Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); các đồng chí đại diện cho Ban Quản lý khoa học, Ban Hợp tác quốc tế, Văn phòng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm và toàn thể viên chức, người lao động Viện Nhà nước và Pháp luật.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị (từ phải sang trái): TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Phạm Thị Thúy Nga, TS. Trần Văn Biên
Sau phần chào cờ, Hội nghị đã bầu Đoàn Chủ tịch điều hành cuộc họp gồm 03 đồng chí: TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện), TS. Nguyễn Linh Giang (Phó Viện trưởng), TS. Trần Văn Biên (Chủ tịch Công đoàn). TS. Nguyễn Thị Hường là thư ký Hội nghị.
Tại Hội nghị, TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024. Phần trình bày tập trung vào việc chỉ ra những mặt tích cực, nổi bật cũng như hạn chế, khó khăn trong hoạt động của Viện, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Về công tác quản lý điều hành, trong năm 2023, bằng nhiều hình thức khác nhau, Chi bộ, Chi ủy, Lãnh đạo Viện đã thường xuyên, kịp thời phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, quy định của Viện Hàn lâm, kế hoạch công tác năm 2023 tới toàn thể viên chức, người lao động của Viện và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đã được Lãnh đạo Viện thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, phân công, ủy quyền, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy vai trò của người đứng đầu (Viện, phòng, đoàn thể). Ngay từ đầu năm, Viện đã quán triệt, hưởng ứng và phát động thi đua theo phương châm “Đoàn kết, Kỷ cương, Sáng tạo, Phát triển” do Viện Hàn lâm đưa ra. Nhiệm vụ được giao cho từng đơn vị và cá nhân cơ bản phù hợp với chức năng, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực viên chức, người lao động. Viện đã tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động nghiên cứu của Viện và của từng lĩnh vực nghiên cứu. Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, Viện đã tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất do cấp trên giao.
Viện tiếp tục khuyến khích nghiên cứu đa ngành, liên ngành. Các viên chức là tiến sĩ, có kinh nghiệm từ 10 năm trở lên mở rộng lĩnh vực nghiên cứu sang những lĩnh vực mà Viện đang thiếu hụt nhân lực. Đối với các viên chức tham gia các nhóm nghiên cứu chuyên sâu có đăng ký đề án và lịch sinh hoạt khoa học thường xuyên thì được Hội đồng khoa học xem xét, đề nghị Lãnh đạo Viện và Phòng chuyên môn xem xét lĩnh vực nghiên cứu mới đó như là một nhiệm vụ nghiên cứu chính thức khi xem xét đánh giá các công trình công bố. Viện cũng có chính sách khuyến khích các cá nhân xuất bản sách chuyên khảo từ chuỗi đề tài cơ sở thực hiện trong 2-3 năm; có hình thức khen thưởng với các cá nhân, tập thể thành viên đề tài cơ sở có sách chuyên khảo xuất bản từ sản phẩm đề tài cơ sở hoặc có bài tạp chí ISI/Scopus ghi rõ bài tạp chí là sản phẩm đề tài do Viện là cơ quan chủ trì và tác giả bài viết là thành viên đề tài.
Toàn cảnh Hội nghị
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Đề tài cấp nhà nước “Hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế - nội dung trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” thuộc Chương trình Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021 – 2025, mã số KX.04/21-25 của Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành tất cả các nội dung khoa học theo đúng kế hoạch.
Giai đoạn 2023-2024, Viện triển khai 06 đề tài cấp bộ, 01 báo cáo thường niên và 01 đề tài cấp bộ thuộc Chương trình trọng điểm cấp bộ của Viện Hàn lâm. Các đề tài đều đang triển khai nghiên cứu theo kế hoạch, đề tài báo cáo thường niên năm 2023 đã nghiệm thu cấp cơ sở và đang chuẩn bị nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm. Trong năm 2023, Viện thực hiện 25 đề tài cấp cơ sở và đã được nghiệm thu.
Ngoài các hội thảo, tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ các đề tài, Viện tổ chức thành công 01 hội thảo quốc tế phối hợp với Trường Đai học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 01 hội thảo cấp Viện Hàn lâm, 04 hội thảo cấp Viện chuyên ngành, 12 tọa đàm thuộc hoạt động khoa học chung.
