1. KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU CHỦ YẾU CỦA CHUYÊN NGÀNH LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Cùng với sự xây dựng và trưởng thành của Viện Nhà nước và Pháp luật, chuyên ngành Lịch sử nhà nước và pháp luật đã trải qua ba giai đoạn phát triển cơ bản. Mỗi giai đoạn đó đều đánh dấu những thay đổi quan trọng về nhiệm vụ nghiên cứu, lực lượng nghiên cứu và cách thức tổ chức nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ nghiên cứu. Đồng thời, mỗi giai đoạn cũng để lại những dấu ấn quan trọng trong thành tựu nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật và của khoa học Lịch sử nhà nước và pháp luật.
1.1. Hoạt động nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật tại Tổ Luật học- tiền thân của Viện Nhà nước và Pháp luật (1959- 1967)
Khác với một số lĩnh vực nghiên cứu luật học, chuyên ngành nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật đã được chú trọng ngay từ đầu, gắn liền với sự ra đời và nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản của Tổ Luật học thuộc Uỷ ban khoa học Nhà nước từ tháng 8 năm 1959. Trong 5 Phân tổ của Tổ luật học, bộ phận nghiên cứu Lịch sử nhà nước và pháp luật thuộc Phân tổ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp quyền.Trên thực tế, hầu hết số cán bộ thuộc Tổ Luật học lúc đó đều tham gia nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật ở các mức độ khác nhau. Có thể nói, việc nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật là mảng nghiên cứu nổi bật nhất trong hoạt động nghiên cứu của Tổ luật học lúc đó (mặc dù cho đến thời điểm đó, ở nước ta lịch sử nhà nước và pháp luật chưa tồn tại với tư cách là một khoa học độc lập). Cũng do vậy, ngay từ đầu, thành quả nghiên cứu trong chuyên ngành Lịch sử nhà nước và pháp luật đã tương đối nhiều về số lượng, khá đa dạng về chủ đề và phong phú về nội dung. Trong đó, các hướng nghiên cứu nổi bật là: Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX; Thành tựu và kinh nghiệm xây dựng Nhà nước và pháp luật của Cách mạng Việt Nam phục vụ cuộc đấu tranh thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, thực hiện thống nhất đất nước; Tổ chức, hoạt động và kinh nghiệm xây dựng Nhà nước Xô viết...Kết quả nghiên cứu được công bố dưới dạng các bài viết và được đăng tải chủ yếu ở các tập “Nghiên cứu Nhà nước và pháp quyền” do Tổ Luật học biên soạn và các tập sách “ Nhà nước và pháp luật” do Hội Luật gia chủ trì biên soạn.
1.2. Hoạt động nghiên cứu Lịch sử nhà nước và pháp luật tại Viện Nhà nước và pháp luật trong giai đoạn trước đổi mới ( 1967- 1986)
Năm 1967, với việc thành lập Viện Luật học, Phân tổ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp quyền được nâng lên thành Tổ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật và sau đó là Ban Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật.
Trong định hướng và nhiệm vụ nghiên cứu của Viện Luật học, chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật là một lĩnh vực độc lập song lại có vai trò hỗ trợ rất quan trọng đối với các lĩnh vực khác thông qua việc nghiên cứu làm sáng tỏ những khía cạnh lịch sử của các hiện tượng Nhà nước và pháp luật vốn là đối tượng nghiên cứu của các chuyên ngành khác. Vì vậy, đặc điểm dễ nhận thấy trong hoạt động nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật ở Viện Luật học là tính đa dạng về chủ đề nghiên cứu, tính hiệu quả của phương thức tổ chức nghiên cứu và tính phong phú của các sản phẩm nghiên cứu.
Ngay đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, sự thừa nhận của giới nghiên cứu về vị trí độc lập của khoa học Lịch sử Nhà nước và pháp luật đã tạo ra môi trường khoa học rộng lớn hơn cho sự phát triển của chuyên ngành lịch sử Nhà nước và pháp luật tại Viện Luật học. Lực lượng nghiên cứu được tăng cường. Nhóm chuyên gia nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật được hình thành, bao gồm các luật gia nổi tiếng như: Vũ Đình Hòe, Trần Công Tường, Nguyễn Ngọc Minh, Đinh Gia Trinh, Vũ Bội Tấn, Vũ Văn Hoàn... Nhiều vấn đề về lịch sử tổ chức và hoạt động của Nhà nước Việt Nam thời kỳ trước và sau Cách mạng tháng Tám đã được tập trung làm sáng tỏ. Nhiều bài viết đã được công bố. Đồng thời, dựa trên những kết quả nghiên cứu bước đầu, Viện đã cho xuất bản hai cuốn sách chuyên khảo:
- Cuốn “ Sơ thảo lịch sử Nhà nước và pháp quyền Việt Nam, từ nguồn gốc đến thời kỳ phong kiến” của Đinh Gia Trinh, Nxb Khoa học xã hội, H.,1968. Đây là cuốn chuyên khảo đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước và pháp luật Việt Nam giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong điều kiện tư liệu hiện có, tác giả đã tiến hành phân tích các hiện tượng nhà nước và pháp luật dưới giác độ của khoa học pháp lý và bằng nhãn quan của luật gia. Mặc dù – như tên gọi của nó- công trình mới mang tính phác thảo và vẫn dựa căn bản trên cách tiếp cận truyền thống, có phần dè dặt về lịch sử, nhưng công trình đã thực sự lấp một khoảng trống đáng kể trong sự hiểu biết của giới nghiên cứu pháp lý về đời sống nhà nước và pháp luật trong tổng thể diện mạo lịch sử dân tộc, đồng thời lôi cuốn sự chú ý của giới nghiên cứu, khơi nguồn cho một trào lưu nghiên cứu mới về lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam.
