
Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Đảng lần thứ VI (Ảnh: Bảo Nhân dân)
Sinh ra và lớn lên ở miền bắc, theo cách mạng từ sớm, nhưng gần trọn cuộc đời, đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ yếu hoạt động cách mạng và gắn bó với miền nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với phong trào Cách mạng từ những năm 1930 ở miền Bắc và nhiều năm ở miền Nam. Đồng chí giữ các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước. Tháng 12/1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh có đóng góp to lớn trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt là trong giai đoạn sau năm 1945, khi ông được phân công trở lại Sài Gòn để lãnh đạo hai cuộc kháng chiến này. Ông cũng là người có vai trò quan trọng trong việc khởi xướng và lãnh đạo công cuộc Đổi mới từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người cộng sản được tôi luyện và trưởng thành qua các giai đoạn đấu tranh khó khăn, gian khổ của dân tộc. Sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh yêu nước do Chi hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Hải Phòng. Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng hai người bạn học nhận nhiệm vụ rải truyền đơn yêu nước và bị địch bắt, đưa ra xét xử, kết án tù chung thân, đày ra Côn Đảo.
Năm 1936, Đồng chí được trả tự do, trở về đất liền, bắt liên lạc với tổ chức Đảng, được kết nạp vào Đảng và được Đảng phân công tham gia phong trào công nhân ở Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã truyền vào phong trào công nhân Hải Phòng một luồng sinh khí mới, xây dựng nhiều cơ sở, nhiều chi bộ và Thành ủy lâm thời Hải Phòng được thành lập. Phong trào cách mạng ở Hải Phòng được khôi phục, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Năm 1939, Đồng chí được Trung ương Đảng cử vào tham gia Thành ủy Sài Gòn được cử phụ trách Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đầu năm 1941 được Trung ương điều động ra Trung Kỳ liên hệ, chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy, khi đến Vinh (Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong cuộc kháng chiến chống Pháp (từ năm 1945 đến năm 1954)
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nhà tù Côn Đảo được giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Linh trở về hoạt động cách mạng ở Nam Bộ và tham gia Xứ ủy Nam Bộ. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh, gồm Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ lớn, thành lập Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định để thống nhất lãnh đạo phong trào cách mạng, tiến hành cuộc đấu tranh tẩy chay Chính phủ “Nam Kỳ tự trị” của thực dân Pháp, đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ,… kết quả sau 5 tháng tồn tại Chính phủ “Nam Kỳ tự trị” bị tan rã.
Năm 1946 - 1947, đồng chí được Đảng giao trọng trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến giữa năm 1948 thì về Xứ ủy Nam Bộ, chỉ đạo củng cố tổ chức, xây dựng tổ chức hệ thống đảng, lực lượng vũ trang, tổ chức đoàn thể quần chúng đến tận cơ sở. Dưới dự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, phong trào đấu tranh cách mạng đã có bước phát triển, tạo sự chuyển biến về đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị sôi nổi, rộng khắp, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như phong trào đấu tranh của công nhân, trí thức, sinh viên, học sinh ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, chống thực dân Pháp, chống Chính phủ bù nhìn Bảo Đại, chống can thiệp Mỹ.
Tháng 8/1950, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn , đồng chí Nguyễn Văn Linh được Đảng phân công giữ trọng trách Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1950 -1953). Trên cương vị mới, đồng chí chỉ đạo củng cố lực lượng, khôi phục phong trào cách mạng, đặc biệt mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, đẩy mạnh công tác dân vận, địch vận, quan tâm đời sống của Nhân dân, đồng thời xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang, bán vũ trang, du kích,… nhờ đó quân và nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn đã vượt qua khó khăn, gian khổ, bảo toàn lực lượng, tổ chức một số trận đánh hiệu quả, góp phần đánh bại thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ.
Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Cùng với bản Tuyên bố về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương, bản Hiệp định này công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đồng thời quy định việc Pháp rút quân khỏi Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (từ năm 1954 - 1975)
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia thành hai miền. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên xây dựng CNXH, miền Nam nằm dưới ách cai trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Ngày 06/9/1954 thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam “Về chuyển hướng công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới ở miền Nam. Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được tổ chức, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia Xứ ủy với cương vị Thường vụ Xứ ủy. Cũng tại hội nghị quan trọng này, Xứ ủy Nam Bộ quyết định thành lập Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn; đồng chí Nguyễn Văn Linh được phân công làm Bí thư Khu ủy”. Đồng chí đã tổ chức, huấn luyện và đào tạo cán bộ; cài cắm người, xây dựng cơ sở nội tuyến trong các cơ quan đầu não của chính quyền và Quân đội Việt Nam Cộng hòa; đẩy mạnh công tác dân vận, nhất là đối với những đồng bào công giáo miền Bắc bị cưỡng ép di cư, kêu gọi đồng bào miền Nam đoàn kết cùng nhau đấu tranh chống đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm… góp phần hạn chế hành động chống phá cách mạng miền Nam của kẻ thù.
Năm 1957 - 1960, đồng chí làm Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, rồi Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng tập thể Xứ ủy Nam Bộ, chỉ đạo thực hiện giữ gìn lực lượng, bí mật, tích cực chuẩn bị cho việc chuyển lên đấu tranh vũ trang; thể hiện nhận thức và đánh giá đúng, sát tình hình, có tầm nhìn chiến lược của đồng chí trong giai đoạn cách mạng miền Nam đang đứng trước nhiều cam go, thử thách nghiêm trọng. Đồng chí thường xuyên xuống cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng, từ đó đề ra những hình thức đấu tranh thích hợp, tập hợp được đông đảo quần chúng hưởng ứng. Khi đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, tàn sát cán bộ, đảng viên, đồng bào yêu nước, đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những nhận định đúng đắn về thực tế địch, ta và đã điện xin ý kiến Bộ Chính trị về việc “nâng cao hoạt động võ trang lên”, đồng thời trực tiếp bàn phương án đánh địch, quyết định mở trận đánh thí điểm vào một căn cứ đầu não của địch.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đầu tháng 1/1960, Hội nghị cán bộ Quân sự miền Đông Nam Bộ, bàn kế hoạch tập trung lực lượng đánh cứ điểm Tua Hai của Sư đoàn 21 Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Linh thay mặt Xứ ủy về tận căn cứ trực tiếp nghe báo cáo và trao đổi lại kỹ lưỡng kế hoạch tiến công. Ngày 26/1/1960, lợi dụng sơ hở của địch, ta tiến công cứ điểm Tua Hai. Đây là trận thắng lớn đầu tiên của lực lượng vũ trang, đạt được các yêu cầu về chính trị và quân sự do Xứ ủy Nam Bộ đề ra, là một trong những trận đột phá của phong trào Đồng Khởi ở miền Nam, khích lệ nhân dân các tỉnh Đồng bằng Nam Bộ vùng lên phá ách kìm kẹp, giành quyền làm chủ.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm cánh đồng lúa của Hợp tác xã Hải Vân (Hải Hậu, tỉnh Hà Nam Ninh) năm 1988
(Ảnh: Báo Nhân dân)
Ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư, có nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công tác Đảng ở miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Đến năm 1964, đồng chí là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (Nhằm tăng cường sự chỉ đạo của Trung ương cho cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị được cử vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Quân ủy Miền).
Tháng 1/1966, trước những âm mưu, thủ đoạn mới của địch, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận định phong trào cách mạng ở đô thị đóng một vai trò hết sức quan trọng. Tại Hội nghị Khu ủy, đồng chí đã đưa ra 10 kết luận về khả năng đánh được Mỹ của chiến tranh nhân dân địa phương, sau này trở thành nội dung cụ thể của công tác tư tưởng, tổ chức và chỉ đạo chiến đấu của Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định, góp phần quan trọng vào phong trào thi đua đánh Mỹ trên chiến trường miền Nam. Sau một thời gian trực tiếp phụ trách Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại được điều về Trung ương Cục miền Nam.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, chặt chẽ của Trung ương Cục miền Nam, theo một kế hoạch chung thống nhất toàn miền, trong các ngày 30 và 31/1/1968, lực lượng vũ trang giải phóng và đồng bào miền Nam nhất tề nổi dậy và tấn công vào 43 thành phố, thị xã, 100 thị trấn, 45 sân bay và hàng trăm căn cứ quân sự của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 giành được thắng lợi về nhiều mặt đã góp phần làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Hội nghị Paris. Ngày 13/5/1968, cuộc đàm phán chính thức giữa Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ bắt đầu diễn ra ở Thủ đô Paris (Cộng hòa Pháp) đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ gây ra đối với Việt Nam.
