Đông đảo các đại biểu, nhà khoa học đến từ: Viện Nhà nước và Pháp luật, Đại học Sài Gòn, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Sở Nội vụ Tp.Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Luật Tp.Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu phát triển Tp.Hồ Chí Minh.
Đại diện Viện Nhà nước và Pháp luật và Đại học Sài Gòn đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã tập trung vào việc phân tích những đặc trưng, nguyên tắc có tính phổ quát của Nhà nước pháp quyền cũng như những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, sau 10 năm thực hiện Điều 2 Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, hiện rất cần phải tổng kết việc xây dựng Nhà nước pháp quyền phù hợp với tình hình mới, đánh giá những thành tựu và đưa ra những luận cứ khoa học cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020.
Các nhà khoa học đã đánh giá những chuyển biến tích cực trong tư duy lý luận chính trị và pháp lý, nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI ghi nhận rõ tầm quan trọng của Nhà nước pháp quyền khi bổ sung thêm nội dung rất có ý nghĩa và cần thiết, đó là “kiểm soát quyền lực” vào nguyên tắc “phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.
Hội thảo cũng phân tích những hạn chế, bất cập và tồn tại trong nhận thức và thực tiễn của việc thực hiện mô hình Nhà nước pháp quyền tại nước ta. Đó là những hạn chế trong lĩnh vực thể chế hóa pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật và xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước. Ngoài ra, nhiều nhà khoa học và nhà quản lý đến từ Tp.Hồ Chí Minh đã chỉ ra thực trạng xây dựng Nhà nước pháp quyền trên địa bàn thành phố. Từ những phân tích này, các nhà khoa học, các nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền phù hợp với đặc thù của Việt Nam và trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với một số định hướng chiến lược như:
-
Phân định rõ quyền, mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp;
- Phân cấp rõ hơn thẩm quyền quản lý và mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương;
- Khẳng định quyền giám sát và xây dựng cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực nhà nước.Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch Đoàn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đồng thời đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm đẩy mạnh tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong thời gian hiện nay.