- Cuốn “ Hiệp định Pari về Việt Nam”, NXB Khoa học xã hội, H.,1973. Đây là công trình tập thể của Viện Luật học được biên soạn để phục vụ yêu cầu đấu tranh thực hiện Hiệp định Pari về Việt Nam, chứa đựng trong đó những quan điểm nền tảng cho việc nhận diện truyền thống chính trị- pháp lý Việt Nam cũng như cho việc xác lập cơ sở chính trị- pháp lý của chế độ xã hội mới. Cuốn sách có sự đóng góp xứng đáng kết quả nghiên cứu của chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật.
Sau năm 1975, đối tượng nghiên cứu của Lịch sử Nhà nước và pháp luật được tiếp tục mở rộng về phạm vi thời gian và không gian. Từ 1975- 1986, Viện triển khai nhiều mảng nghiên cứu mới như: nghiên cứu về sự hình thành Nhà nước đầu tiên ở Việt Nam; nghiên cứu lịch sử pháp luật Việt Nam mà trọng tâm là các bộ luật thời phong kiến; nghiên cứu lịch sử lập hiến Việt Nam; nghiên cứu lịch sử Nhà nước và pháp luật cách mạng Việt Nam; nghiên cứu một số vấn đề về lịch sử nhà nước và pháp luật các nước ngoài ... Đồng thời, Viện tiếp tục tổ chức thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu trong các chủ đề truyền thống trước kia theo hướng đẩy sâu hơn nội dung nghiên cứu.
Sau năm 1975 cũng là thời kỳ “chuyển giao” thế hệ nghiên cứu chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật. Nhóm chuyên gia thuộc thế hệ nghiên cứu thứ nhất đã lần lượt được nghỉ hưu. Một số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản và có nhiệt tình trong công tác nghiên cứu đã được bổ sung. Đó là các đồng chí: Trần Văn Vụ, Phạm Văn Điềm, Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Việt Hương. Một phong cách tổ chức nghiên cứu mới cũng đã dần được hình thành. Việc tổ chức nghiên cứu được thực hiện chủ yếu dưới hình thức thực hiện đề tài các cấp và kết quả nghiên cứu được công bố chủ yếu dưới hình thức các bài báo khoa học.
Kết quả nghiên cứu lĩnh vực Lịch sử Nhà nước và pháp luật của Viện Luật học trong giai đoạn sau 1975 được phản ảnh tập trung nhất qua cuốn chuyên khảo:“Sơ thảo Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám đến nay” của Trần Thị Tuyết và Phạm Văn Điềm, NXB Khoa học xã hội, H.,1983. Với 356 trang viết, công trình này là sự tiếp nối một cách nghiêm túc công trình nghiên cứu của tác giả Đinh Gia Trinh, góp phần phác hoạ một cách có hệ thống toàn bộ diện mạo của lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam. Việc công bố hai công trình nói trên cho phép khẳng định Viện Luật học là tổ chức nghiên cứu đầu tiên đã khởi xướng và tiến hành nghiên cứu một cách có chủ đích, toàn diện và có hệ thống về diễn biến lịch sử của đời sống nhà nước và pháp luật Việt Nam suốt từ khi hình thành cho đến nay. Đây là một đóng góp rất đáng tự hào của chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật trong sự trưởng thành của Viện Nhà nước và pháp luật.
1.3. Hoạt động nghiên cứu Lịch sử nhà nước và pháp luật tại Viện Nhà nước và pháp luật trong giai đoạn đổi mới ( 1986 đến nay)
Ngày 13/05/1986 Viện Luật học được đổi tên là Viện Nhà nước và pháp luật. Trong cơ cấu của Viện Nhà nước và pháp luật lúc đó có Phòng Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật. Năm 1990 được đổi tên là Phòng nghiên cứu Hệ thống chính trị, trong đó có một bộ phận chuyên gia nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật. Năm 1991, bộ phận nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật được tách riêng, tổ chức thành Phòng nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật và duy trì cho đến nay. Trong suốt thời gian này, lực lượng nghiên cứu cơ hữu chỉ có 03 cán bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, với vai trò nòng cốt của bộ phận chuyên gia đó, hoạt động nghiên cứu lịch sử Nhà nước và pháp luật được triển khai trên nhiều bình diện và thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của hầu hết các nhà khoa học thuộc Viện Nhà nước và pháp luật, cũng như của các trung tâm nghiên cứu và đào tạo khoa học pháp lý trong cả nước.
Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã đặt ra những yêu cầu và nhiệm vụ mới cho khoa học pháp lý nói chung và khoa học lịch sử nhà nước và pháp luật nói riêng. Trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới, đổi mới hệ thống chính trị nói chung, đổi mới tổ chức và hoạt động của nhà nước, xây dựng và phát huy vai trò của pháp luật nói riêng được đặt ra như một yêu cầu khách quan và cấp bách nhưng đó lại là một công việc hệ trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có tri thức và một tinh thần trách nhiệm rất cao. Nó cần phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học vững chắc. Một trong những cơ sở đó là phải hiểu thấu đáo những đặc điểm truyền thống của dân tộc, phải nắm chắc những yếu tố thuộc về sức mạnh nội sinh, phải thấy được những điểm mạnh cũng như những mặt hạn chế do đời sống chính trị do lịch sử để lại. Có như vậy mới nhận rõ được xuất phát điểm, mới có định hướng đúng để từ đó xây dựng được một mô hình chính trị phù hợp với đặc điểm dân tộc. Đồng thời để có thể vững vàng hội nhập vào thế giới trên cơ sở giữ gìn và phát huy được bản sắc dân tộc thì việc hiểu biết ngày càng đầy đủ hơn về truyền thống và kinh nghiệm thành công, thất bại trong đời sống nhà nước và pháp luật các nước ngoài cũng là một yêu cầu không thể thiếu trong điều kiện đổi mới.
