•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tổ chức và tham gia hội thảo về phòng chống tác hại của thuốc lá theo pháp luật Việt Nam và quốc tế - Cách làm hay trong tuyên truyền phòng, chống ma túy

14/10/2024
Ngày 05/10/2023, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Trường Đại học Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Aix Marseille (Pháp) tổ chức Hội thảo quốc tế “Phòng chống tác hại của thuốc lá – Nghiên cứu so sánh pháp luật Pháp và Việt Nam”.

TS. Nguyễn Linh Giang (ngồi giữa) điều hành hội thảo

 

Các công đoàn viên Viện Nhà nước và Pháp luật đã tham gia rất tích cực và có trách nhiệm trong mọi công tác tổ chức của hội thảo. Trong đó, TS. Nguyễn Linh Giang, Phó Viện trưởng, đóng vai trò quan trọng trong việc đồng chủ trì, điều hành hội thảo với các chuyên gia, nhà khoa học khác. Cùng với đó, 04 đồng chí của Viện có bài tham luận và đông đảo các đồng chí khác tham gia và trực tiếp phát biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo.

 

Hút thuốc lá rất có hại cho sức khỏe, nhưng lượng tiêu thụ thuốc lá vẫn nhiều, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới: 5,3 triệu người trưởng thành đang hút, trong đó, 41,2% là nam giới, 1,6% là nữ giới; 5,9% thiếu niên nam và 1,2% thiếu niên nữ hút thuốc lá hằng ngày. Việt Nam cũng có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó tỷ lệ không nhỏ trong số này có sử dụng ma túy thông qua chất gây nghiện có trong các loại thuốc lá (thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…) hoặc do thường xuyên hút thuốc lá dẫn đến dùng ma túy.

 

Một trong những nguyên tắc để phòng, chống tác hại của thuốc lá là bảo đảm quyền của mọi người được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá và được thông tin đầy đủ về tác hại của thuốc lá. Việc bảo đảm tiêu chuẩn không khói thuốc lá tại nơi làm việc sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ người hút thuốc lá. Thời gian làm việc trung bình trong một ngày của người lao động là 8 giờ đồng hồ. Nếu duy trì thường xuyên việc không sử dụng thuốc lá tại nơi làm trong khoảng thời gian làm việc sẽ giúp người lao động giảm tình trạng nghiện thuốc lá và dần dần bỏ được việc hút thuốc lá. Phát biểu tại hội thảo, TS. Hoàng Kim Khuyên (phòng Pháp luật Kinh tế) đã đưa ra một số giải pháp để xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp như:

  • Sử dụng các biện pháp nhân quyền để bảo đảm bình đẳng giới, bảo đảm công bằng, sức khỏe cho người lao động để thúc đẩy kiểm soát thuốc lá tại nơi làm việc;
  • Cần đưa quy định về “quyền có một nơi làm việc không khói thuốc lá” vào một trong các đạo luật như: Luật Việc làm, Bộ luật Lao động, Luật An toàn vệ sinh lao động;
  • Cần bảo đảm nghiêm túc các biện pháp kiểm soát khói thuốc như: đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa tiêu chí không khói thuốc tại nơi làm vào tiêu chí thi đua; đưa tiêu chí về phòng, chống tác hại của thuốc lá vào việc xét công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa và đánh giá kết quả thực hiện vào cuối năm. 

TS. Hoàng Kim Khuyên đề xuất một số giải pháp để xây dựng môi trường không khói thuốc

 

Tại hội thảo, ThS. Cao Thị Lê Thương (phòng Pháp luật Tư pháp) và một số chuyên gia khác đã trao đổi, thảo luận về những ảnh hưởng tiêu cực của thuốc lá điện tử ở Việt Nam. Đồng chí nhận định, thuốc lá điện tử (TLĐT) có nguy cơ cao làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh, trật tự xã hội. Điều này là do TLĐT sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên hoàn toàn có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn này. TLĐT có thiết kế mở (phần chứa dung dịch tách rời có thể tự nạp) nên người dùng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotin quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng nên khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng TLĐT cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng các loại thuốc lá mới với các tệ nạn xã hội như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm TLĐT để hướng đến đối tượng học sinh, sinh viên và giới trẻ đang rất phức tạp. Một số vụ việc đã được điều tra, phát hiện, điển hình như những trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong TLĐT đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy (Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an).

 

Thực tế cho thấy, tỷ lệ người sử dụng TLĐT ở Việt Nam có xu hướng gia tăng ở các thành phố lớn, trong nhóm có mức sống khá trở lên và trong giới trẻ. Một trong những lý do lý giải cho việc gia tăng sử dụng TLĐT là tính dễ tiếp cận, dễ mua bán những sản phẩm này qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cả trực tiếp cũng như trực tuyến qua mạng xã hội và các website bán hàng. Ở Việt Nam, TLĐT chưa được cấp phép sử dụng, kinh doanh vì thế các sản phẩm của TLĐT hầu hết được đưa về nước theo đường xách tay, nhập lậu và chưa có các số liệu thống kê cụ thể về thực trạng kinh doanh. Việc nhập lậu, không có sự kiểm soát, quản lý chính thức từ cơ quan nhà nước có thể dẫn đến các sản phẩm từ TLĐT không phải là hành thật mà là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hoặc thành phần có thêm chất gây nghiện, chất ma túy.

 

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm

 

ThS. Cao Thị Lê Thương cho rằng, nếu không thể cấm hoàn toàn được TLĐT thì để có thể quản lý và phòng, chống tác hại của TLĐT thì trước hết Việt Nam cần có những quy định về TLĐT trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản quy phạm pháp luật khác, từ định nghĩa cho đến những quy định về quản lý thị trường, quảng cáo, tiếp thị, sử dụng nơi công cộng, độ tuổi sử dụng…

 

Ngoài ra, hội thảo còn lắng nghe 02 tham luận của các công đoàn viên Viện là TS. Nguyễn Thị Hường và ThS. Nguyễn Thu Dung cùng với những ý kiến của TS. Trần Văn Biên, TS. Nguyễn Tiến Đức, TS. Lê Thương Huyền và các đồng chí khác.

 

Nhìn chung, các tham luận và những trao đổi, thảo luận xác đáng, có tính khoa học của các nhà nghiên cứu, các đoàn viên Công đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật đã chứng minh tác hại của thuốc lá cũng như ma túy và từ đó đề xuất một số giải pháp để có thể phòng, chống ma túy hiệu quả. 

 

Phạm Xô Việt

(Đoàn viên Công đoàn Viện Nhà nước và Pháp luật)