Hoạt động tư vấn, góp ý xây dựng văn bản pháp luật cho các bộ, ngành vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2023, tổng số văn bản gửi đến Viện để góp ý là 30 văn bản. Đặc biệt, Viện được Chủ tịch Viện Hàn lâm tin tưởng giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị nội dung phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật (8 lượt). Ngoài ra, một số viên chức của Viện có các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, phản biện chính sách cho Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và tổ chức thi hành pháp luật, tư vấn cho đại biểu quốc hội.
Trong hoạt động hợp tác nghiên cứu, Viện đã mở rộng hoạt động hợp tác trong nước thông qua việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh. Kết quả của thỏa thuận này là sự phối hợp trong việc đồng tổ chức và chủ trì các cuộc hội thảo với các đối tác. Viện tiếp tục duy trì hoạt động hợp tác với Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua việc phối hợp cả về kinh phí và nhân lực trong tổ chức hội thảo quốc tế “Phòng chống tác hại của thuốc lá: Kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp và Việt Nam”. Kết quả Hội thảo đang được biên tập để xuất bản thành sách và một số bài viết được lựa chọn đăng trên tạp chí của Pháp.
Hoạt động hợp tác với các đơn vị tại địa phương cũng được Viện Nhà nước và Pháp luật tích cực quan tâm. Năm 2023, Viện đã phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Tây Ninh, Lào Cai tổ chức các chuyến khảo sát, tọa đàm thực tế tại các địa phương nhằm tăng cường hoạt động hợp tác.
Trong triển khai thực hiện KPI, các quy định về định mức nghiên cứu của viên chức được cập nhật hàng năm cho phù hợp với thực tiễn của đơn vị. Việc thực hiện KPI đã được phổ biến đến toàn thể viên chức trong Viện để các cá nhân chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động khoa học và thống kê, minh chứng.
Số lượng các công bố xuất bản quốc tế là 05 bài, trong đó có 02 bài tạp chí trong danh mục ISI/Scopus, 03 bài viết trong sách xuất bản ở nước ngoài. Viện đã tuyên truyền và khuyến khích toàn thể viên chức trong Viện chú trọng đến công tác thống kê các kết quả nghiên cứu một cách hệ thống kèm theo minh chứng đầy đủ để từ đó nâng cao điểm số KPI của toàn Viện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác năm 2023 của Viện Nhà nước và Pháp luật còn một số mặt hạn chế, yếu kém sau:
- Chất lượng sản phẩm khoa học và tư vấn chính sách chưa sâu, chưa giải đáp được hết những vấn đề thời sự, cấp bách đang đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc tổ chức và triển khai nghiên cứu tại một số đơn vị, cá nhân chưa thực sự khoa học và hiệu quả; tiến độ triển khai một số nhiệm vụ tư vấn, góp ý văn bản pháp luật còn chậm so với kế hoạch.
- Số lượng đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành có xu hướng ngày càng giảm trong khi đội ngũ kế cận chưa đủ trưởng thành, cần thời gian để tích lũy và phát triển; số cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết với khoa học không nhiều, chưa được đào tạo và hướng dẫn bài bản. Trong khi đó, sự say mê nghiên cứu khoa học đang bị hạn chế rất nhiều do sức hút từ các hoạt động giảng dạy mang lại thu nhập cao hơn và dễ dàng hơn nhiều so với việc nghiên cứu cơ bản.
- Việc xây dựng kế hoạch nghiên cứu trong một thời gian ngắn từ khâu đề xuất, xây dựng thuyết minh đến khâu hoàn thiện thuyết minh nên đã ảnh hưởng phần nào đến chất lượng thuyết minh các đề tài.
- Số lượng viên chức trình độ cao nghỉ hưu (từ 2020-10/2023) tập trung ở lĩnh vực nghiên cứu về Nhà nước, nghiên cứu về luật quốc tế (đặc biệt là luật biển) là những lĩnh vực quan trọng của Viện, nhưng chưa có lực lượng thay thế đủ khả năng đảm đương thực hiện nhiệm vụ.
- Hoạt động hợp tác quốc tế gặp một số khó khăn do số lượng nhân sự làm công tác đối ngoại vẫn còn bị hạn chế và không thể bổ sung thêm cán bộ mới. Việc quản lý các nguồn viện trợ theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP còn gặp một số khó khăn. Năm 2023, Viện không xin được giấy phép cho các hoạt động hợp tác quốc tế.
TS. Nguyễn Linh Giang công bố các quyết định khen thưởng đối với cá nhân và tập thể
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, mục tiêu chung của Viện Nhà nước và Pháp luật là xây dựng tập thể đoàn kết, ổn định, phát triển; hoàn thành đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do Lãnh đạo Viện Hàn lâm giao; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao hiệu quả làm việc, nhất là chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học; duy trì kỷ luật lao động, đạo đức và trách nhiệm công vụ.