Như vậy, chính đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, của Nhà nước và thực tiễn công cuộc đổi mới đã tạo ra một không khí khởi sắc cho khoa học Lịch sử Nhà nước và pháp luật. Trong sự sôi động của các hoạt động nghiên cứu về lịch sử Nhà nước và pháp luật, Viện Nhà nước và pháp luật vẫn tiếp tục giữ được vị trí tiên phong.
Sự khởi sắc của chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật thể hiện trước tiên ở sự thay đổi trong tư duy nghiên cứu theo hướng khách quan hơn, cân đối và thiết thực hơn. Sự thay đổi này bắt đầu từ sự định hướng của lãnh đạo Viện. Theo đó, khuynh hướng chỉ chú trọng những truyền thống văn hóa, đạo đức và nhìn nhận các thiết chế chính trị – pháp lý trong lịch sử một cách phiến diện, một chiều, thiên về phương diện giai cấp, mang nặng tính phê phán trước kia đã dần được khắc phục.
Sự khởi sắc của chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật còn được nhìn nhận ở sự khác biệt trong phương pháp nghiên cứu so với trước đây. Trên cơ sở nhận thức về tính kế thừa theo “chiều ngang” và theo “chiều dọc” của các hiện tượng Nhà nước và pháp luật cũng như tính thiếu chính xác cố hữu của các tư liệu lịch sử, Viện đã nghiêm túc đặt vấn đề về việc xác định các phương pháp nghiên cứu trong nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật.
Sự khởi sắc của chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật thể hiện đặc biệt rõ nét ở cách tổ chức nghiên cứu thông qua việc xây dựng và thực hiện đề tài các cấp cũng như ở số lượng và quy mô các đề tài nghiên cứu thực hiện trong thời gian gần đây. Mỗi năm, thường có từ 3 đến 5 đề tài cấp viện được triển khai nghiên cứu về các chủ đề như: Lịch sử hình thành, bản chất, kiểu của Nhà nước và pháp luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; Lịch sử tư tưởng chính trị- pháp lý Việt Nam; Lịch sử quan chế Việt Nam trong thời kỳ phong kiến; Lịch sử xây dựng và phát triển của chính quyền địa phương ở Việt Nam; Lịch sử pháp luật Việt Nam; Truyền thống dân chủ làng xã; Lịch sử hình thành và phát triển chính quyền Nhà nước vùng Nam Bộ; Lịch sử tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp từ Cách mạng tháng Tám đến nay... Đặc biệt, trong 02 năm (2003-2004) chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật đã tổ chức thực hiện thành công đề tài cấp Bộ: “Sự phát triển của khoa học pháp lý Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Đây là đề tài đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về quá trình hình thành và phát triển của khoa học pháp lý ở Việt Nam mà trọng tâm là thời kỳ đổi mới. Đề tài đã đánh giá tổng quan về khoa học pháp lý Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, đồng thời đi sâu phân tích những thành tựu cơ bản và thực trạng hiện nay của những lĩnh vực khoa học pháp lý chủ yếu như: khoa học Luật Nhà nước, khoa học Luật Hành chính và quản lý hành chính, khoa học Luật Kinh tế, khoa học Luật Dân sự và tố tụng dân sự, khoa học Luật Hình sự, khoa học Luật Tố tụng hình sự, khoa học Lịch sử nhà nước và pháp luật, khoa học Luật Quốc tế. Trên cơ sở đó, đề tài đã kiến nghị về dịnh hướng phát triển và các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của khoa học pháp lý trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, chỉ tính riêng từ năm 2000 đến nay, Viện đã thực hiện 06 đề tài cấp Nhà nước và 22 đề tài, nhiệm vụ cấp Bộ mà trong mỗi đề tài đó đều có một phần quan trọng (thường là phần đầu tiên) nghiên cứu về những yếu tố lịch sử liên quan đến đối tượng của đề tài, xem đó là một nội dung không thể thiếu, đóng vai trò tiền đề cho việc triển khai nghiên cứu các nội dung tiếp theo.