Đầu năm 1971, trước yêu cầu của phong trào cách mạng Sài Gòn - Gia Định, Trung ương Cục miền Nam điều động đồng chí Nguyễn Văn Linh trở lại phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, nhằm đưa cuộc đấu tranh của nhân dân nơi đây phát triển lên một bước mới, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tạo bước chuyển biến chiến lược làm thay đổi cục diện chiến trường. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng các đồng chí trong Thành ủy thống nhất nhận thức và quan điểm chỉ đạo công tác, tổ chức, xây dựng lực lượng phù hợp với tình hình mới, góp phần đưa phong trào cách mạng ở đô thị đi vào chiều sâu, hạn chế tổn thất.
Sau gần 5 năm đàm phán, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris “Về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký chính thức. Đây là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, của sự phối hợp nhịp nhàng giữa đấu tranh trên chiến trường với đấu tranh trên bàn đàm phán, là điển hình của việc kết hợp chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trước những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trên khắp các chiến trường, đầu năm 1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa và quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng. Đồng chí đã khẩn trương, tích cực chuẩn bị về mọi mặt, lập ra các ban công tác để lãnh đạo từng mặt của phong trào như: Ban Phụ vận, Ban Trí vận, Ban Hoa vận, Ban Tuyên huấn... lập kế hoạch nổi dậy cho mỗi tầng lớp, lo in cờ, truyền đơn, biểu ngữ, lo công tác tiếp quản. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Nguyễn Văn Linh, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã bước vào chiến dịch với một khí thế sôi sục và quyết tâm cao. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Sài Gòn, dẫn tới sự sụp đổ của Việt Nam Cộng hòa và chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
Như vậy, từ những năm 1945 đến 1975, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Đảng, trong phong trào cách mạng ở miền Nam, đặc biệt là trên cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, là hậu thuẫn quan trọng cho lực lượng vũ trang giải phóng tiến công địch trên các mặt trận lớn, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975.
Những cống hiến xuất sắc của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục đảm nhận những trọng trách lớn: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1986 đến 1991), trong bối cảnh đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và cần có một quyết sách lớn để thoát ra. Chính đồng chí Nguyễn Văn Linh là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam và là người khởi xướng công cuộc Đổi mới.
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có. Đồng chí khẳng định: Không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm phân xưởng sản xuất của Nhà máy Z125 thuộc Tổng cục Kỹ thuật
(Bộ Quốc phòng), ngày 23/3/1987 (Ảnh: TTXVN)
Những quyết sách đổi mới của đồng chí không bắt nguồn từ sách vở, mà bắt nguồn từ mong muốn và nhu cầu sống còn của người dân, của doanh nghiệp, của từng hợp tác xã, xí nghiệp nhỏ. Bài học về chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong.
Một vấn đề đặc biệt đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh, ngày 25/5/1987, báo Nhân dân chính thức xuất hiện một chuyên mục mới “Những việc cần làm ngay”, tác giả ký tên N.V.L đã đi thẳng vào vấn đề nóng bỏng của đất nước, thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí - những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân. Tiếp theo đó, hàng loạt bài viết đăng trên chuyên mục này được xuất hiện đều đặn mỗi số, từ số đầu tiên ra ngày 25/5/1987 đến số cuối cùng ngày 29/9/1990.
