Còn thiếu nhất quán với chính sách xã hội
Kế thừa quy định người được trợ giúp pháp lý từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 bao gồm: người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) đã bổ sung các đối tượng được trợ giúp là nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội; người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, tôi lưu ý, khi đối chiếu với dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành (2006). Theo đó, các Điểm b, e và g Khoản 1 Điều 7, dự thảo Luật không thu hút tất cả những người được trợ giúp pháp lý đang được quy định trong Luật Người khuyết tật (Điểm d, Khoản 1, Điều 4), Luật Phòng, chống mua bán người (Khoản 1, Điều 36) và Luật Trẻ em (Điều 30) mà chỉ quy định lựa chọn những người “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” hoặc “trẻ em bị buộc tội” mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Đồng thời, dự thảo Luật cũng không luật hóa tất cả những người đang được trợ giúp pháp lý quy định tại các văn bản dưới luật như Nghị định số 14/2013/NĐ-CP (người bị nhiễm chất độc hóa học) và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BLĐTBXH (người tham gia tố tụng hình sự là người chưa thành niên, bao gồm cả người bị hại, người làm chứng là trẻ em và người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Việc thu hẹp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành như trên dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm người yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo nên sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.
Tờ trình của Chính phủ cũng lấy lý do thiếu nguồn lực tài chính mà thu hẹp trợ giúp pháp lý đối với diện những người đang được hưởng, nếu thiếu thì cần báo cáo rõ với QH và đề xuất bổ sung nguồn lực bảo đảm thực hiện trên thực tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bỏ trợ giúp pháp lý lưu động - người dân biết giãi bày cùng ai?
Nhằm thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý, dự thảo Luật không quy định chi nhánh với tư cách là một tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý cũng như việc thành lập mới các chi nhánh. Trong khi, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đã và đang được thành lập tại một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp huyện. Chi nhánh được ưu tiên thành lập ở các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi chưa có tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Chi nhánh góp phần rút ngắn khoảng cách giữa người dân với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Nếu bỏ chi nhánh, không thành lập chi nhánh mới sẽ như thế nào? Cá biệt, có những địa bàn miền núi như huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, địa điểm đặt trung tâm pháp lý tại TP Điện Biên Phủ, nghĩa là người dân muốn trợ giúp pháp lý phải đi mất 210km - Đó là điều không tưởng.
Đáng lưu ý, dự thảo Luật chỉ quy định 3 hình thức trợ giúp pháp lý là: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng. So với Luật Trợ giúp pháp lý hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ các hình thức trợ giúp pháp lý khác, mà chủ yếu là trợ giúp pháp lý lưu động, rất cần trong thực tiễn đời sống. Thông qua trợ giúp pháp lý lưu động để trực tiếp tư vấn cho người dân tại cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để có thể tự bảo vệ mình hoặc chủ động tìm đến trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Cách làm này đã đem lại những hiệu quả thiết thực, đóng vai trò quan trọng vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý trong thời gian qua, đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Nếu không có trợ giúp pháp lý lưu động, người dân biết giãi bày cùng ai? Hơn nữa, mạng lưới tuyên truyền pháp luật đến với người dân còn thiếu và yếu. Tính riêng Sở Tư pháp, phòng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chỉ có 3 - 4 người; phòng tư pháp các huyện có 3 người; tư pháp hộ tịch ở cấp xã, phường có từ 1 - 2 người (chỉ tính riêng mảng hộ tịch đã trên 15 đầu việc), lấy đâu ra thời gian để làm việc khác? Lúc này ai sẽ tuyên truyền pháp luật đến người dân? Khó khăn khi tiếp cận pháp luật được giải quyết thế nào?
Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật
(Theo http://daibieunhandan.vn)