Sự khởi sắc của chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật còn thể hiện ở số lượng và chất lượng các ấn phẩm khoa học được công bố trong thời gian gần đây. Chỉ từ năm 2000 đến nay đã có hơn 30 bài báo khoa học bàn về các khía cạnh khác nhau của lịch sử Nhà nước và pháp luật do đội ngũ chuyên gia của Viện Nhà nước và pháp luật công bố trên các tạp chí chuyên ngành. Đã có hàng chục cuốn chuyên khảo đề cập ở các mức độ khác nhau vấn đề lịch sử Nhà nước và pháp luật do Viện Nhà nước và pháp luật chủ trì biên soạn hoặc đội ngũ chuyên gia của Viện Nhà nước và pháp luật tham gia biên soạn. Trong đó, tiêu biểu là các cuốn sau:
- “Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam thế kỷ XV- XVIII” của tập thể tác giả Viện Nhà nước và pháp luật (GS. TSKH Đào Trí Úc chủ biên), NXB Khoa học xã hội, H., 1994. Đây là công trình nghiên cứu sâu về một giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của pháp luật Việt Nam thời phong kiến mà đỉnh điểm là sự ra đời và tồn tại của Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật nhà Lê). Tình trạng và nội dung của pháp luật thời kỳ này đã được các tác giả phân tích một cách khá toàn diện và cụ thể thông qua các bài viết tập trung vào những chủ đề sau: Quan điểm và phương pháp tiếp cận chủ yếu khi nghiên cứu lịch sử pháp luật của nhà nước Việt Nam giai đoạn thế kỷ XV- XVIII; Pháp luật với xã hội Việt Nam từ thế kỷ XV – XVIII; Tổ chức bộ máy Nhà nước ở trung ương thời Lê Sơ (thế kỷ XV) qua các văn bản pháp luật; Tổ chức bộ máy Nhà nước ở trung ương thời vua Lê chúa Trịnh qua các văn bản pháp luật; Pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương triều Lê; Pháp luật về thuế; Pháp luật về chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất; Pháp luật tố tụng; pháp luật hôn nhân và gia đình...
- “ Một số văn bản pháp luật Việt Nam thế kỷ XV- thế kỷ XVIII, NXB Khoa học xã hội, H., 1994. Cuốn sách là công trình dịch thuật một số văn bản pháp luật chủ yếu do Viện Nhà nước và pháp luật chủ trì. Các văn bản được chọn dịch và giới thiệu bao gồm: Lê triều hội điển, Thiên Nam dư hạ tập (trích dịch), Quốc triều thư khế thể thức, Quốc triều khám tụng điều lệ. Đây là lần đầu tiên các văn bản này được dịch, chú giải đầy đủ và chính thức công bố.
- “ Những vấn đề lý luận cơ bản về Nhà nước và pháp luật”của tập thể tác giả Viện Nhà nước và pháp luật (GS.TS. Đào Trí Úc chủ biên), NXB Khoa học xã hội, H., 1995. Cuốn sách gồm 18 chương đề cập nhiều vấn đề trong đó có chương IV “Lịch sử hình thành Nhà nước Việt Nam” và chương XVI “Khái quát về lịch sử pháp luật Việt Nam”. Hai chương này cung cấp những hiểu biết khái quát và cơ bản về lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, có giá trị như một sự tập hợp mang tính tổng kết các kết quả nghiên cứu trong những nội dung này.
- “ Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới” của GS.TSKH. Đào Trí Úc, NXB Khoa học xã hội, H., 1997. Trong cuốn sách này, vấn đề nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật đã được đề cập một cách hệ thống trong các chương IV và IX. Tác giả đã bàn sâu về các vấn đề như: tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân đối với quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước; tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và trách nhiệm của Nhà nước phục vụ nhân dân; tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm tổ chức và hoạt động của nhà nước để thực hiện trách nhiệm và vai trò của mình; tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, tiêu chuẩn của những người lãnh đạo, của các cán bộ Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, tận tuỵ phục vụ nhân dân; tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và tác dụng của pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh về cách thức ban hành pháp luật; tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp chế và ý thức pháp luật. Những nội dung này đã góp phần quan trọng khởi xướng một hướng nghiên cứu mới về lịch sử tư tưởng chính trị- pháp lý Việt Nam - hướng nghiên cứu vốn được coi là lĩnh vực tế nhị nhất trong việc nghiên cứu đánh giá các yếu tố truyền thống và do vậy chưa được lưu tâm đúng mức trong các giai đoạn trước đây. Ngoài ra, cuốn sách còn dành chương XIII nghiên cứu về hương ước và mối quan hệ giữa hương ước với pháp luật, chương XIV. Mục 1 nghiên cứu về phương pháp tiếp cận khi nghiên cứu lịch sử pháp luật Việt Nam.
- “Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay” của tập thể tác giả do GS.TSKH Đào Trí Úc chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia, H., 2003. Từ góc độ tiếp cận của khoa học Lịch sử nhà nước và pháp luật, cuốn sách đã giải mã và kết luận về nhiều vấn đề gây tranh luận khoa học liên quan tới bản chất, vai trò, giá trị của hương ước, mối quan hệ giữa hương ước và pháp luật, mối quan hệ giữa hương ước với các loại quy phạm khác, vai trò và xu hướng tác động của hương ước ở nông thôn Việt Nam hiện nay...
Nhìn chung, các ấn phẩm đều có hàm lượng khoa học cao, bao gồm nhiều nội dung nghiên cứu vừa mang tính chất cơ bản, toàn diện, vừa mang tính chất trọng điểm, phản ánh ba hướng nghiên cứu chủ đạo: 1/ nghiên cứu những đặc điểm và kinh nghiệm lịch sử của việc xây dựng và hoạt động Nhà nước, của việc xây dựng và thực thi pháp luật trong các thời kỳ lịch sử, tiêu điểm là thời kỳ từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay; 2/ nghiên cứu về hương ước, luật tục; 3/ bước đầu nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị- pháp lý và những ảnh hưởng của nó đối với đời sống Nhà nước và pháp luật hiện nay. Thông qua các ấn phẩm đó, nhiều quan điểm, kết luận khoa học về những vấn đề tồn nghi của lịch sử đã được khẳng định và đạt được sự thừa nhận chung.
