•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo “Các giải pháp tổ chức quyền lực hành pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

19/08/2010
Chiều ngày 06/08/2010, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền hành pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, mã số CT 09-16-08, đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả thực hiện. PGS.TS. Vũ Thư - Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có các thành viên trong Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2009 – 2010, các thành viên thực hiện đề tài và các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Viện Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã báo cáo, trao đổi và thảo luận về các tham luận sau:
    -    Quan điểm và những vấn đề cơ bản về tổ chức quyền hành pháp trong Nhà nước Việt Nam hiện nay;
    -    Những vấn đề cơ bản về đổi mới chức năng, phương pháp và hình thức hoạt động của các cơ quan hành pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam;
    -    Những vấn đề cơ bản về đổi mới bộ máy hành pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay;
    -    Những vấn đề cơ bản về tổ chức việc kiểm tra, giám sát quyền hành pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam.


Theo GS.TS. Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, thuật ngữ “quyền hành pháp” được sử dụng tương đương với từ Chính phủ, chỉ ra đời khi có sự phân quyền. Chính phủ không chỉ thực hiện luật mà còn trở thành trung tâm của bộ máy nhà nước hiện nay. GS.TS. Nguyễn Dăng Dung nêu ra 5 đặc điểm của Chính phủ - cũng là hành pháp, trong Nhà nước pháp quyền:
    -    Chính phủ phải được hình thành một cách hợp pháp và chính đáng;
    -    Chính phủ không chỉ có trách nhiệm tổ chức thực hiện luật mà còn là trung tâm của bộ máy nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho việc hoàn thành các quyền lập pháp và tư pháp;
    -    Chính phủ phải chịu trách nhiệm và phải giải trình trước Quốc hội;
    -    Chính phủ làm những việc mà thị trường không có khả năng đảm nhiệm, tạo ra nền móng các thể chế pháp luật cho thị trường và xã hội, an sinh xã hội, bảo hộ người nghèo;
    -    Chính phủ bao gồm người đứng đầu và các thành viên không thể đặt ngoài vòng xét xử của hoạt động tòa án.


Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, việc chuyển đổi này buộc Chính phủ phải thay đổi vị trí, vai trò của mình. Bàn về vấn vấn đề này, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đưa ra những phát hiện chủ yếu trong vai trò của Chính phủ, đó là:
    -    Cung cấp kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội: tăng chi công cho giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội và bảo đảm các cơ hội bình đẳng cho mọi người;
    -    Cung cấp thể chế điều hành kinh tế: xác định nền pháp trị mang tính hỗ trợ đối với các thể chế thị trường và đảm bảo quyền sở hữu; ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh;
    -    Chính phủ nước ta hiện nay vừa quá nhiều vừa quá ít – quá nhiều về mặt kiểm soát sản xuất và đầu tư, quá ít về nền pháp quyền và cung cấp hàng hóa và dịch vụ công;

Từ những phát hiện này, GS.TS. Nguyễn Đăng Dung đề xuất những nhiệm vụ chính của Chính phủ:
    -    Chính phủ phải biết hoạch định chính sách;
    -    Chính phủ phải minh bạch, phải chịu trách nhiệm;
    -    Chính phủ phải là một tập thể thống nhất cùng chịu trách nhiệm dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng và các bộ trưởng chịu trách nhiệm cá nhân trong những phần việc được phân công.


Tiếp theo, hội thảo nghe và trao đổi về tham luận của PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan, Đại học Luật Hà Nội, “Những vấn đề cơ bản về đổi mới chức năng, phương pháp và hình thức hoạt động của các cơ quan hành pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam”. Về thực trạng chức năng của các cơ quan hành pháp, ông nói: Việc phân công và phối hợp giữa các cơ quan hành pháp và các quyền chưa rõ ràng. Quyền lực của cơ quan hành pháp ngày càng mở rộng, can thiệp sâu vào quyền lập pháp và tư pháp. Theo đó, PGS.TS. Nguyễn Minh Đoan đưa ra một số giải pháp:
    -    Cơ cầu lại Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp, tạo ra các Bộ đa ngành;
    -    Tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo;
    -    Quy định trách nhiệm của Thủ tướng, các Bộ trưởng;
    -    Phân cấp, giao quyền cho các chính quyền địa phương;
    -    Cải cách thủ tục hành chính.


Về hình thức và phương pháp hoạt động của các cơ quan hành pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam, ông đưa ra quan điểm:
    -    Cơ quan hành pháp cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
    -    Đẩy mạnh hơn nữa các hợp đồng hành chính: dịch vụ chứng thực, bảo vệ các tổ chức, cá nhân,…;
    -    Nhà nước tổ chức các hoạt động dịch vụ, chẳng hạn: cho phép thành lập văn phòng công chứng;
    -    Chú ý nhiều đến hoạt động cưỡng chế;
    -    Nâng cao hơn nữa mức phạt hành chính.


Trao đổi về bộ máy hành pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, TS. Hoàng Thị Ngân, Văn phòng Chính phủ, cho biết: Chính phủ có vai trò điều hành hoạt động của Nhà nước. Hình thức hoạt động hành pháp của Chính phủ hiện nay phần lớn thông qua các phiên họp thường kỳ. Về quản lý hoạt động kinh tế - xã hội, mỗi năm Chính phủ ban hành khoảng 300 nghị định, một con số khá lớn, đó là một gánh nặng cho việc xây dựng thể chế của Chính phủ. Như thế, có thể sự quan tâm của Bộ trưởng với việc xây dựng dự án luật sẽ không cao. TS. Hoàng Thị Ngân cho rằng, nên xây dựng mô hình Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ, tức là một tập thể hoạt động để phục vụ và giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ.

Kết thúc hội thảo, các nhà khoa học khẳng định quyền hành pháp đóng vai trò quan trọng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cần có sự đổi mới để phù hợp và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.