt như các cuộc xung đột kéo dài, gia tăng và bất chấp các quy định của các điều ước về chiến tranh, hòa bình là những vấn đề cực kỳ phức tạp, các quốc gia không thể tự đối phó được. Để giải quyết những thách thức này, các quốc gia phải hợp tác cùng nhau thông qua hệ thống pháp luật quốc tế để bảo toàn những giá trị hòa bình mà Việt Nam cũng như nhân loại đã trải qua nhiều quá khứ đau thương mới có được. Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật chiến tranh và hòa bình ở cấp độ quốc tế thì ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cần chủ động ban hành các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn khi xảy ra những cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế như vụ việc ở Đắk Lắk gần đây.
TS. Nguyễn Linh Giang nhận xét về kết quả nghiên cứu đề tài của ThS. Trần Thị Loan
Nhìn nhận về Đề tài, TS. Nguyễn Linh Giang cho rằng, tác giả đã báo cáo chi tiết nội dụng nghiên cứu thể hiện sự nghiêm túc trong việc thực hiện đề tài. ThS. Trần Thị Loan đã cập nhật thông tin mới, xu hướng mới trong việc xác định các vấn đề về chiến tranh và hòa bình trong pháp luật quốc tế hiện nay. Đây cũng là chủ đề được đặt ra trong Đề tài cấp Bộ về chiến tranh phức hợp đang được nghiên cứu.
Đề tài cũng nhận được các góp ý, trao đổi của PGS.TS. Lê Mai Thanh, TS. Nguyễn Tiến Đức. ThS. Nguyễn Thanh Tùng về các vấn đề: khái niệm chiến tranh và hòa bình, mối liên hệ giữa các công ước quốc tế về chiến tranh và hòa bình với các công ước quốc tế về quyền con người, Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế…
Đề tài thứ hai báo cáo khoa học do TS. Nguyễn Thị Thu Thủy là chủ nhiệm có chủ đề “Chứng cứ điện tử (CCĐT) trong tố tụng dân sự (TTDS) ở Việt Nam hiện nay”. Đề tài có kết cấu gồm 3 chương:
- Những vấn đề lý luận về CCĐT trong TTDS;
- Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về CCĐT trong TTDS ở Việt Nam hiện nay;
- Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về CCĐT trong TTDS ở Việt Nam hiện nay.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa chung về CCĐT. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định dữ liệu điện tử là một dạng chứng cứ, và về bản chất, có thể được hiểu là CCĐT. Theo đó, CCĐT được xem là một phương tiện quan trọng nhất để các cơ quan tiến hành tố tụng làm sáng tỏ các nội dung và các tình tiết nhằm giải quyết vụ án. Pháp luật Việt Nam đã thừa nhận giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử và thu thập dữ liệu. Từ việc viện dẫn một số điều trong Bộ luật TTDS năm 2015, Luật Giao dịch điện tử năm 2023 và các quy định khác, tác giả cho rằng, CCĐT là tất cả những thông tin, dữ liệu thu thập từ các thiết bị điện tử và các thiết bị lưu trữ thông tin, dữ liệu từ máy tính, điện thoại di động, Internet, môi trường số…
Tác giả đưa ra các khái niệm về: Chữ ký điện tử, thông điệp dữ liệu, tài liệu điện tử… Có thể hiểu, tài liệu điện tử là những thông tin, dữ liệu, số liệu, ký hiệu hoặc các phương thức diễn đạt bằng văn bản khác được mô tả, trình bày theo các cách khác nhau theo dạng số hóa. Đề tài đã phân tích quy trình thu thập CCĐT ở một số quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp… Việc thu thập CCĐT phải đảm bảo các nguyên tắc như: (i) Chỉ thu thập theo quy định của pháp luật; (ii) Đảm bảo lợi ích chính đáng của các nhân, tổ chức trong quá trình thu thập; (iii) Chỉ thu thập trong phạm vi thực hiện nghĩa vụ, quyền và trách nhiệm chứng minh nhằm làm rõ sự thật, đảm bảo công bằng; (iv) Chủ thể tham gia thu thập phải có trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ… Trong đó, việc đảm bảo nguyên tắc thứ hai nhằm tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đồng thời bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân.
Tiếp theo, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy phân tích thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về CCĐT trong tố tụng dân sự theo 4 nội dung chính: Xác minh, thu thập CCĐT; đánh giá CCĐT; sử dụng CCĐT và bảo vệ CCĐT.