Trong đà phát triển của hoạt động nghiên cứu, Viện Nhà nước và pháp luật đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học nhằm thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu trong và ngoài nước về các chủ đề thuộc lĩnh vực Lịch sử Nhà nước và pháp luật. Tiêu biểu là cuộc Hội thảo “Hương ước và quá trình dân chủ hóa nông thôn ở Việt Nam” (năm 2003) thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số cán bộ thuộc phòng Lịch sử Nhà nước và pháp luật đã tham gia hợp tác, trao đổi quốc tế tại Liên Xô, Hàn Quốc, Trung Quốc. Các cán bộ của Viện cũng tích cực tham gia và tham luận trong nhiều cuộc hội thảo trong nước về các chủ đề liên quan đến lĩnh vực Lịch sử Nhà nước và pháp luật. Ngoài ra, các cán bộ của Viện cũng tham gia tích cực vào việc nghiên cứu các đề tài, các Hội đồng đánh giá đề cương và Hội đồng nghiệm thu các đề tài nghiên cứu về lịch sử Nhà nước và pháp luật do Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Hành chính quốc gia.. .chủ trì.
Trên cơ sở của các kết quả nghiên cứu, Viện Nhà nước và pháp luật mà nòng cốt là Phòng Lịch sử Nhà nước và pháp luật đã biên soạn chương trình, đề cương và trực tiếp giảng các chuyên đề lịch sử Nhà nước và pháp luật thuộc chương trình đào tạo Cao học Luật tại Viện Nhà nước và pháp luật, khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Từ năm 1980 đến nay, các cán bộ của phòng nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật là lực lượng chủ đạo trong việc biên soạn giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới, đồng thời tham gia giảng hai môn này cho Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và một số cở sở đào tạo cử nhân khác. Hiện nay, Phòng nghiên cứu Lịch sử Nhà nước và pháp luật đã chủ trì biên soạn bộ giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới, đồng thời chịu trách nhiệm giảng hai môn này cho Trung tâm đào tạo từ xa thuộc Đại học Huế. Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học của Viện đã tham gia hướng dẫn các nghiên cứu sinh ( 01 NCS) và học viên cao học (06 học viên) thực hiện một số đề tài nghiên cứu thuộc chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật như: Tư tưởng chính trị – pháp lý ở làng xã cổ truyền Việt Nam; Tư tưởng lập hiến của một số phong trào đấu tranh giành độc lập trước Hiến pháp 1946; Vai trò của hương ước trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam; Các giá trị đương đại của Bộ Luật Hồng Đức; Giá trị đương đại trong tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông; Cải cách hành chính và mô hình tổ chức Nhà nước thời Lê Sơ. Các cán bộ của Viện cũng trực tiếp hướng dẫn một số sinh viên của các cơ sở đào tạo cử nhân luật làm luận văn tốt nghiệp về các đề tài thuộc lĩnh vực Lịch sử Nhà nước và pháp luật.
2. NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ KHOA HỌC CỦA CHUYÊN NGÀNH LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT
Nhìn một cách tổng thể, hoạt động nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực Lịch sử Nhà nước và pháp luật tại Viện Nhà nước và Pháp luật đã mang lại những giá trị khoa học và thực tiễn rất quan trọng. Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này đã góp phần định hình được khung nhận thức cơ bản để nhận diện những vấn đề lịch sử từ góc độ của khoa học pháp lý, xác định được những quan điểm nền tảng cho việc tiếp tục triển khai nghiên cứu nhiều khía cạnh của lịch sử Nhà nước và pháp luật theo tinh thần đổi mới.Về mặt thực tiễn, kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này đã góp phần tạo dựng được diện mạo cơ bản của đời sống Nhà nước và pháp luật Việt Nam trong lịch sử, phác họa được những yếu tố cấu trúc của truyền thống chính trị- pháp lý Việt Nam, chỉ ra nhiều kinh nghiệm lịch sử và đề xuất nhiều giải pháp hợp lý trong việc kế thừa và hóa giải truyền thống, góp phần quan trọng vào việc xác định tính chất, đặc điểm và bước đi của quá trình xây dựng Nhà nước và pháp luật ở nước ta hiện nay.
Nói cụ thể hơn, hoạt động nghiên cứu lĩnh vực lịch sử nhà nước và pháp luật tại Viện Nhà nước và pháp luật đã góp phần xây dựng, bổ sung và làm rõ nhiều quan điểm khoa học trên những phương diện sau:
2.1. Về định hướng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật
Nếu xét về mặt tổ chức, Viện Nhà nước và Pháp luật là cơ sở đầu tiên chú trọng và tổ chức trên thực tế một bộ phận chuyên nghiên cứu về lịch sử nhà nước và pháp luật. Ngay từ đầu, trong bối cảnh việc nghiên cứu các vấn đề về lịch sử nhà nước và pháp luật thường được tiến hành lồng ghép và mang nặng dấu ấn của khoa học lịch sử ( Thông sử), Viện Nhà nước và pháp luật đã khởi xướng nghiên cứu lịch sử nhà nước và pháp luật dưới giác độ của khoa học pháp lý, bằng phương pháp tiếp cận và nhãn quan pháp lý.
