•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hạn chế quy định về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp năm 2014

04/11/2016
Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đã đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, rút ngắn thủ tục gia nhập thị trường của nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

So với các quy định trước đây về thủ tục, điều kiện gia nhập thị trường thì Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều điểm mới, mang tính bước ngoặt như một lần nữa khẳng định quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp được quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình, thay đổi nội dung đăng ký được đơn giản hóa; thời gian thành lập doanh nghiệp được rút ngắn; doanh nghiệp được chủ động trong việc lựa chọn hình thức, số lượng, nội dung con dấu…Tuy nhiên, một số quy định trong luật còn chưa phù hợp, thiếu thực tế, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Một trong số đó là quy định về thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.


Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được hiểu là các văn bản, tài liệu mà người dự định thành lập doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan đăng ký doanh nghiệp, trên cơ sở đó, căn cứ theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. So với các quy định trước đây về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp năm 2014 vẫn không có sự thay đổi, mặc dù, có thể nói đây là quy định góp phần hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: Website BHXH Thái Nguyên)


Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Luật Doanh nghiệp 2014, bao gồm hồ sơ đăng ký thành lập mới doanh nghiệp, hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp và hồ sơ chuyển đổi loại hình (sau đây gọi chung là hồ sơ đăng ký doanh nghiệp) của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Một điểm chung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của các loại hình doanh nghiệp đều bao gồm giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty (trừ doanh nghiệp tư nhân), danh sách thành viên, giấy tờ nhân thân của thành viên.


Bất cập trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với các loại hình doanh nghiệp thể hiện ở 02 điểm:

 

Thứ nhất, về ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, quyền chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh (Điều 7). Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải kê khai ngành, nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (theo giải thích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm phục vụ cho công tác thống kê). Tuy nhiên, khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thể hiện nội dung ngành nghề. Nội dung ngành nghề chỉ được ghi nhận trên Hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh Quốc gia và ghi nhận trong giấy xác nhận cho doanh nghiệp. Trong thời điểm hiện tại, việc không ghi ngành nghề trên đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp một phần làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vì, nhiều trường hợp, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên một số tổ chức, đơn vị khi nhận hồ sơ đấu thầu, đấu giá hoặc ký kết hợp đồng kinh tế thường yêu cầu trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải có ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động đó. Mặt khác, doanh nghiệp đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ nhưng không hoạt động hết các ngành nghề đã đăng ký. Điều này gây khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp trong việc tìm hiểu mã ngành kinh doanh để kê khai trong hồ sơ mà còn gây khó khăn cho cán bộ làm công tác đăng ký doanh nghiệp (phải nhập ngành nghề lên hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia, cấp giấy xác nhận ngành nghề cho doanh nghiệp…). Điều này làm tăng chi phí thực hiện thủ tục, giảm hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính.

 

Thứ hai, về điều lệ của doanh nghiệp. Về bản chất, điều lệ là văn bản thỏa thuận, mang tính nội bộ của doanh nghiệp gồm cơ cấu tổ chức, quản lý doanh nghiệp, vốn điều lệ của doanh nghiệp, thời hạn góp vốn, cơ chế phân chia lợi nhuận…trên cơ sở quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 thì điều lệ công ty bao gồm điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Điều lệ công ty có 13 nội dung chủ yếu như: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có); ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần; họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập; quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; cơ cấu tổ chức quản lý; người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty… Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định khá cụ thể, mang tính nguyên tắc các nội dung phải có trong điều lệ doanh nghiệp. Khi xây dựng và thông qua điều lệ các thành viên trong doanh nghiệp phải căn cứ vào quy định này. Do đó, về bản chất, điều lệ doanh nghiệp là sự cụ thể hóa quy định của pháp luật doanh nghiệp. Do đó, việc quy định điều lệ doanh nghiệp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là không cần thiết, gây khó khăn cho cả người thành lập doanh nghiệp lẫn cơ quan đăng ký doanh nghiệp.


Trên cơ sở những hạn chế như trên, đề xuất sửa đổi các quy định về thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trong Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng như sau:


Thứ nhất, bỏ nội dung về ngành nghề đăng ký kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Việc thống kê ngành nghề kinh doanh có thể dựa trên ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Chính phủ cần ban hành danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh các ngành nghề đó khi đủ điều kiện.


Thứ hai, bỏ quy định các cá nhân, doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan đăng ký kinh doanh Điều lệ doanh nghiệp. Nhà đầu tư khi thành lập doanh nghiệp phải thông qua điều lệ trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn, chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của điều lệ. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trên cơ sở quy định của quy chế quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh sẽ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra việc ban hành, thông qua và lưu trữ điều lệ của doanh nghiệp.


Thứ ba, cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đặc biệt là cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp) cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về doanh nghiệp góp phần nâng cao nhận thức về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Ths. Đỗ Đình Chuyền 

       (Theo http://moj.gov.vn)