Tham dự Lễ kỷ niệm và Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Đức Dũng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) có TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các đồng chí là lãnh đạo Văn phòng, các ban của Viện Hàn lâm; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Viện Hàn lâm cùng các nhà khoa học được khen thưởng có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2024.

Chủ tịch Viện Hàn lâm TS. Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, thay mặt Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Hàn lâm, TS. Phan Chí Hiếu gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu khách mời. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Chủ tịch Phan Chí Hiếu cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể đại biểu, đặc biệt là các nhà nghiên cứu đã và đang đóng góp cho sự nghiệp khoa học nước nhà.
Chủ tịch Phan Chí Hiếu cho biết, Viện Hàn lâm tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 để ghi nhận, vinh danh các nhà khoa học của Viện Hàn lâm đã có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học trong năm 2024 và tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI): Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay”. Qua đó, ông mong muốn hoạt động hội thảo sẽ được tổ chức thường niên nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam theo những chủ đề khác nhau và từng bước trở thành diễn đàn chung của giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) của cả nước.
Viện Nhà nước và Pháp luật vui mừng và vinh hạnh khi có 04 nhà khoa học được nhận bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm. PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa, TS. Nguyễn Linh Giang, TS. Phạm Thị Hương Lan và TS. Hoàng Kim Khuyên là chủ nhiệm của các đề tài cấp Bộ triển khai trong năm 2023 - 2024 đã nghiệm thu đạt loại xuất sắc.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm PGS.TS. Tạ Minh Tuấn phát biểu đề dẫn hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, nhiều quốc gia châu Á đã có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển và ứng dụng AI. Nhật Bản là ví dụ điển hình với lịch sử phát triển AI qua nhiều giai đoạn, từ những năm 1960 - 1970 với việc phát triển robot tích hợp trí tuệ nhân tạo như WABOT-1, đến thời kỳ bùng nổ thập niên 1980 với "Dự án Máy tính Thế hệ thứ 5" và hiện nay đã bước vào thời kỳ phát triển AI lần thứ ba với sự ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như sản xuất, y tế, giao thông, giáo dục và chăm sóc người cao tuổi. Việt Nam với hơn 78 triệu người dùng Internet, đây là nền tảng quan trọng cho việc phát triển và ứng dụng AI. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế về chất lượng hạ tầng dữ liệu và khung pháp lý về AI còn thiếu cụ thể.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm hy vọng, hội thảo sẽ thảo luận và tìm ra những giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy ứng dụng AI trong nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam, qua đó, đóng góp những ý tưởng và đề xuất giải pháp phù hợp, góp phần xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng AI trong nghiên cứu KHXH&NV theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW, đồng thời mở ra hướng đi mới cho nghiên cứu liên ngành trong kỷ nguyên số.
Hội thảo đã thu nhận được 25 tham luận, trong đó Ban Tổ chức lựa chọn 03 báo cáo trình bày trực tiếp tại Hội thảo, một trong số đó là của TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật với chủ đề “Nhận diện thách thức và kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý đối với hoạt động ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam”.

TS. Phạm Thị Thúy Nga trình bày tham luận
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo AI đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực KHXH&NV, việc thiếu vắng khung pháp lý điều chỉnh đang đặt ra nhiều nguy cơ về đạo đức, minh bạch và quyền con người. Tại Việt Nam, để xây dựng hành lang pháp lý cho ứng dụng AI trong nghiên cứu KHXH&NV, có thể cân nhắc ba định hướng cơ bản, đó là: (i) Bổ sung nội dung về đạo đức và trách nhiệm pháp lý trong các văn bản điều chỉnh hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt trong Luật Khoa học và Công nghệ và Luật An toàn thông tin; (ii) Phát triển bộ quy tắc đạo đức nghiên cứu áp dụng riêng cho các lĩnh vực có sử dụng AI, do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các tổ chức học thuật chủ trì; (iii) Xây dựng cơ chế thí điểm (regulatory sandbox) cho các đề tài nghiên cứu có sử dụng AI để đánh giá rủi ro, kiểm định chuẩn mực và thử nghiệm khung pháp lý phù hợp với bối cảnh xã hội - văn hóa Việt Nam.
Tham luận đã đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động ứng dụng AI trong KHXH&NV. Một khung pháp lý cởi mở nhưng kiểm soát hiệu quả sẽ giúp AI trở thành công cụ phục vụ con người, bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển tri thức xã hội bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (thứ hai từ trái sang) và TS. Phạm Thị Thúy Nga chia vui với PGS.TS. Dương Quỳnh Hoa
(ngoài cùng bên trái) và TS. Phạm Thị Hương Lan, những nhà khoa học được nhận bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm
Hai tham luận khác được trình bày tại hội thảo là của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội (Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực KHXH&NV: cơ hội, thách thức và định hướng cho Việt Nam) và TS. Hà Văn Cẩn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kháo cổ học (Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khảo cổ học). Sau đó, hội thảo đã thu nhận những ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề liên quan đến các tham luận cũng như những vấn đề khác.
Trên cơ sở tổng hợp nội dung các tham luận và ý kiến đã đưa ra, phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh, những ý tưởng, kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp được chia sẻ tại hội thảo không chỉ làm rõ tiềm năng to lớn của AI trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học xã hội, mà còn chỉ ra những thách thức cần vượt qua, từ đảm bảo tính minh bạch, công bằng của thuật toán, đến việc xây dựng nguồn dữ liệu chất lượng cao và phát triển đội ngũ nhân lực có năng lực. Bên cạnh đó, hội thảo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác liên ngành và kết nối quốc tế để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong lĩnh vực này.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm cho biết, Ban Tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp để xây dựng báo cáo chi tiết, làm cơ sở cho các đề xuất chính sách và chương trình nghiên cứu sắp tới.

TS. Phan Chí Hiếu và PGS.TS. Tạ Minh Tuấn trao bằng khen, tặng hoa chúc mừng các nhà khoa học đã có thành tích
xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2024