Ở thời điểm hiện tại, mặc dù CCĐT được xác định có giá trị tương đương về thuộc tính với chứng cứ bằng văn bản nhưng quy định này chỉ mang tính nguyên tắc nên việc áp dụng còn chưa thống nhất. Trên thực tế, Tòa án chưa tiếp nhận CCĐT có tính độc lập và có giá trị pháp lý như văn bản viết hoặc là các chứng cứ dạng khác. Quy định về thủ tục, trình tự pháp lý trong thu thập, lữu trữ, đánh giá các thuộc tính của CCĐT chưa hoàn thiện nên còn gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Đồng thời, người tiến hành tố tụng cần nâng cao trình độ tin học và kỹ năng sử dựng phương tiện điện tử để thu thập, đánh giá và sử dụng CCĐT.
TS. Trần Văn Biên
Trao đổi với chủ nhiệm đề tài, TS. Dương Quỳnh Hoa nhìn nhận, đây là chế định nền tảng của TTDS. Đề tài cần làm rõ về sự khác nhau giữa CCĐT với chứng cứ truyền thống. Tác giả cũng cần phân tích về nguyên tắc tính toàn vẹn và xác thực của CCĐT cũng như chỉ ra tiêu chí đánh giá độ tin cậy của CCĐT. TS. Trần Văn Biên bình luận về CCĐT được tạo lập trên nền tảng của công nghệ blockchain và cho rằng, đây là một vấn đề mới, Đề tài nên tìm hiểu để đưa ra kiến nghị phù hợp liên quan đến nội hàm, quá trình thu thập, xác minh, đánh giá CCĐT. Trao đổi lại, chủ nhiệm đề tài cho biết, Tòa án ở Trung Quốc đã thừa nhận và sử dụng CCĐT trên nền tảng blockchain để đưa ra bản án.
Đề tài cũng nhận được ý kiến của ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương. Ông cho rằng, ngày nay các dạng thức tồn tại của chứng cứ là nhiều hơn so với trước đây, như tệp dữ liệu, âm thanh, hình ảnh số. Tuy nhiên, dù là theo dạng chứng cứ gì thì bản chất vẫn không thay đổi, đó là phản ảnh một sự việc đã xảy ra trong quá khứ để từ đó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong một vụ tranh chấp hay một quan hệ pháp luật.
Ngày 13/10/2023, hai đề tài tiếp theo tổ chức tọa đàm thuộc lĩnh vực pháp luật hình sự. Đề tài thứ nhất do ThS. Lê Thị Hồng Xuân thực hiện, “Các biện pháp ngăn chặn trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam nhìn từ phương diện hạn chế quyền con người”. Biện pháp ngăn chặn là những biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự (TTHS) do cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc đối với người chưa bị khởi tố, khi có căn cứ do Bộ luật TTHS quy định, nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn việc bị can, bị cáo gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hoặc ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội. Từ đó, Đề tài đưa ra khái niệm hạn chế quyền con người trong các biện pháp ngăn chặn TTHS là: bằng các quy định về biện pháp ngăn chặn trong pháp luật TTHS, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành áp dụng các biện pháp này để hạn chế quyền con người lên đối tượng bị áp dụng trong những trường hợp nhất định nhằm mục tiêu ngăn chặn tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giải quyết vụ án hình sự.
Toàn cảnh buổi tọa đàm đề tài cơ sở
Có 2 yếu tố tác động đến hạn chế quyền con người trong các biện pháp ngăn chặn là các quy phạm pháp luật và con người. TTHS là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong các từng án hình sự chịu sự ảnh hưởng không nhỏ bởi yếu tố năng lực, trách nhiệm cũng như ý thức của người tiến hành tố tụng mà thực hiện việc áp dụng các biện pháp đó.
Theo tác giả, việc ngăn chặn quyền con người trong các biện pháp ngăn chặn trong pháp luật TTHS thể hiện sự cương quyết của Nhà nước cũng như bảo đảm cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành TTHS được thuận lợi, góp phần vào việc nâng cao hiệu quả của công cuộc đấu tranh, phòng chống tội phạm.
Trong Chương 2, Đề tài phân tích thực trạng quy định pháp luật về hạn chế quyền con người trong các biện pháp ngăn chặn trong pháp luật TTHS Việt Nam. Trong đó, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định những căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, đó là: Kịp thời ngăn chặn tội phạm; Có tài liệu, chứng cứ chứng tỏ người bị buội tội gây ra khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử; Có chứng cứ chứng minh người phạm tội nếu ko áp dụng các biện pháp ngăn chặn sẽ tiếp tục tội phạm; Đảm bảo cho việc thi hành án.