Cho đến trước thời kỳ đổi mới, không ít người trong giới nghiên cứu và quản lý cho rằng, một mặt, việc xây dựng nhà nước và pháp luật XHCN phải dựa trên cơ sở xây dựng hoàn toàn mới các bộ phận, các thiết chế cũng như các phương thức diều hành, quản lý của nó, không cần và cũng không chấp nhận việc tiếp thu các truyền thống cũ, mặt khác, các thể chế nhà nước và pháp luật phong kiến, thực dân nói riêng và toàn bộ truyền thống chính trị- pháp lý trong thời kỳ phong kiến thực dân nói chung đều là sản phẩm độc hại của chế độ cũ, là công cụ của giai cấp thống trị, chỉ có mặt tiêu cực, không có những giá trị, những bài học kinh nghiệm đáng được tiếp thu, do đó cần phải lật đổ, phải đập tan và xoá bỏ tận gốc rễ. Việc nghiên cứu các vấn đề về lịch sử nhà nước và pháp luật, vì vậy, được nhận thức là công việc của các nhà sử học để hiểu xã hội đã qua chứ ít khi được quan niệm rằng đó là một lĩnh vực rất quan trọng chứa đựng những di tồn của lịch sử đang có tác động dường như là vô hình nhưng rất mạnh mẽ tới đời sống nhà nước và pháp luật trong hiện tại cũng như trong tương lai.
Có thể nói, Viện Nhà nước và Pháp luật là một trong những cơ sở nghiên cứu đi đầu trong việc xoá bỏ quan niệm nói trên. Trên tinh thần đổi mới, Viện đã chủ trương mở rộng phạm vi các vấn đề nghiên cứu, chú trọng vào một số hướng nghiên cứu chính, trọng điểm, có ý nghĩa thời sự cấp bách của lĩnh vực lịch sử nhà nước và pháp luật như: nghiên cứu các văn bản pháp luật chủ yếu ( tập trung vào Bộ luật Hồng Đức); nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị- pháp lý Việt Nam (Viện đóng vai trò khởi xướng các chủ đề nghiên cứu về tư tưởng lập hiến Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật, tư tưởng chính trị – pháp lý ở làng xã cổ truyền Việt Nam); nghiên cứu về hương ước- luật tục ( Viện là một trong những cơ sở đầu tiên nghiên cứu sâu về hương ước – luật tục từ góc độ của khoa học pháp lý); nghiên cứu về truyền thống văn hoá pháp luật, về dân chủ làng xã... . Đồng thời Viện cũng là cơ sở đi tiên phong trong trào lưu nghiên cứu những giá trị đương đại của truyền thống chính trị- pháp lý Việt Nam với sự quan tâm đặc biệt hướng vào việc nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp nhằm kế thừa hoặc hóa giải những yếu tố truyền thống trong đời sống Nhà nước và pháp luật hiện tại.
Để có thể phúc đáp yêu cầu nghiên cứu các vấn đề về lịch sử nhà nước và pháp luật phù hợp với đòi hỏi của quá trình đổi mới thì điều quan trọng là phải có sự biến chuyển căn bản trong phương pháp tiếp cận. Đây là vấn đề sớm được làm sáng tỏ trong hoạt động nghiên cứu ở Viện Nhà nước và pháp luật và có thể được minh chứng qua quan điểm có tính đột phá về phương pháp tiếp cận của GS.TS. Đào Trí Úc thể hiện trong một số bài viết công bố từ năm 1994. Đi từ xuất phát điểm cho rằng, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào thì pháp luật cũng là sự ghi nhận nhu cầu khách quan để điều chỉnh các quan hệ xã hội và mục đích tìm hiểu lịch sử pháp luật là xác lập lại những sự kiện, những yếu tố, những giá trị xã hội có ý nghĩa pháp lý và những văn bản luật đồng thời xác định cho được khả năng kế thừa trong pháp luật, các công trình nghiên cứu nói trên đã đặt vấn đề nghiên cứu lịch sử pháp luật bằng cách yêu cầu xem xét sự kế thừa cả theo “chiều dọc” và ‘ chiều ngang” với phương pháp chủ đạo nhất của các bước nghiên cứu là phương pháp lịch sử, tiến hành nghiên cứu các sử liệu kết hợp với vận dụng phương pháp nghiên cứu về kinh tế- xã hội, chính trị- xã hội, phối hợp nghiên cứu thông sử với lịch sử nhà nước và pháp luật, vận dụng tổng hợp các nguồn tư liệu, nghiên cứu so sánh, phân tích, hệ thống, phỏng đoán khoa học để đưa ra các giả thiết khoa học có độ xác đáng cao.
Nhìn chung, những định hướng nghiên cứu và quan điểm về phương pháp tiếp cận các vấn đề lịch sử nhà nước và pháp luật do Viện Nhà nước và pháp luật khởi xướng đều đã được giới nghiên cứu thừa nhận chung về tính đúng đắn, tính hiệu quả trong vận dụng nghiên cứu trên thực tế.
2. 2. Về học thuật
Một trong những nhiệm vụ của khoa học lịch sử nhà nước và pháp luật là tái hiện lại diện mạo của nhà nước và pháp luật trong quá khứ. Nhiệm vụ này được thực hiện đầu tiên, bền bỉ, đầy đủ và có hệ thống nhất tại Viện Nhà nước và pháp luật. Một bức tranh toàn cảnh với nhiều nét tối sáng, nhiều mảng đậm nhạt khác nhau về lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam đã được phác dựng thông qua những công trình nghiên cứu ở các quy mô khác nhau do Viện Nhà nước và pháp luật thực hiện. Bức tranh này với những quan điểm khoa học chứa đựng trong đó đã thực sự đóng vai trò gợi mở và hướng đạo cho mọi hoạt động nghiên cứu, học tập các nội dung liên quan đến lịch sử nhà nước và pháp luật ở nước ta hiện nay.
