•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ

19/10/2016
Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu và rộng với quốc tế cũng như hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì không thể thiếu vai trò của khoa học và công nghệ. Theo đó, sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ là vấn đề vô cùng quan trọng.

Bảo đảm tính khả thi của các dự luật

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch QH Khóa XIV, trong phát biểu nhậm chức, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra thông điệp: Xây dựng một QH đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân. Là một trong các Ủy ban chuyên môn của QH, để góp phần hiện thực hóa thành công thông điệp quan trọng này, trong nhiệm kỳ QH Khóa XIV, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường định hướng công tác sẽ bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương, của Đảng đoàn QH, UBTVQH trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong đó, có các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

 

Trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thẩm tra các dự án luật, nghị quyết; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với nội dung của Hiến pháp 2013 và hệ thống pháp luật trong nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của đất nước. Nâng cao tính khả thi của các dự thảo luật; tổ chức thực hiện tốt việc chủ trì thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý các dự án luật để mỗi đạo luật được QH thông qua thực sự là chính sách quan trọng với các quy định pháp lý cụ thể, định hướng cho sự phát triển của KH và CN.

 

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thăm và làm việc tại

Tổng công ty Sông Thu

 

Với hoạt động giám sát, Ủy ban đã, đang và sẽ tiếp tục cải tiến cách thức tiến hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này. Theo đó, xây dựng chương trình giám sát cụ thể; xác định rõ mục đích, nội dung và đối tượng giám sát; có ý kiến đề xuất, kiến nghị thiết thực với QH, UBTVQH, Chính phủ sau các đợt giám sát. Tập trung vào giám sát chuyên đề, nhất là các chuyên đề của QH, UBTVQH giao, coi đây là dịp các ngành, các cấp, các cơ quan được giám sát có điều kiện soi lại mình, xốc lại đội ngũ, rà soát lại thể chế, từ đó thấy rõ hơn những hạn chế, yếu kém và đưa ra những giải pháp khắc phục.

 

Ủy ban cũng sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị đổi mới tổ chức và hoạt động KH và CN; đổi mới quản lý, cơ chế, chính sách phát triển KH và CN... nhằm góp phần đưa trình độ KH và CN của đất nước phát triển.

 

Đẩy mạnh ứng dụng KH và CN vào thực tế sản xuất

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu và rộng hơn với quốc tế, gia nhập Hiệp định thương mại tự do châu Âu (EU), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN, cũng như hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì không thể thiếu được vai trò của KH và CN.

 

Chính vì vậy, căn cứ vào vai trò và nhiệm vụ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xác định sẽ tập trung tham mưu, giúp QH trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng kết quả KH và CN vào thực tế sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển bền vững đất nước. Tạo bước đột phá trong nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, không độc canh cây trồng, tập trung vào nâng cao chất lượng lúa gạo tạo nên thương hiệu mạnh; phát triển các cây trồng, vật nuôi khác có thế mạnh và giá trị kinh tế cao, phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Coi lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghệ hỗ trợ là then chốt cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để từ đó có quyết tâm chính trị cao, có chính sách thực sự phù hợp thúc đẩy lĩnh vực này phát triển. Định hướng chính sách trong việc đầu tư cho KH và CN; nhập khẩu thiết bị, máy móc, chuyển giao công nghệ; coi trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, môi sinh, nâng cao sức khỏe nhân dân; chính sách khai thác và sử dụng nguồn nước, sông suối bắt nguồn từ ngoài biên giới. Tăng cường quản lý lưu vực sông, hệ thống đê, kè, đê biển, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu gây sạt lở, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường; coi ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề lâu dài.

 

Để thực hiện thành công những mục tiêu này, Ủy ban cho rằng, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và môi trường. Bởi, đây là lĩnh vực rộng lớn, trong khi đó, nước ta chuẩn bị hội nhập rộng và sâu vào nền kinh tế thế giới. Do đó, đòi hỏi hàm lượng tri thức trong nền kinh tế ngày càng cao, sức ép của việc phát triển KT - XH nhanh đã kéo theo các vấn đề về môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu. Vì vậy, trong nhiệm kỳ QH Khóa XIV, Ủy ban sẽ bám sát vào Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế trong lĩnh vực KH và CN, tài nguyên và môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững. Qua đó, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và giải quyết các vấn đề toàn cầu hóa như bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đẩy mạnh việc đưa kết quả, ứng dụng các thành quả tiến bộ của KH và CN vào thực tế đời sống xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

 

Ủy ban cũng đề nghị, trong công tác lập pháp, QH cần tiếp tục xây dựng chương trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính chiến lược, dài hạn hơn nữa; bảo đảm khoa học, dự báo chính xác và bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng yêu cầu cấp bách của đời sống kinh tế - xã hội…

 

Tăng cường hợp tác quốc tế giữa các cơ quan của QH Việt Nam với các cơ quan tương ứng của QH các nước, các tổ chức quốc tế để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, khai thác các nguồn lực phục vụ công tác lập pháp. Tăng cường giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm văn bản hướng dẫn thi hành luật đúng quy định của luật, không phát sinh quy phạm mới. Rà soát hệ thống văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

 

Cần tiếp tục đổi mới, khắc phục tình trạng soạn thảo luật khung, chuyển dần sang soạn thảo chi tiết, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những luật đã được ban hành để hạn chế tối đa việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Nâng cao chất lượng các dự thảo luật, các dự án luật phải thể chế hóa, cụ thể hóa được chủ trương, chính sách mới của Đảng, có cơ chế rõ ràng, minh bạch để thực hiện. Ban hành các quy định cụ thể về cơ chế phối hợp trong công tác lập pháp, phát huy tối đa trí tuệ trong quá trình xây dựng dự thảo. Mở rộng các hình thức lấy ý kiến thích hợp để các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cộng đồng, cá nhân tham gia đóng góp vào quá trình soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

 

Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

(Theo http://daibieunhandan.vn)