•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo đề tài: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về tổ chức và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

10/02/2010
Ngày 26/01/2010 tại trụ sở Viện Nhà nước và Pháp luật, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, đề tài: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về tổ chức và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mã số CT 09-16-04, đã tổ chức hội thảo. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, chủ nhiệm đề tài, chủ trì hội thảo.
Tham gia hội thảo có Ban chủ nhiệm Chương trình 09-16, các thành viên đề tài và các đại biểu đến từ Viện Nhà nước và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội),… Tại hội thảo, các thành viên đề tài đã trình bày các kết quả nghiên cứu chủ yếu của các chuyên đề được phân công nghiên cứu như:  
    -    Quan niệm về tổ chức và kiểm soát quyền lực; sự cần thiết kiểm soát quyền lực nhà nước; quan niệm về cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
    -    Sự cần thiết phải giới hạn quyền lực nhà nước; quyền lực nhà nước và tự do cá nhân.
    -    Tư tưởng về tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước trong lịch sử  nhân loại.
    -    Tính phổ biến và tính đặc thù trong tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước.
    -    Mô hình tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước trong các hiến pháp Việt Nam năm 1946, 1959, 1980 và 1992.
    -    Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước.
    -    Giám sát việc thực hiện quyền lực nhà nước của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
 

Các thành viên đề tài và các đại biểu đến dự đã trao đổi ý kiến về mục đích của việc kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước là nhằm ngăn ngừa sự chuyên quyền, lạm quyền và vi phạm quyền con người, quyền công dân; các ý kiến trao đổi cũng xoay quanh những vấn đề liên quan đến các thuật ngữ pháp lý, đến cơ chế tổ chức và kiểm soát quyền lực nhà nước, chẳng hạn như: có sự phân chia quyền lực nhưng không có sự phân lập tuyệt đối giữa các bộ phận quyền lực do đó cách nói “Tam quyền phân lập” là không chính xác. Ở Việt Nam, từ năm 1946 đến nay đều có sự xác định khá rõ vị trí, vai trò của các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án… Đó là sự phân công công việc giữa các cơ quan nhà nước nhưng cũng là nội hàm của sự phân chia quyền lực. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc phân chia tách bạch một cách tuyệt đối giữa các nhánh quyền lực và các bộ phận thực hiện quyền lực. Theo một số đại biểu, ngày nay không nên quá nhấn mạnh đến sự kiềm chế và đối trọng giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước mà nên đề cao sự hợp tác, chia sẻ, phối hợp hoạt động và kiểm tra lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước. Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng vào đời sống quốc tế, các vấn đề kinh tế - xã hội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng vô cùng phức tạp và thường có sự phát triển, biến đổi rất nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, nếu không có sự hợp tác, chia sẻ giữa các nhánh quyền lực, giữa các cơ quan nhà nước thì không thể giải quyết được các vấn đề quốc gia, quốc tế vì lợi ích chung của nhân dân. Ở đây, sự hợp tác, chia sẻ trách nhiệm và phối hợp hoạt động là nhằm bảo đảm lợi ích của nhân dân, lợi ích của cộng đồng xã hội. Theo Ban chủ nhiệm đề tài, đây là những ý kiến rất đáng tham khảo.