Xét từ góc độ học thuật, những đóng góp của Viện Nhà nước và pháp luật thể hiện ở việc nêu và luận giải, làm sáng tỏ nhiều quan điểm khoa học liên quan tới các sự kiện, các yếu tố của đời sống nhà nước và pháp luật trong lịch sử, trong đó nổi lên những quan điểm sau đây:
- Việt Nam có một truyền thống văn hoá chính trị- pháp lý lâu đời. Truyền thống đó có bản sắc riêng thể hiện sự kết hợp yếu tố nội sinh với sự tiếp thu có chọn lọc yếu tố ngoại sinh.
- Nhà nước và pháp luật đầu tiên ở Việt Nam ra đời là kết quả của một quá trình vận động nội tại của xã hội Việt Nam, vừa phản ánh kết quả của sự phân hoá giai cấp vừa phản ánh những nhu cầu chung của cộng đồng, vì vậy ngay từ đầu nhà nước vừa mang tính giai cấp vừa mang tính dân tộc. Thời điểm xuất hiện nhà nước khoảng thế kỷ 7- 6 trước công nguyên. Tổ chức bộ máy nhà nước còn đơn giản. Kiểu Nhà nước thuộc phạm trù phương thức sản xuất châu Á.
- Nhà nước Đại Việt trong thời kỳ độc lập tự chủ được tổ chức dưới hình thức chính thể quân chủ trung ương tập quyền. Đó là một nhà nước mạnh, vừa mang tính giai cấp vừa mang tính nhân dân, tính dân tộc. Bộ máy nhà nước được hoàn thiện dần qua các cuộc cải cách hành chính, có chịu ảnh hưởng của mô hình nhà nước Trung Quốc nhưng có sự đẽo gọt về quy mô, đơn giản về quy chế lễ nghi và uyển chuyển về hình thức.
- Hệ thống pháp luật Đại Việt trong thời kỳ độc lập tự chủ được hình thành từ nhiều nguồn, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phản ánh những thành tựu quan trọng trong hoạt động lập pháp mà đỉnh điểm là Bộ Luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật nhà Lê). Kỹ thuật lập pháp và nội dung điều chỉnh của Bộ luật Hồng Đức chứa đựng nhiều giá trị đương đại.
- Chính quyền và pháp luật Việt Nam thời Pháp thuộc là công cụ chính trị chủ yếu để đế quốc Pháp duy trì chế độ thuộc địa nửa phong kiến, bảo vệ quyền lợi của chính quốc và tập đoàn phong kiến bản xứ.Việt Nam thời Pháp thuộc có ba quy chế chính trị khác nhau dẫn tới có ba hình thức tổ chức chính quyền, ba quy chế pháp lý, ba cách thức tổ chức toà án và ba nguồn luật viện dẫn khác nhau.
- Hệ thống chính trị nước ta sau Cách mạng tháng Tám được tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc điểm và yêu cầu của lịch sử. Trong điều kiện đất nước thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hệ thống chính trị bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp thậm chí còn hạn chế sự phát triển của xã hội, biểu hiện ở tính quan liêu, nặng nề của bộ máy, năng lực yếu kém của đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, hệ thống pháp luật thiếu, không đồng bộ, chồng chéo, hiệu quả và hiệu lực hoạt động của nhà nước không cao…
- Hương ước và luật tục là những định chế pháp lý phi quan phương có vai trò rất quan trọng trong quản lý cộng đồng của xã hội Việt Nam truyền thống. Về bản chất, hương ước là những chuẩn mực tự quản do chính nhân dân ở cơ sở đặt ra và tự nhận về mình. Hương ước có nội dung phong phú, có hiệu quả thực tế cao, vừa là công cụ của sự tự quản, vừa là sự cụ thể hoá pháp luật nhà nước và do vậy, có ý nghĩa bổ sung, hỗ trợ cho quản lý nhà nước ở cơ sở. Trong lịch sử, hương ước đã phát triển qua ba giai đoạn cơ bản. Hiện nay, việc phát huy vai trò của hương ước liên quan mật thiết với việc làm rõ bản chất và vai trò của hương ước, tương quan giữa hương ước với pháp luật và các quy phạm xã hội khác... đồng thời phải đặt yêu cầu đó trong mối liên hệ hữu cơ với nhiệm vụ cải cách pháp luật và dân chủ hoá ở địa bàn nông thôn nước ta.
- Việt Nam có một truyền thống tư tưởng chính trị- pháp lý đặc sắc. Trong đó, tư tưởng chính trị- pháp lý ở làng xã cổ truyền là một bộ phận hợp thành quan trọng. Đó là một tổng thể những quan niệm của cộng đồng cư dân làng xã về quyền lực và pháp luật, liên quan trực tiếp đến lợi ích của làng xã, được định hình và tồn tại trong không gian mỗi làng xã, được biểu hiện chủ yếu dưới dạng một hệ thống chuẩn mực xã hội trong đời sống chính trị- pháp lý thực tiễn của làng xã. Về cơ bản, nội dung của tư tưởng chính trị- pháp lý ở làng xã cổ truyền bao gồm các yếu tố: tư tưởng tự trị- tự quản, tư tưởng “phép vua thua lệ làng, tư tưởng lão quyền, tư tưởng tộc quyền. tư tưởng địa vị quan liêu.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật là di sản quý báu trong truyền thống tư tưởng chính trị- pháp lý Việt Nam. Đó là một hệ thống hoàn chỉnh các quan điểm cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hoá chính trị và vể Nhà nước, về pháp luật và pháp chế. Nhiều quan điểm trong đó đã trở thành hiện thực sinh động của đời sống nhà nước và pháp luật đương đại. Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền đang đặt ra đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn đồng thời tiếp tục hiện thực hoá những yêu cầu của hệ quan điểm đó trong toàn bộ quá trình lãnh đạo và quản lý đất nước.