Trong thời kỳ đổi mới, đồng chí luôn nhấn mạnh, Việt Nam đổi mới không theo lệnh của ai, không rập khuôn mô hình bên ngoài, mà xuất phát từ thực tiễn của chính mình, vì lợi ích của dân tộc. Đó là tầm nhìn sâu xa, phù hợp cả trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của đồng chí, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực: Từ sản xuất nông nghiệp chuyển từ tập trung sang khoán hộ, từ bao cấp sang thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập, từ quản lý mệnh lệnh sang vận hành theo quy luật cung - cầu. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII của Đảng, đồng chí được cử làm cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại cho chúng ta nhiều bài học trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một là, đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ông từng khẳng định: “Đổi mới không có nghĩa là phủ nhận quá khứ, mà là tiếp tục phát triển từ thực tiễn, dám nhìn thẳng vào sự thật để hành động. Tinh thần đó là kim chỉ nam cho thế hệ cán bộ hôm nay - khi đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức”.
Chỉ có đổi mới tư duy, đổi mới cách tiếp cận và dám làm điều chưa có tiền lệ, chúng ta mới có thể đưa đất nước tiến xa hơn. Cán bộ lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, phải có dũng khí nhận trách nhiệm, sẵn sàng đương đầu với cái mới, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, trì trệ.
Hai là, gắn bó mật thiết với nhân dân, xuất phát từ lợi ích của nhân dân.
Sinh thời, đồng chí thường xuyên đi cơ sở, lắng nghe phản ánh của quần chúng, tiếp xúc với thực tiễn đời sống. Những quyết sách đổi mới của đồng chí bắt nguồn từ mong muốn và nhu cầu sống còn của người dân, của doanh nghiệp, của từng hợp tác xã, từng xí nghiệp nhỏ, chứ không bắt nguồn từ sách vở.
Hiện tại, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… lãnh đạo các cấp càng cần thay đổi, không bằng mệnh lệnh hành chính thuần túy mà bằng việc gần dân, hiểu dân, biết dân cần gì để hướng dẫn. Đó là nền tảng của một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả và có tính đồng thuận cao.
Ba là, chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong.
Một loạt bài đăng trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đồng chí thẳng thắn phê bình những biểu hiện của lợi ích nhóm, lạm dụng quyền lực, tham nhũng. Theo đồng chí: “Đổi mới không chỉ là về kinh tế, mà là phải đổi mới cả đạo đức, lề lối, kỷ cương trong Đảng”.
Bài học chống chủ nghĩa cá nhân, giữ gìn đạo đức cách mạng, chỉnh đốn Đảng từ bên trong là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta đang thực hiện mạnh mẽ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xử lý nghiêm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đảng mạnh mẽ, trong sạch thì đất nước hùng cường. Đảng bộ, chi bộ trong sạch, mạnh mẽ thì cơ quan, đơn vị sẽ phát triển.
Bốn là, tư duy độc lập, phát huy nội lực, đi lên từ chính bản thân mình.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn khẳng định: “Việt Nam đổi mới không theo lệnh của ai, không rập khuôn mô hình bên ngoài, mà xuất phát từ thực tiễn của chính mình, vì lợi ích của dân tộc. Đó là tầm nhìn sâu xa, chiến lược. đi lên từ chính bản thân mình”.
Cùng với đó là Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm các nước, hợp tác sâu rộng, nhưng quan trọng hơn là phát triển bản lĩnh nội tại, ứng dụng khoa học công nghệ, thể chế linh hoạt, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tinh thần dân tộc kiên cường.
Tóm lại, trong thời điểm cả dân tộc đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính địa phương hai cấp với không gian phát triển mới, chúng ta càng cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực… của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Cần phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…. Cần có sự đoàn kết, đặt lợi ích tập thể trên lợi ích cá nhân. Các đảng viên cần năng động sáng tạo trong công việc, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với công việc được giao. Mỗi cá nhân cần tự học hỏi, trau dồi chuyên môn, có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn phẩm chất tư cách, tính tiên phong, gương mẫu của người Đảng viên, không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống...
Đ/c Mai Minh Ngọc (Chi bộ Viện Nhà nước và Pháp luật)
* Bài viết tuyên truyền cho Đại hội Đảng lần thứ XIV