•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tin hội thảo khoa học “Chính sách, pháp luật về an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay”

03/05/2010
An sinh xã hội (ASXH) là cụm từ được dùng phổ biến gần đây trong các văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước. ASXH là một hình thức bảo trợ mà xã hội (gồm Nhà nước và cộng đồng) dành cho người dân thông qua nhiều biện pháp (bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, ưu đãi xã hội) không chỉ giúp các cá nhân tự phòng ngừa mà còn có thể vượt qua những khó khăn gặp phải từ suy giảm nguồn thu nhập, mất việc, ốm đau, thai sản, thương tật và những rủi ro khác.

An sinh xã hội (ASXH) là cụm từ được dùng phổ biến gần đây trong các văn kiện của Đảng, chính sách của Nhà nước. ASXH là một hình thức bảo trợ mà xã hội (gồm Nhà nước và cộng đồng) dành cho người dân thông qua nhiều biện pháp (bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, ưu đãi xã hội) không chỉ giúp các cá nhân tự phòng ngừa mà còn có thể vượt qua những khó khăn gặp phải từ suy giảm nguồn thu nhập, mất việc, ốm đau, thai sản, thương tật và những rủi ro khác.

    Trong các ngày 19, 20/04/2010 tại Hà Nội và 22, 23/04/2010 tại Cần Thơ, hội thảo “Chính sách, pháp luật về ASXH ở Việt Nam hiện nay” do Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS (CHLB Đức, tại Việt Nam) tổ chức. Nhiều đại biểu và nhà khoa học là lãnh đạo các bộ, ngành, viện, trường, và địa phương như: Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện KAS, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình và thành phố Cần Thơ, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Đại học Khoa học ứng dụng Mũenchen (CHLB Đức)… đã tham dự hội thảo.

    Hội thảo đã nghe các tham luận và nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu xoay quanh nội dung cần thiết phải xây dựng hệ thống chính sách ASXH phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thực hiện công bằng xã hội, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo. Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ASXH giữ một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của mỗi quốc gia, thời gian qua, nhận thức về ASXH đã có bước phát triển nhưng chưa được xây dựng thành hệ thống, thiếu sự liên kết và chưa mang tầm chiến lược. Mặc dù, Nhà nước đã ban hành trên 50 loại chính sách về ASXH liên quan đến các đối tượng; hệ thống cơ chế chính sách và pháp luật ASXH có sửa đổi, bổ sung nhưng chưa theo kịp thực tế hoặc không còn phù hợp, nhất là các chính sách đối với dân cư vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

    Các đại biểu cũng tập trung phân tích những hạn chế trong việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách pháp luật về ASXH với nhiều rào cản, gây phiền hà, làm người dân khó tiếp cận; hiện tượng lãng phí, thất thoát, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều nơi. Trên thực tế, nhiều vấn đề ASXH cần có sự đầu tư chủ yếu từ ngân sách Nhà nước thì lại có xu hướng xóa bao cấp tràn lan, thị trường hóa bằng bất cứ giá nào. Trong khi đó, một số chính sách lại được bao cấp nặng theo kiểu ban phát, với cơ chế xin - cho, dẫn đến ỷ lại, trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước…

    Từ các ý kiến trao đổi của các đại biểu, hội thảo thống nhất quan điểm phải phát triển hệ thống ASXH có trọng tâm, chú ý đến người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người lao động mất việc… Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổ chức thực hiện ASXH, khuyến khích và mở rộng sự tham gia của các đối tượng, thành phần trong xã hội; phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng trong thực hiện các mục tiêu ASXH. Đồng thời, cũng cần cụ thể hóa các quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều tiết các nguồn vận động cứu trợ xã hội, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả, hạn chế sai sót, tiêu cực có thể xảy ra.