Trong đó, Viện đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy vai trò các tổ chức trong Viện, đó là:
- Gắn việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Viện với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 04-NQ/TW BCHTW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các nghị quyết khác của Đảng.
- Đào tạo, bồi dưỡng chất lượng đội ngũ viên chức nghiên cứu. Từng bước khắc phục sự hẫng hụt thế hệ, gắn với đào tạo đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của các Chủ nhiệm đề tài các cấp trong việc thực hiện các đề tài, nhiệm vụ. Thực hiện kiểm tra định kỳ và đột xuất tiến độ thực hiện các đề tài, nhiệm vụ và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo.
- Phát huy vai trò của các Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng phụ trách giao nhiệm vụ cụ thể từng viên chức.
- Tiếp tục duy trì, củng cố khối đoàn kết, hợp tác, thân thiện; mỗi cá nhân có ý thức trách nhiệm, có niềm tin và sự cố gắng cao hơn để xây dựng một tập thể vững mạnh, thống nhất, làm việc có hiệu quả.
- Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội trong Viện; phối hợp, động viên, hỗ trợ của các thiết chế trong hệ thống chính trị cơ sở thực hiện tốt sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của họ.
- Nghiêm túc và công minh trong đánh giá viên chức. Áp dụng đúng Quy chế Quản lý hoạt động khoa học trong đánh giá hoạt động quản lý và kết quả hoạt động khoa học của cá nhân. Khuyến nghị các viên chức đang theo học các khóa đào tạo phải hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, sử dụng kết quả học tập như là một trong những tiêu chí đánh giá phân loại viên chức năm 2024.
- Tăng cường hợp tác nghiên cứu, trao đổi khoa học trong nước và quốc tế. Khuyến khích cán bộ nghiên cứu trẻ gắn kết nghiên cứu với đào tạo, tham gia đào tạo đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong nước.
- Áp dụng cơ chế khen thưởng đối với các viên chức có thành tích trong nghiên cứu khoa học, đào tạo và phục vụ nghiên cứu hoặc theo các lĩnh vực công tác. Khuyến khích các sáng kiến, cải tiến trong công tác thông qua sự hỗ trợ, động viên về tinh thần và vật chất.
- Đôn đốc, kiểm tra hoạt động của các nhóm nghiên cứu chuyên sâu đã được hình thành chính thức nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và mục tiêu đề ra.
Từ thực tiễn triển khai các hoạt động công tác năm 2023 và căn cứ phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024, Viện Nhà nước và Pháp luật đề xuất, kiến nghị với Lãnh đạo Viện Hàn lâm, các Ban chức năng của Viện Hàn lâm về công tác tổ chức - cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng; hợp tác quốc tế và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Trong đó, về công tác tổ chức – cán bộ, đề xuất Viện Hàn lâm sớm ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Viện Nhà nước và Pháp luật. Đây là văn bản quan trọng trong Đề án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của đơn vị, trên cơ sở văn bản này Viện ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện và sắp xếp lại nhân sự theo nội dung Đề án đã được thẩm định, phê duyệt và triển khai xin phê duyệt tuyển dụng nhân sự theo đề xuất tại Đề án.
Trong công tác hợp tác quốc tế, cần tăng cường sự liên kết giữa các đơn vị của Viện Hàn lâm với nhau, tạo thành mạng lưới có tính liên ngành trong hợp tác quốc tế. Viện cũng đề nghị Viện Hàn lâm và Ban Hợp tác quốc tế tiếp tục có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 8/7/2020 về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam để triển khai một cách thống nhất trong toàn Viện Hàn lâm.
Sau phần trình bày dự thảo Báo cáo của TS. Phạm Thị Thúy Nga, thay mặt Lãnh đạo Viện, TS. Nguyễn Linh Giang công bố các quyết định khen thưởng năm 2023 đối với tập thể và cá nhân.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu bày tỏ sự vui mừng vì thành tích khởi sắc hơn những năm trước và biểu dương các kết quả đạt được của Viện dù gặp phải một số khó khăn chung của Viện Hàn lâm và khó khăn riêng của Viện. Góp ý cho dự thảo Báo cáo, Đồng chí Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm về cơ bản đồng ý với nội dung của dự thảo. Về giải pháp rà soát, hoàn thiện quy chế quản lý nội bộ, đồng chí góp ý Viện cần phải xây dựng Chiến lược phát triển của Viện trên cơ sở Chiến lược phát triển của Viện Hàn lâm đến năm 2030. Viện cũng cần hoàn thiện Đề án vị trí việc làm trong quý 1 năm 2024 để làm tiền đề cho việc cải cách tiền lương, ngoài ra cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng góp ý dự thảo văn bản pháp luật.