Về thực trạng áp dụng các quy định pháp luật về các biện pháp ngăn chặn nhìn từ góc độ hạn chế quyền con người, Đề tài đã nêu ra những khó khăn, vướng mặt gặp phải. Chẳng hạn, trường hợp hủy bỏ các biện pháp tạm giữ đối với các đối tượng chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay việc xác định thế nào là có dấu hiệu bỏ trốn, dấu hiệu phạm tội hiện nay còn chưa thống nhất. ThS. Lê Thị Hồng Xuân chỉ ra nhu cầu hạn chế quyền con người trong các biện pháp trong TTHS Việt Nam và đang nghiên cứu để đề xuất các giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật.
PGS.TS. Đinh Thị Mai
PGS.TS. Đinh Thị Mai cho rằng, Đề tài cần giải thích vì sao lựa chọn tiếp cận theo góc độ hạn chế quyền con người mà không phải là bảo đảm quyền con người. Chia sẻ với ý kiến trên, TS. Nguyễn Linh Giang góp ý, Đề tài cần dùng lý thuyết quyền con người để nhìn nhận về 3 vấn đề: tính cân bằng, tính chính đáng và theo quy định của pháp luật. Theo TS. Nguyễn Tiến Đức, tác giả đề tài tiếp cận từ góc độ hạn chế quyền thì cần bổ sung các vấn đề về cơ sở lý luận chung về phương pháp này để từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn thì sẽ đầy đủ, tổng quát hơn.
Đề tài còn nhận được các góp ý, thảo luận về: thước đo để đánh giá các biện pháp ngăn chặn, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia liên quan đến các biện pháp ngăn chặn trong pháp luật TTHS…
Đề tài thứ hai trong lĩnh vực pháp luật hình sự có chủ đề “Căn cứ quyết định hình phạt theo pháp luật hình sự Việt Nam” của ThS. Nguyễn Ngọc Mai. Các căn cứ quyết định hình phạt là những đòi hỏi cơ bản có tính nguyên tắc do luật hình sự quy định hoặc do giải thích pháp luật mà có, buộc Tòa án phải tuân theo khi quyết định hình phạt đối với người thực hiện tội phạm.
Đặc điểm của căn cứ quyết định hình phạt cụ thể là:
- Những đòi hỏi có tính nguyên tắc được pháp luật hình sự quy định một cách rõ ràng, đầy đủ và bao quát để nhận thức và áp dụng một cách thống nhất;
- Được quy định trong Bộ luật Hình sự;
- Có tính bắt buộc phải tuân thủ để hình phạt được quyết định một cách đúng đắn.
ThS. Nguyễn Ngọc Mai (bên phải) trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài, bên trái là ThS. Lê Thị Hồng Xuân
Căn cứ quyết định hình phạt đối với cá nhân phạm tội dựa trên 4 yếu tố: (i) Quy định của Bộ luật Hình sự; (ii) Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; (iii) Nhân thân người phạm tội; (iv) Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Theo đó, nhân thân người phạm tội bao gồm tổng hợp các đặc điểm về xã hội, tâm lý, đạo đức sinh học nói lên tính cách con người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị quy định trong Bộ luật Hình sự là tội phạm. Các đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật.
Báo cáo tổng kết hoạt động xét xử của ngành tòa án chỉ rõ, việc quyết định hình phạt không đúng có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là việc tuân thủ, áp dụng các căn cứ quyết định hình phạt mặc dù các căn cứ này được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự 2015, những hướng dẫn trong các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán. Cụ thể, những sai sót trong việc áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự chủ yếu là: Áp dụng không đúng các tình tiết định khung hình phạt, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội; Áp dụng ko đúng các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Những sai sót này dẫn đến quyết định hình phạt không chính xác, được chia thành 2 hướng: quá mức nghiêm khắc đối với người phạm tội hoặc quá nhẹ dẫn đến không đủ sự răn đe, phòng ngừa
Ngoài ra, Đề tài cũng phân tích về căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại và trong một số trường hợp đặc biệt. Sau phần trình bày của ThS, Nguyễn Ngọc Mai, Đề tài nhận được các ý kiến của PGS.TS. Đinh Thị Mai, TS, Hoàng Kim Khuyên, TS. Trần Văn Biên, TS. Dương Quỳnh Hoa và các nhà khoa học khác.