3. Về nghiên cứu ứng dụng
Tìm hiểu về lịch sử không đơn giản chỉ có mục đích tái hiện lịch sử. Ý nghĩa của nghiên cứu lịch sử nói chung và hoạt động nghiên cứu lịch sử Nhà nước và pháp luật nói riêng nằm ở chỗ là những kết quả nghiên cứu có thể mang lại những bài học gì, những kinh nghiệm gì cho việc xây dựng, phát triển hiện tại và tạo dựng tương lai.
Từ góc độ này, chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật cũng có những đóng góp nhất định. Các công trình nghiên cứu do Viện Nhà nước và pháp luật thực hiện luôn hướng tới việc chỉ ra những đặc điểm cơ bản và những kinh nghiệm lịch sử của quá trình xây dựng nhà nước và pháp luật. Chẳng hạn: kinh nghiệm tổ chức một chính quyền tập trung có khả năng thực hiện tốt chức năng đại diện cộng đồng và nhanh chóng đưa ra những quyết sách liên quan đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc; bài học về việc thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo; kinh nghiệm xử lý mối quan hệ quyền lực giữa nhà nước và làng xã; kinh nghiệm về tổ chức các cấp chính quyền địa phương; kinh nghiệm xây dựng và sử dụng đội ngũ quan lại; kinh nghiệm về quy trình làm luật và điều chỉnh pháp luật; kinh nghiệm về xây dựng và sử dụng hương ước; các bài học về tổ chức và hoạt động của chính quyền cách mạng... Trên cơ sở các bài học và kinh nghiệm lịch sử đã được chỉ ra, các công trình nghiên cứu của Viện Nhà nước và pháp luật cũng tập trung vào việc xác định những giá trị đương đại của truyền thống nhà nước và pháp luật và bước đầu đề xuất nhiều giải pháp để tiếp thu hoặc khắc phục những di tồn của lịch sử, góp phần vào việc xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển nhà nước và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
3. ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU CỦA CHUYÊN NGÀNH LỊCH SỬ NHÀ NƯỚC VÀ PHÁP LUẬT TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu nhưng chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng.Trong thực tế, có những định hướng nghiên cứu đã được xây dựng nhưng chưa được triển khai mạnh mẽ (ví dụ: việc nghiên cứu về tư tưởng chính trị- pháp lý truyền thống; nghiên cứu về chính quyền và pháp luật ở vùng Nam Bộ trong lịch sử...). Có những mảng vấn đề chưa được chú trọng đúng mức (ví dụ: mảng vấn đề về lịch sử pháp luật Việt Nam). Cũng có những lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm ( ví dụ: lĩnh vực lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới).
Trong bối cảnh nói trên, nội dung nghiên cứu hiện nay của lịch sử nhà nước và pháp luật phải hướng tới khắc phục những bất cập trong hoạt động nghiên cứu, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu hiểu biết về di sản nhà nước và pháp luật và phúc đáp kịp thời đòi hỏi của tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Theo đó, định hướng nghiên cứu của chuyên ngành lịch sử nhà nước và pháp luật trong thoiừ gian sắp tới tập trung vào một số trọng điểm sau:
- Nghiên cứu lịch sử tư tưởng chính trị – pháp lý và những ảnh hưởng của nó đối với đời sống Nhà nước và pháp luật hiện nay.
- Nghiên cứu giá trị đương đại của các thiết chế chính trị trong lịch sử và khả năng kế thừa trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta hiện nay;
- Nghiên cứu các thiết chế chính trị- pháp lý cổ truyền vùng Nam Bộ;
- Nghiên cứu các khía cạnh của truyền thống pháp luật Việt Nam: vị trí, vai trò của pháp luật trong toàn bộ các chuẩn giá trị xã hội của xã hội truyền thống; văn hóa pháp luật truyền thống; đặc điểm về nguồn và hình thức pháp luật, cách thức xây dựng và ban hành, thực hiện pháp luật trong xã hội Việt Nam truyền thống; nội dung cơ bản của pháp luật trong các giai đoạn phát triển của lịch sử pháp luật; hương ước, luật tục...
- Nghiên cứu lịch sử tổ chức nhà nước và pháp luật của các nước trong khu vực và sự tương tác với Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử; nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và thực thi pháp luật của một số nước ở những thời kỳ tương đồng với trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay.
Kết quả của hoạt động nghiên cứu hướng tới mục tiêu hiện thực là biên soạn hai bộ sách lớn: Bộ Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam và Bộ Lịch sử tư tưởng chính trị- pháp lý Việt Nam. Sản phẩm khoa học sẽ là minh chứng rõ nét nhất cho bước trưởng thành tiếp theo của chuyên ngành Lịch sử Nhà nước và pháp luật tại Viện Nhà nước và pháp luật. Trong ý nghĩa đó, việc nghiên cứu lịch sử Nhà nước và pháp luật không chỉ đạt được mục tiêu làm sáng tỏ hiện thực lịch sử mà còn có giá trị góp phần cải tạo hiện tại và xây dựng tương lai. |