Tiếp theo, Hội nghị đã tiến hành góp ý, thảo luận về nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết. Các ý kiến thảo luận đều cho rằng, dự thảo Báo cáo đã được xây dựng rất nghiêm túc, bao quát được hầu hết các hoạt động của Viện, đánh giá đầy đủ những điểm mạnh, điểm yếu trong hoạt động của Viện trên tinh thần thẳng thắn, trung thực.
ThS. Cao Việt Thăng góp ý cho dự thảo Báo cáo tổng kết
ThS. Cao Việt Thăng cho rằng, các đồng chí lãnh đạo phòng cần chỉ đạo các thành viên trong phòng xây dựng kế hoạch hoạt động của năm sớm để tránh việc thực hiện các công việc bị dồn dập vào cuối năm làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nghiên cứu cũng như việc hoàn thiện hồ sơ, giấy tờ.
Liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế, dù một số vướng mắc trong Nghị định số 80/2020/NĐ-CP đã dần được tháo gỡ nhưng do lĩnh vực nghiên cứu của Viện liên quan đến thẩm quyền cho ý kiến của Bộ Tư pháp về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật nên TS. Nguyễn Linh Giang mong muốn và đề xuất Ban Hợp tác quốc tế tạo thuận lợi cho Viện trong các hoạt động này.
Hội nghị cũng nhận được các ý kiến góp ý của TS. Trần Văn Biên, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, ThS. Nguyễn Lê Dân, đồng chí Nguyễn Thị Ngân về các vấn đề liên quan đến: nhân sự của Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; công tác tài chính; hoạt động tư vấn pháp luật; hoạt động của Đoàn Thanh niên…
Đồng chí Đặng Ngọc Đức (Ban Quản lý khoa học) phát biểu ý kiến
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đặng Ngọc Đức (Ban Quản lý khoa học) ghi nhận thành tích của Viện trong hoạt động quản lý khoa học, các công việc phát sinh khách quan và chủ quan do Viện Hàn lâm giao đều được Viện hoàn thành tốt. Về kinh phí cho hoạt động góp ý văn bản pháp luật, Ban Quản lý khoa học sẽ báo cáo Lãnh đạo Viện Hàn lâm sau khi có quyết định phân bổ ngân sách chung cho Viện Hàn lâm.
Đồng chí Nguyễn Phương Mai, đại diện Công đoàn Viện Hàn lâm, ghi nhận tập thể Viện tham gia rất nhiệt tình các hoạt động công đoàn và giành được nhiều thành tích. Vì thế, đồng chí đề xuất các hoạt động này, đặc biệt là các thành tích trong các giải thể thao được tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Viện Hàn lâm như thi đấu cầu lông, bóng đá, kéo co cần phải đưa vào trong Báo cáo tổng kết.
Đồng chí Nguyễn Phương Mai, đại diện Công đoàn Viện Hàn lâm
Hội nghị cũng thu nhận những ý kiến, trao đổi của đồng chí Trịnh Tố Na (Ban Hợp tác quốc tế), đồng chí Nguyễn Thúy Anh (đại diện Đoàn Thanh niên Viện Hàn lâm).
Phát biểu tổng kết Hội nghị, TS. Phạm Thị Thúy Nga khẳng định, Viện sẽ lĩnh hội những ý kiến chỉ đạo, góp ý của Phó Chủ tịch PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và các đồng chí của các Ban, đoàn thể Viện Hàn lâm về nhiệm vụ trong thời gian tới liên quan đến phát triển nhân lực, vị trí việc làm, hỗ trợ về vật chất cho các nhà khoa học triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu… Viện cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi KPI cho phù hợp hơn, không những chỉ là các sản phẩm khoa học mà còn cần ghi nhận những cống hiến của các cá nhân cho công tác quản lý của Viện. Đồng chí Phạm Thị Thúy Nga chúc các vị đại biểu và toàn thể viên chức có một năm mới an khang, thịnh vượng.
Toàn thể đại biểu và viên chức, người lao động Viện Nhà nước và Pháp luật chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị