•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo “Hướng nghiên cứu về những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”

15/10/2009
Thực hiện Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ 2009-2010: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam giao cho Viện Nhà nước và Pháp luật, Ban Chủ nhiệm Chương trình do PGS. TS. Nguyễn Như Phát, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật làm chủ nhiệm, đã tổ chức hội thảo vào ngày 12/10/2009 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.
Mục đích của cuộc hội thảo là:
    - Thống nhất quan điểm trong tổ chức và thực hiện Chương trình nghiên cứu.
    - Giúp các thành viên (trong và ngoài Viện) tham gia Chương trình hiểu rõ được nội dung nghiên cứu của Chương trình và của các nhánh nghiên cứu khác để có sự phối hợp nghiên cứu giữa các nhánh đề tài;
    - Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình và các đề tài nhánh;   
    - Cung cấp các chất liệu để các Chủ nhiệm đề tài nhánh tham khảo và triển khai đúng hướng nghiên cứu;
    - Tranh thủ ý kiến góp ý của các chuyên gia về nội dung nghiên cứu của Chương trình và của các đề tài nhánh. Phát hiện những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách về Nhà nước pháp quyền mà cuộc sống đang đặt ra và đòi hỏi nghiên cứu để bổ sung vào nội dung nghiên cứu của Chương trình hoặc của từng đề tài nhánh.

Thay mặt Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó chủ tịch, GS. TS. Võ Khánh Vinh đã đến dự. Tham gia Hội thảo có đông đảo các cán bộ nghiên cứu, cán bộ quản lý của Viện Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc phòng,  Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức khác. GS. TS. Võ Khánh Vinh, PGS. TS. Nguyễn Như Phát và TS. Nguyễn Thị Việt Hương chủ trì hội thảo.

Chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ có 8 đề tài nhánh. Mở đầu hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Như Phát - Chủ nhiệm Chương trình đã báo cáo tóm tắt về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung nghiên cứu, các yêu cầu đặt ra và cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, cách thức tổ chức nghiên cứu của cả Chương trình.

Tiếp đó các chủ nhiệm đề tài nhánh đã báo cáo tóm tắt mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và phương thức tổ chức nghiên cứu. Cụ thể là:
    - PGS. TS. Hà Thị Mai Hiên báo cáo về đề tài: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền lập pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”;
    - PGS. TS. Vũ Thư báo cáo về đề tài: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền hành pháp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”;
    - TS. Nguyễn Đức Minh báo cáo về đề tài: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020";
     - TS. Nguyễn Thị Việt Hương báo cáo về đề tài: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân và với Đảng Cộng sản trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020”;
    - PGS. TS. Nguyễn Trung Tín báo cáo về đề tài: "Vai trò và quyền của nhân dân với tư cách là chủ thể xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2011-2020";
    - PGS. TS. Nguyễn Như Phát báo cáo về đề tài: “Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch và hiệu quả trong nhà nước pháp quyền Việt Nam”;
     - PGS. TS. Phạm Hữu Nghị báo cáo về đề tài: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về tổ chức và kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
    - TS. Bùi Nguyên Khánh báo cáo về đề tài: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn từ nay đến năm 2020”;

Sau khi nghe báo cáo đề dẫn của Chủ nhiệm Chương trình và báo cáo của các chủ nhiệm đề tài nhánh, các nhà khoa học đã tham gia trao đổi, thảo luận khá sôi nổi về nội dung nghiên cứu của các đề tài thuộc chương trình. 

PGS. TS. Lê Minh Thông, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, khi nghiên cứu các đề tài cần chú ý đến tính thống nhất, sự mạch lạc, lôgic của cả chương trình. Trong bối cảnh hiện nay, phải quan tâm đến tính ứng dụng của các kết quả nghiên cứu. Cần có những chuyên đề đánh giá, tổng kết các công trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời gian qua. Cần dự báo được tình hình kinh tế, xã hội, chính trị trong thời gian tới để đưa ra các kiến nghị sát đúng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo PGS. TS. Lê Minh Thông, có 4 vấn đề sau đây cần được lý giải trong quá trình nghiên cứu Chương trình này: Một là, vai trò, vị trí của Nhà nước trong hệ thống chính trị; hai là, mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; ba là, mối quan hệ giữa Nhà nước với xã hội dân sự; bốn là, Nhà nước với vấn đề dân chủ.

PGS. TS Bùi Xuân Đức, Ban Dân chủ và Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) góp ý: Chương trình nên quan tâm đến các vấn đề về phân cấp, về hệ thống chính quyền địa phương và cơ chế kiểm soát quyền lực.

PGS. TS. Lê Văn Hòe, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh lưu ý: Trong quá trình nghiên cứu cần phân tích kỹ một số “căn bệnh” của Nhà nước ta như: Lộng quyền, lạm quyền, nhược quyền, vô trách nhiệm, quan liêu, tham nhũng và nguyên nhân của các “căn bệnh” này.  

TS. Hoàng Thị Ngân, Văn phòng Chính phủ quan tâm đến vấn đề làm thế nào để các chuyên đề nghiên cứu của Chương trình không bị trùng lặp hoặc mâu thuẫn với nhau.   

GS. TS. Võ Khánh Vinh, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nêu ý kiến: Chương trình cần đánh giá quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời gian vừa qua, rút ra bài học kinh nghiêm và đề xuất giải pháp tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Theo GS. TS. Võ Khánh Vinh, nên bổ sung hoặc chú ý thể hiện rõ hơn trong chương trình nghiên cứu này các vấn đề:
    - Vai trò của Nhà nước pháp quyền trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội;
    - Vai trò, vị trí của kiểm soát quyền lực trong cơ chế quyền lực;
    - Tính chính trị và tính pháp quyền của mối quan hệ giữa Nhà nước với Đảng cầm quyền, giữa Nhà nước với nhân dân;
    - Các phương thức, hình thức để nhân dân xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân;
    - Các phương thức thực hiện quyền lập pháp, trong đó có phương thức trực tiếp;
    - Tính hợp hiến, hợp pháp của quyền hành pháp; giới hạn, phạm vi, cách thức tổ chức quyền hành pháp;
    - Vị trí, vai trò và uy tín của quyền tư pháp trong xã hội; tính độc lập và bảo đảm tính độc lập của quyền tư pháp;
    - Đánh giá sự phù hợp của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay.

Các ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban chủ nhiệm Chương trình và các chủ nhiệm đề tài nhánh xem xét, tiếp thu trong quá trình thực hiện Chương trình “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.